Dòng xe chủ lực cũng vào cuộc đua giảm giá
Tháng 10-2024, nhiều đại lý và hãng ô tô tiếp tục đua giảm giá quyết liệt để tăng sức hút và kích cầu tiêu dùng.
Hãng xe Mỹ là Ford dẫn đầu cuộc đua khuyến mãi trong tháng này, khi giảm giá gần toàn bộ các dòng xe.
Chẳng hạn, mẫu SUV cao cấp nhất của hãng là Explorer được giảm 50% lệ phí trước bạ, tương đương mức giảm 100 - 125 triệu đồng. Tương tự, Territory có giá từ 799 - 929 triệu đồng cũng được hưởng ưu đãi tương tự, giúp khách hàng tiết kiệm khoảng 40 - 55 triệu đồng.
Trong khi đó, dòng xe bán chạy nhất của Ford, Ranger, được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, tương đương mức giảm 20 - 37 triệu đồng cho tất cả phiên bản. Đáng chú ý, đại lý còn có thể giảm thêm 5 - 10 triệu đồng cho khách hàng quyết liệt đàm phán để đẩy nhanh doanh số.
Với mẫu xe Everest, ngoài các bản Sport, Titanium, Titanium Plus giảm đồng loạt 22 triệu đồng, riêng bản Ambiente còn được ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, người mua tiết kiệm đến 100 - 131 triệu đồng, tùy khu vực ra biển số.
Các đối thủ không đứng ngoài cuộc chơi. Honda và Mitsubishi cũng triển khai khuyến mãi cho các dòng xe. Honda điều chỉnh giá bán lẻ City và CR-V, lần lượt mức giảm từ 40 - 60 triệu đồng, 60 - 80 triệu đồng, tùy phiên bản.
Đối với Mitsubishi, trong tháng 10, hãng tập trung ưu đãi cho các mẫu xe nhập khẩu như Triton, Xpander AT Premium, Xpander Cross, với mức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ...
Subaru tiếp tục triển khai nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các mẫu Forester, BRZ và Outback. Cụ thể, ba phiên bản Forester 2.0i-L, 2.0 i-L EyeSight và 2.0 i-S EyeSight lần lượt giảm 100 triệu, 170 triệu và 230 triệu đồng, giá còn 869 triệu, 929 triệu và 969 triệu đồng. Tất cả đều là xe sản xuất 2024.
Hãng xe điều chỉnh ưu đãi, tránh bất lợi so với đối thủ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một hãng xe nhận định cuộc đua giảm giá không chỉ nhằm tận dụng lợi thế từ nghị định 109/2024/NĐ-CP của Chính phủ, mà còn phản ánh chiến lược của các hãng xe trong việc kích cầu tiêu dùng vào thời điểm cuối năm.
Kể từ khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 9-2024, nhiều hãng xe đã nhanh chóng điều chỉnh chương trình khuyến mãi để không rơi vào thế bất lợi so với các đối thủ.
Tuy nhiên, việc liên tục giảm giá cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà sản xuất. Mặc dù tạo được sự quan tâm và thúc đẩy doanh số ngắn hạn nhưng có ý kiến vẫn lo người tiêu dùng hình thành tâm lý "chờ đợi" các đợt ưu đãi tiếp theo, làm giảm sức mua trong các giai đoạn không có khuyến mãi. Điều này dẫn đến doanh thu không ổn định và làm suy yếu khả năng cạnh tranh dài hạn của các hãng xe.
Với những tín hiệu tích cực từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những chương trình ưu đãi hấp dẫn, thị trường ô tô Việt Nam đang cho thấy sự hồi phục.
Dù vậy, theo góc nhìn của một chuyên gia ô tô, các hãng xe cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc áp dụng chiến lược khuyến mãi để đạt được sự cân bằng giữa doanh số ngắn hạn và sự phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận