Theo Bộ Công thương, tỉ lệ hàng Việt trên các hệ thống phân phối là 90% - Ảnh: Bộ Công thương
Sáng 12-8, Bộ Công thương tổ chức hội nghị tổng kết đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 - 2020.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - cho rằng sau 6 năm thực hiện đề án đã mang lại kết quả tích cực.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 làm đứt gãy thị trường xuất khẩu, thị trường 100 triệu dân đã giúp doanh nghiệp khai thác vượt qua khó khăn.
Ông Trương Văn Cẩm - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết dung lượng thị trường nội địa chỉ khoảng 5-6 tỉ USD. Không giống như xuất khẩu, để thâm nhập thị trường nội địa doanh nghiệp phải lo tất cả các khâu mẫu mã, thiết kế, nguồn nguyên liệu và bán hàng.
Để cạnh tranh, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu với mẫu mã phong phú, việc giới thiệu bán hàng luôn được chú trọng. Tuy nhiên, có tới 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực không lớn nên phải tính toán để tồn tại.
"Cần có sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước như công tác quản lý thị trường, vì hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, làm người dân bị nhập nhèm giữa hàng tốt và hàng xấu. Cần cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường nội địa, vì sản phẩm may mặc qua nhiều khâu, mỗi khâu đều phải chịu thuế VAT, liệu có thể miễn thuế hay không" - ông Cẩm nói.
Theo ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường trong nước là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phốI, trở thành động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc đưa hàng Việt vào thị trường nội địa theo đề án vẫn còn hạn chế khi chưa có hướng dẫn cụ thể. Một số địa phương chưa phân bổ kinh phí để mở rộng triển khai các chương trình.
Đặc biệt, hàng Việt chịu sức ép cạnh tranh khi các FTA mở ra, hệ thống phân phối còn bất cập, hạ tầng thương mại chợ xuống cấp, còn kẽ hở cho hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…
Đáng chú ý, vẫn còn một số người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại, tạo trở ngại và gây khó cho hàng Việt. Những thách thức trên khiến hàng hóa Việt Nam có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu tham gia vào thị trường vẫn còn thách thức.
Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị cần tiếp tục triển khai cuộc vận động trong tình hình mới vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách trung ương để hỗ trợ tiếp tục triển khai các hoạt động, tăng cường kết nối, phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại địa phương…
Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn 80 - 90%, tỉ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 60 - 96%.
Còn theo báo cáo của các địa phương, tỉ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tỉ trọng cao (70 - 90%) sau 5 năm triển khai đề án, vượt mức chỉ tiêu đề ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận