Mới đây tại cuộc họp giải quyết nạn taxi "chặt chém" ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), các đơn vị chức năng cho biết quản lý taxi ở sân bay đã rối, càng rối hơn với tài xế công nghệ tắt app đón khách, ngã giá, nâng giá khiến hành khách bức xúc.
Hành khách đón xe công nghệ tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Muốn chấn chỉnh phải nắm ông "có tóc", như nếu tài xế hãng taxi "chặt chém" khách, cứ nắm ông hãng là xử được. Còn đằng này, nắm ai?
Ông công nghệ nắm cái app, điều hành giá cước, quản luôn dòng tiền nhưng lại nói họ với tài xế chỉ là "quan hệ đối tác".
Còn hợp tác xã mà các tài xế xe công nghệ tham gia bấy lâu nay chưa thấy đưa ra biện pháp để nâng chất lượng dịch vụ hay đấu tranh quyền lợi cho tài xế. Khó chấn chỉnh xe công nghệ "chặt chém" là thế.
Hay trong vụ Grab thu phí nắng nóng, nhiều ý kiến đặt vấn đề cước taxi khi tăng giảm phải kê khai theo Luật giá để quản lý. Nhưng như ông Trần Bảo Ngọc, vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho hay đến nay chưa có quy định xe hợp đồng điện tử như Grabcar, Becar, Gocar... phải kê khai giá cước.
Trong khi đó các hãng taxi vẫn đều đặn phải kê khai giá khi có điều chỉnh. Như vậy vẫn lọt hãng xe công nghệ. Mà cứ thế này, làm sao bảo vệ được người tiêu dùng như Luật giá đã quy định.
Kể chuyện lọt hãng xe công nghệ trong công tác quản lý còn rất dài. Chẳng hạn như thuế. Dù có doanh thu khủng nhưng hãng xe công nghệ cứ thoái thác "chỉ cung cấp giải pháp công nghệ", mất thời gian dài việc nộp thuế mới đi vào nề nếp.
Hay như trước đây hãng công nghệ không nhận mình là "taxi", chỉ là đơn vị cung ứng giải pháp kết nối. Đã nổ ra tranh luận xe công nghệ có gắn mào như taxi hay không. Cuối cùng, quản lý nhà nước đã cao tay hơn khi không quan tâm đến cái mào nữa, cứ xe kinh doanh vận tải là phải đăng ký biển số vàng.
Từ đó, khuôn khổ quản lý với xe vận tải hành khách mới được thực hiện với xe công nghệ, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.
Có cần khuôn khổ quản lý cho một số loại hình kinh doanh? Cần lắm chứ. Chúng ta ủng hộ cạnh tranh, tự do kinh doanh nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp.
Bởi lo nhất là một ngày nào đó, doanh nghiệp dùng sức mạnh tài chính, giảm giá, khuyến mãi để thâu tóm thị trường, khi đã nắm thị phần chi phối, đối thủ cạnh tranh không còn nữa, họ sẽ áp đặt giá lên người tiêu dùng.
Bởi thế mới có Luật giá, Luật cạnh tranh, mới có Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng để không ai bị o ép, bắt chẹt.
Thực tế trong lĩnh vực xe công nghệ thời gian qua cho thấy, khi doanh nghiệp đã có thị phần kha khá cũng là lúc các đối tác của họ (tài xế, người bán hàng) và người tiêu dùng đều kêu bị o ép.
Tỉ lệ chiết khấu của tài xế từ 20% nay đã là 30%. Người tiêu dùng đã "dội" khi giá cước tăng đều cộng thêm những khoản phí không thể hiểu nổi như phí nắng nóng 5.000 đồng/cuốc, phí trời mưa, kẹt xe...
Đến lúc này thị phần taxi đã được định hình với thế mạnh đang nằm trong tay các hãng xe công nghệ.
Phải làm gì đó để đưa loại hình này vào khuôn khổ, nếu không một ngày nào đó, chúng ta, từ anh lái xe, chị bán hàng đến tất cả người tiêu dùng còn mệt mỏi với hãng xe công nghệ, dạng như "phí nắng nóng" đầy tai tiếng mà họ đã áp đặt và chỉ buông khi người tiêu dùng phản ứng gay gắt. Đừng lơ là như thời gian, đừng để mọi cái khó đổ về người đi xe, tài xế, người bán hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận