26/04/2019 19:45 GMT+7

Hàng Việt muốn vào Nhật phải đối xử tốt với người lao động

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Các nhà sản xuất Việt Nam muốn đưa hàng vào chuỗi siêu thị AEON cũng như xuất khẩu vào thị trường Nhật qua hệ thống này đều phải tuân thủ quy định phúc lợi cho người lao động.

Hàng Việt muốn vào Nhật phải đối xử tốt với người lao động - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp tại buổi kết nối đưa hàng vào siêu thị Nhật Bản ngày 26-4 - Ảnh: N.BÌNH

Ông Ikeda, trưởng phòng quản lý chất lượng AOEN TopValu Việt Nam, khẳng định rằng "nếu doanh nghiệp vi phạm, dù hàng chất lượng cao cũng sẽ bị loại" khi trao đổi với 120 doanh nghiệp Việt Nam.

Họ đã trao đổi nhiều vấn đề tại hội thảo thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hoá, đồng thời kết nối với đại diện thu mua quốc tế của AEON Nhật Bản do Trung tâm Xúc tiến & đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 26-4.

Ông Ikeda giải thích rõ quy trình bắt buộc này: các nhà thu mua từ siêu thị sẽ xuống kiểm tra nhà máy của các nhà cung cấp được chọn về mức độ tuân thủ bảo vệ môi trường, đối xử với người lao động, không sử dụng lao động trẻ em... Điều này nhằm đảm bảo hàng hoá được lựa chọn tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững.

Năm 2017, AEON đã xuất khẩu được 246 triệu USD hàng hoá Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, tiếp tục có mức tăng trưởng 114% so với năm trước.

Theo ông Nishtohge Yasuo, tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, trong số giá trị kim ngạch trên, gần 70% hàng Việt Nam được xuất khẩu là hàng dệt may với giá trị 139 triệu USD, còn lại là hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng gia dụng, thiết bị gia đình... của 2.625 nhà cung cấp địa phương. 

Ngay tại hệ thống siêu thị này tại VN, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chiếm 81%, rất nhiều thương hiệu Việt bán tốt nhờ thế mạnh am hiểu thị hiếu tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Shitani Yuichiro, tổng giám đốc AEON TopValu VVN, cho biết điểm yếu nhất của hàng VN là nguyên liệu đang bị phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nước ngoài. 

Một yếu tố khác nữa là hàng Việt cần giữ được chất lượng ổn định khi bán hàng ở Nhật. Hiện nay, hàng VN chỉ có thể cạnh tranh về chi phí nhân công, đó không phải là cạnh tranh bền vững.

"Chúng tôi đang muốn chuyển nhà cung cấp Trung Quốc sang Việt Nam, có rất nhiều mặt hàng Việt Nam đang được người tiêu dùng Nhật Bản ưa thích và bán khá chạy như áo sơ mi. Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 1 triệu sản phẩm này được xuất qua Nhật Bản. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tự chủ được nguyên liệu thì sản lượng sang sẽ còn tăng cao hơn", ông Shitani Yuichiro nói.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên