Sau bài "Ổ cắm điện Trung Quốc giá 15.000 đồng, một tuần về tới Việt Nam, làm sao hàng Việt cạnh tranh?" (Tuổi Trẻ Online ngày 20-11), nhiều bạn đọc thể hiện sự trăn trở về chuyện hàng Việt lép vế trên sân nhà và cho rằng đã đến lúc hàng Việt cần phải có sự thay đổi.
"Tôi nghĩ những người mua hàng Trung Quốc đa phần do yếu tổ giá rẻ là chính", bạn đọc có email nghi****@gmail.com nhận xét. Nói về thực trạng hàng Trung Quốc hiện nay, bạn đọc có email phip****@gmail.com viết: Phải công nhận họ quá nhạy bén khi nghĩ ra bất cứ món hàng nào phục vụ tiện ích người tiêu dùng dù rất nhỏ, như cái móc tường dán dính, cái đèn cảm ứng không dây... Giá cả quá rẻ, công dụng hữu ích, phí giao hàng gần như không đáng kể và thời gian giao rất nhanh... Điều gì cần học để được như họ cũng nên làm.
Theo bạn đọc Hai, chưa nói về chất lượng, phí giao hàng là điều rất cần bàn. Hàng giao từ Trung Quốc qua, dù là có xây kho ngay gần biên giới thì rõ ràng khoảng cách vẫn xa hơn trong nước. Vì sao phí vận chuyển nhiều khi thấp hơn phí giao hàng trong nước.
Đề cập đến giá cả, theo bạn đọc Khai, nếu chất lượng giữa hàng Việt và hàng Trung Quốc tương đương nhau mà giá hàng Việt cao hơn 5 - 10% thì sẽ mua hàng Việt, nhưng có khi giá chênh tới 50 - 60% thì khó có thể ủng hộ được.
"Cùng với hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh, hàng trong nước cần phân phối giao hàng nhanh chóng, đổi mới dây chuyền công nghệ và làm tốt khâu dịch vụ", bạn đọc Hue góp ý. Cùng quan điểm, bạn đọc Tâm Đức cho rằng doanh nghiệp trong nước phải đổi mới công nghệ, nhân sự, quản lý... để hàng hóa có chất lượng với chi phí thấp nhất.
Bàn thêm về giải pháp, bạn đọc Ngọc Quảng gợi ý, "trước hết, để kéo giá các mặt hàng trong nước, cần giải pháp hiệu quả về vận chuyển, hỗ trợ bước đầu cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước...".
Trong chuyện này, theo bạn đọc Nguyễn Phong Phú: "Rất cần Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất quần áo, vải sợi, đồ nhựa hoặc những ngành hàng xanh sạch, thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Những ý tưởng sáng tạo hàng hóa, đồ dùng... phục vụ cộng đồng cần được tiếp nhận hỗ trợ và có thể được trả thù lao khi được sản xuất đại trà".
Khi "cơn bão" đi qua
Đó là câu trả lời của rất nhiều bạn trẻ khi tôi hỏi: Bạn sẽ chọn mua hàng hóa giá rẻ hơn hay mua hàng của một nhãn hiệu hàng Việt thân quen? Lý do đơn giản: người trẻ không có nhiều tiền, sự hiểu biết về công nghệ giúp họ có cách chọn được món hàng rẻ, đẹp, độc lạ.
Nhiều bạn trẻ cho rằng rất muốn mua hàng của người Việt, nhất là hàng thủ công từ đôi tay người Việt Nam nhưng vướng nhiều cái khó. Nhiều khi kênh bán hàng rao là hàng Việt nhưng thực tế là hàng nhập từ nước ngoài về. Hàng Việt thật sự cần nhiều kênh phân phối đủ mạnh để gây sự chú ý và tạo sự hấp dẫn hơn hiện nay.
Vấn đề hiện nay không phải là lúc than khó khăn, quan trọng là hàng Việt sẽ đi qua những khó khăn trước mắt như thế nào. Khi "cơn bão" hàng giá rẻ ngoại nhập đi lướt qua, người tiêu dùng sẽ chọn hàng hóa và các kênh bán hàng uy tín, chất lượng. Đó là lúc tinh thần người Việt, hàng Việt trỗi dậy. Đó là lúc người Việt biến nguy thành cơ.
Sẽ có những sáng kiến trong tiếp thị hàng Việt, sẽ có những liên kết trong dịch vụ giao hàng nhằm hạ giá thành mua bán trực tuyến. Tôi tin về điều này, nhất là từ những người Việt trẻ và khả năng thích nghi các kiểu giao thương mới. Cái khó hôm nay, khi đã được nhận diện rõ sẽ thành cơ hội cho những ai chịu thay đổi, biết cách thay đổi và họ sẽ làm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận