08/08/2024 13:38 GMT+7

Hàng xuất khẩu sang Mỹ bị điều tra sẽ chịu 'phân biệt đối xử' thế nào?

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thể lựa chọn quốc gia thay thế là nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam để đẩy biên độ phá giá lên cao hơn, khi điều tra với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.

Cá tra phi lê được người tiêu dùng trong nước tiêu thụ mạnh trong dịp Tết - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cá tra phi lê được người tiêu dùng trong nước tiêu thụ mạnh trong dịp Tết - Ảnh: BỬU ĐẤU

Việc Mỹ không công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo đánh giá mới đây của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục bị "phân biệt đối xử" trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ. 

Chi phí sản xuất thực tế của Việt Nam sẽ không được công nhận

Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận, mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ 3 để tính toán biên độ bán phá giá.

Về vấn đề này, Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Mỹ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. 

Đây cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. 

Đến nay nước này đã điều tra 64 vụ trên tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với ta (chiếm 25%), gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế và 3 vụ việc tự vệ.

Việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra các vụ kiện này. 

Bởi nước này sẽ sử dụng chi phí của một nước thứ 3 (nước thay thế) để tính giá trị thông thường trong các vụ việc, khiến mức thuế chống bán phá giá tăng cao, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, xuất khẩu

Theo Cục Phòng vệ thương mại, danh sách các nước thay thế cho Việt Nam được Mỹ cập nhật dựa trên 2 tiêu chí.

Đó là nước có trình độ phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam; có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra. 

Trường hợp nếu có nhiều hơn một quốc gia đáp ứng cả 2 yêu cầu trên, Mỹ có thể lựa chọn một quốc gia có dữ liệu sẵn có và chất lượng nhất. Danh sách mới nhất cập nhật tháng 8-2023 gồm sáu nước: Indonesia, Jordan, Ai Cập, Philippines, Morocco và Sri Lanka. 

Lựa chọn quốc gia thay thế có thể đẩy biên độ phá giá cao hơn

Trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia có nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ sử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển không tương đương.

Ngoài ra DOC cũng có thể lựa chọn quốc gia thay thế là nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam hoặc không có tính đại diện để so sánh, làm gia tăng giá trị thay thế, để đẩy biên độ phá giá lên cao hơn.

Trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp, Mỹ cũng sử dụng ngưỡng chuẩn (benchmark) của nước thay thế khi tính toán biên độ trợ cấp, khiến mức thuế chống trợ cấp tăng cao. 

Ví dụ nước này có thể dùng lãi suất vay hay tiền thuê đất của nước khác làm ngưỡng chuẩn (thường ở mức cao) để so sánh với lãi suất vay hay tiền thuê đất của doanh nghiệp Việt Nam (thường ở mức thấp hơn) để tính lợi ích mà doanh nghiệp nhận được, khiến biên độ trợ cấp bị đẩy lên cao.

Có thể đề xuất nước thay thế không nằm trong danh sách của DOC

Theo quy định của Mỹ, các bên liên quan có quyền gửi ý kiến về việc lựa chọn nước và giá trị thay thế trong thời hạn 30 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc. Các bên cũng có thể đề xuất nước thay thế không nằm trong danh sách trên để DOC xem xét.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết đây là cơ hội để các doanh nghiệp bị điều tra đề xuất nước và nguồn dữ liệu thay thế phù hợp với chi phí sản xuất của mình.

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - basa, tôm nước ấm, lốp xe… của ta đã sử dụng quyền này để đề xuất lựa chọn nước thay thế phù hợp và qua đó được hưởng mức thuế chống bán phá giá bằng 0%.

Costa Rica là nước thứ 73 công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trườngCosta Rica là nước thứ 73 công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Costa Rica trở thành quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, theo Bộ Công Thương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên