ttct - Hiền, một người kinh doanh hàng xách tay trên mạng xã hội có tiếng, đoan chắc: “Thị trường hàng xách tay không bao giờ chết, ngay cả khi thương hiệu chính hãng hiện diện tại nước nhập hàng”. Ảnh: China Daily Kinh doanh hàng xách tay đã hơn 5 năm, đúc kết của Hiền rút ra từ kết quả kinh doanh của cô: tháng sau tăng trưởng cao hơn tháng trước, mạng lưới không ngừng mở rộng. “Cơn nghiện hàng hiệu, hàng ngoại của người Việt mình không bao giờ giảm đâu” - Hiền tự tin. Hàng xách tay: buôn có bạn, bán có phường Cách đây 5 năm, Hiền tranh thủ thời gian nghỉ sinh ở nhà để kinh doanh trên mạng các mặt hàng nho nhỏ liên quan đến trẻ em. Ban đầu, nguồn hàng là từ những đồng nghiệp của chồng cô: những tiếp viên hàng không, luôn có những chuyến hàng xách tay “độc, lạ”. Hàng chủ yếu của các thương hiệu Mỹ, Nhật và Úc... là những nước có đường bay phổ biến với VN, và có nhiều thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ một vài mẫu rao bán đơn thuần trên mạng xã hội, phản hồi mà Hiền nhận lại quá tốt. Bạn bè, người quen nhắn hỏi mua liên tục, từ sữa bột, kem chống hăm, sau đó đến nước hoa, đồng hồ, túi xách... Tháng đầu, Hiền lời gần 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí, một con số cô chưa từng nghĩ mình có thể kiếm ra dễ vậy vào thời điểm đó. Cô dần xem đây là nghề chính, dành nhiều thời gian bán hàng qua mạng hơn cả cho công việc văn phòng. “Chỉ trả lời các câu hỏi của khách và nhận order (đặt hàng) đã chiếm nhiều thời gian trong ngày của tôi, nhưng công việc bán hàng cứ cuốn vào” - Hiền cho biết. Đến nay, Hiền là một trong những nhánh phân phối lớn của mạng lưới bán hàng xách tay có tiếng ở TP.HCM. Ở đây có hàng xách tay của hơn 10 nước, từ sữa bột, kem, đồ dùng mỹ phẩm đến túi xách, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng... Mạng lưới này chia nhau thị phần, bổ trợ nguồn hàng cho nhau với khoảng 10 người, tỏa khắp các kênh mạng xã hội hiện hữu. “Hàng xách tay chính hãng”, “Hàng xách tay Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Singapore”..., thị trường hàng xách tay nở rộ đến mức trở thành một nghề kinh doanh đem lại thu nhập không chỉ ổn định mà còn “sống khỏe”, làm giàu được với nhiều chị em. Thủy, đang sống ở Melbourne (Úc), cho biết đã theo nghề bán hàng xách tay qua mạng nhiều năm nay, từ khi cô còn ở Việt Nam. Hiện đã theo chồng sang Úc định cư, công việc bán hàng của cô càng thuận lợi hơn. “Cuối tuần tôi vào các chợ dành cho người châu Á gom hàng hoặc kênh khuyến mãi trên mạng. Bán chạy nhất là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm dành cho trẻ em. Nhu cầu của người Việt cao lắm, họ cũng hay nghi ngờ, cũng là sản phẩm đó bán sẵn ở VN họ sẽ nói là “hàng nhái”, phải từ bên này đưa về mới yên tâm” - Thủy kể. Hàng hóa sau khi được cô gom về sẽ vận chuyển về VN qua các đường bạn bè, người quen hoặc công ty vận chuyển dịch vụ. “Tôi dùng nhiều đường gửi hàng khác nhau, vừa tránh đóng thuế vừa linh hoạt theo nhu cầu gấp hay chậm của người mua hàng” - Thủy nói. Ảnh: business-circle Hàng xách tay là hàng gì? Nhìn bề ngoài, thị trường hàng xách tay tưởng chừng chỉ là hoạt động đơn giản mua hàng đặt giùm rồi vận chuyển về nước. Nhưng những người kinh doanh hàng xách tay lâu năm cho biết thị trường này hoạt động phức tạp hơn nhiều. Ngoài cuộc chiến “nguồn hàng” còn cạnh tranh nhau về giá, hơn nhau lời rao ai “chuẩn” hơn. Trước đây, người bán hàng sẽ canh các đợt giảm giá gom đồ về rồi bán dần, nhưng cách này cần vốn rất lớn để tích trữ hàng trong kho. Ngoài rủi ro ôm vốn lớn, kinh doanh kiểu này còn dễ bị tồn hàng cao vì thị hiếu của người dùng chưa đo lường được. Dần dần sau này, những cá nhân tham gia thị trường mới chuyển sang gom hàng “order” (hàng đặt), nghĩa là có đơn hàng thì mới bắt đầu đi mua và chuyển về. Nhưng khoảng vài năm nay, khi cơ quan hải quan siết hơn với những kiện hàng gửi từ nước ngoài về VN khai báo dạng cá nhân, việc kinh doanh hàng xách tay bị ảnh hưởng, nhiều đơn hàng bị đình trệ. Do đó, gần đây các nhóm bán hàng rủ nhau đích thân sang các nước khác “đánh” hàng về. Hình thức “đánh” hàng xách tay này chủ yếu dành cho những mặt hàng ở các nước gần như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan..., vốn phát triển đường bay hàng không giá rẻ. Hàng xách tay vẫn phổ biến là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo thời trang... Sau này có thêm thực phẩm, bánh kẹo, thậm chí cả nước ngọt. Các “bà chủ shop” sẽ chụp hình, quay clip món hàng, đưa ra giá, những người có nhu cầu sẽ để lại lời nhắn. Nhưng theo Phúc - một người đang kinh doanh hàng xách tay, không phải hàng xách tay nào cũng “chính hãng”. Truy cập vào nhiều địa chỉ trên mạng xã hội, Phúc “điểm danh” cho chúng tôi một số tên shop mà theo Phúc, cần phải cẩn thận nếu mua hàng. “Như hàng sữa bột từ Nhật về, bánh kẹo..., không ít hàng được nhét ẩn trong các lô máy móc, hàng hóa nhập khẩu theo đường container về các cảng, chất lượng vì thế sẽ giảm sút. Một số hàng cận date về VN rồi sửa ngày trước khi tung ra thị trường. Đây mới chính là cách để kinh doanh hàng này có lời nhiều, đó là “hàng lậu”” - Phúc nói. Tình trạng nhập nhằng hàng xách tay, hàng lậu kéo dài một thời gian dài đã ảnh hưởng đến “uy tín thị trường” của hàng xách tay. Trong khi đó, theo Thủy, niềm tin là yếu tố sống còn của thị trường này. Có thể ngay cả khi công ty chính hãng quảng cáo, khách hàng cũng chưa chắc tin, nhưng chỉ cần người bán hàng xách tay giới thiệu trên trang mạng bán hàng của mình, phản ứng của người mua hàng hoàn toàn khác. “Những người đi mua hàng giờ đây không chỉ livestream trên trang mạng, xuất trình chụp hóa đơn tại quầy... mà còn đầu tư rất công phu vào các tút (status) bán hàng. Họ phải làm sao để khách hàng thấy và tin ngay đó là những món hàng được lấy từ quầy kệ chính hãng ở nước ngoài” - Thủy nói. Nhiều người chuyên mua hàng xách tay cho biết niềm tin khi mua hàng xách tay cực kỳ quan trọng. Nhiều người chỉ quyết định mua dùng sau khi đọc giới thiệu trên mạng xã hội của người nhà bán hàng xách tay, thậm chí không cần tìm hiểu cả nhà sản xuất. “Chúng tôi vẫn hay đùa với nhau, đáng lẽ chúng tôi là những đại sứ mới phải. Trong nhiều trường hợp, những người bán hàng xách tay đôi khi còn được xem là làm việc hiệu quả hơn cả đội ngũ bán chính thức của chính công ty” - Thủy nói. Phập phồng với chất lượng Theo một cán bộ hải quan, thực tế trong khâu quản lý của ngành hải quan không tồn tại khái niệm “hàng xách tay”, chỉ có hàng ngoài định mức miễn thuế đối với hành khách mà thôi. Theo quy định, khách khi nhập cảnh mang theo hàng hóa trong định mức quy định thì sẽ được miễn thuế, còn trên giá trị này thì phát sinh nghĩa vụ đóng thuế. Thông thường, giá trị món hàng không quá 10 triệu đồng, thuốc lá không quá 100 điếu, rượu trên 30 độ từ 2 lít... Ước tính số tiền thu thuế này chiếm khoảng 1% số thu thuế nhập khẩu của cơ quan hải quan. Tại sân bay Tân Sơn Nhất có một bộ phận chuyên xử lý thủ tục cho hàng phi mậu dịch (hàng không phục vụ kinh doanh). Đó là hàng hóa được khai báo dùng cho mục đích biếu tặng, hàng do thân nhân từ nước ngoài gửi về... Những mặt hàng này cũng chịu quy định chung như giá trị miễn thuế không quá 10 triệu đồng, phải kiểm tra chuyên ngành nếu có yêu cầu... Tuy vậy, không hiếm hàng xách tay được hiểu là hàng “nhập lậu”, hàng không khai báo được tuồn về VN theo nhiều cách. Cục Hải quan TP.HCM cho biết trong thời gian qua, nhiều lô hàng nhập lậu được công an kinh tế và hải quan TP.HCM phát hiện, thu giữ, trong đó phần lớn là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép... Không chỉ có hành vi trốn thuế, những mặt hàng này nếu trót lọt đưa ra thị trường sẽ đem đến nguy cơ cho người sử dụng vì không phải qua kiểm tra chuyên ngành như kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm định chất lượng... Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, nơi 80% hàng hóa phía Nam được thông quan, cho rằng tình trạng nhập lậu các mặt hàng tiêu dùng, thời trang ngày càng gia tăng vì đây là nhóm hàng dễ tiêu thụ, trong khi nếu khai báo đầy đủ, doanh nghiệp phải đóng thuế cao như mặt hàng thời trang thuế suất có thể hơn 35%, riêng hàng thực phẩm phải kiểm tra chuyên ngành và cần có giấy phép. Bị chi phối bởi tâm lý hàng xách tay giá rẻ hơn và hàng ngoại thì luôn “xịn” hơn, nhiều người tiêu dùng đã chọn mua hàng xách tay mà thực ra là hàng nhập lậu, trốn thuế chưa được kiểm định chất lượng. Ngoài nguy cơ mua hàng thực phẩm kém chất lượng, họ có thể mua nhầm hàng giả. Hải quan TP.HCM thừa nhận hành vi nhập lậu hàng hóa sau đó gắn nhãn hàng xách tay ngày càng tinh vi hơn, nhằm né tránh các chính sách quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, thủ đoạn của các doanh nghiệp vô cùng đa dạng, như chọn khai báo mặt hàng mà Nhà nước khuyến khích nhập khẩu để được phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, hoặc các nhóm khách đi với nhau, chia nhỏ hàng ra nhiều vali để qua mắt cơ quan hải quan. “Những trường hợp bị nghi vấn, kiểm tra thực tế hóa đơn đi kèm, nếu khách không chứng minh được kiện hàng dưới 10 triệu thì sẽ đóng thuế tại chỗ” - lãnh đạo hải quan cho biết. ■ Thất thu thuế vì hàng xách tay Theo cơ quan hải quan, hiện nay trên thị trường, hàng xách tay chủ yếu là hàng vận chuyển từ nước ngoài về VN theo đường hành lý của hành khách khi nhập cảnh, nhưng nhiều nhất vẫn qua cửa khẩu các tỉnh phía Bắc. Hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc ẩn chứa nguy cơ gây thất thu thuế, gây mất an toàn cho người sử dụng, đồng thời gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong khi đó, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và chất lượng hàng nội địa còn hạn chế đã làm cho thị trường hàng xách tay vẫn có đất sống. Tags: Ranh giới mong manhHàng xách tayHàng nhập lậuPhập phồng chất lượngThất thu thuế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.