Các sàn thương mại điện tử đã có sự chuẩn bị tốt nhất cho mùa mua sắm cuối năm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các sàn thương mại điện tử đã có sự khởi động đầy ấn tượng với số lượt hàng bán ra cũng như số lượng người truy cập săn hàng giảm giá trong lễ hội.
Nhiều sàn không giấu được sự "bất ngờ" vì sức mua bùng nổ ngay sau thời điểm dịch COVID-19. Thậm chí, trong thời điểm mở bán 2 giờ đầu tiên của ngày 11-11, đã có hiện tượng bị nghẽn mạch ở khâu thanh toán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, không ít đơn hàng bị treo hoặc phải thực hiện nhiều lần mới thành công.
Anh Hùng, ngụ TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết đã canh đến 0h ngày 11-11 để săn các hàng giảm giá được anh lên kế hoạch mua sắm từ trước. Tuy nhiên, sau khi lựa chọn xong giỏ hàng thì đến đoạn thanh toán hệ thống lại bị treo. "Tiền trong tài khoản bị trừ nhưng đơn hàng không thành công. Sàn tư vấn tôi thực hiện thanh toán lần nữa, và sẽ được tự động hoàn tiền vài ngày sau", anh Hùng cho biết.
Theo thống kê của sàn Shopee, số lượng người dùng truy cập trong vòng 2 giờ đầu của "siêu sale" nửa đêm toàn khu vực Đông Nam Á tăng 5,5 lần so với mức trung bình ngày thường.
Riêng thị trường Việt Nam, người dùng cũng hào hứng mua bổ sung nhiều sản phẩm chăm sóc da, với hơn 130.000 sản phẩm được bán ra trong những giờ mở bán đầu tiên. Nhu cầu về phụ kiện điện thoại cũng được ghi nhận ở mức cao với hơn 50.000 sản phẩm được bán ra.
Sức mua tăng mạnh tạo đột phá doanh thu cho các nhà bán hàng trong ngày 11-11 "siêu sale". Một nhà bán hàng kinh doanh thiết bị và linh kiện điện tử trên Shopee đã đạt doanh thu hơn 1,3 tỉ đồng trong 2 giờ đầu tiên mở bán.
Tương tự, sàn Lazada ghi nhận doanh thu toàn sàn và số lượng đơn hàng tăng gần gấp đôi trong những giờ mở bán đầu tiên. Đại diện Lazada cho biết người tiêu dùng hướng tới việc chi tiêu thông minh thông qua việc áp dụng các chương trình khuyến mãi và các ưu đãi như có đến 55% khách hàng trên sàn sử dụng voucher tích lũy.
Lễ mua sắm năm nay, Lazada cũng ghi nhận đơn hàng giá trị lớn nhất lên đến gần 110 triệu đồng, có giỏ hàng lên đến 40 sản phẩm. Đáng chú ý, phương thức thanh toán không tiền mặt lên ngôi, gia tăng gấp 2 lần.
Tại Tiki, lượng truy cập và số lượng đơn hàng cũng đã tăng gần gấp 2 lần so với dịp sale lớn vào tháng trước đó và gấp gần 10 lần so với ngày bình thường. Điều này cho thấy nhu cầu mua sắm của người dân đã bắt đầu có tín hiệu phục hồi.
"Chúng tôi dự đoán sức mua sẽ phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là khi TP.HCM đang bước vào giai đoạn bình thường mới sau thời gian cao điểm của dịch bệnh", đại diện Tiki nói.
Cùng với đó là xu hướng chuyển dịch thói quen tiêu dùng thông thường sang nhóm sản phẩm thiết yếu dù đã có những tín hiệu tăng trưởng rõ rệt trong ngành hàng thời trang và làm đẹp. Ngoài ra, xu hướng tích trữ mua theo lốc, package, size to... mua nhiều sản phẩm trong cùng một đơn cũng được sàn này ghi nhận.
Theo nền tảng tiếp thị trực tuyến mở Criteo S.A, tại Việt Nam, lễ hội 11-11 năm ngoái được ghi nhận là dịp mua sắm lớn nhất trong năm, với doanh số bán lẻ trực tuyến tăng 378% và lượt xem sản phẩm tăng 126% so với tháng trước liền kề.
Các "ngày đôi" khác cũng tiếp tục nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng Việt Nam. Trong năm ngoái, ngày 12-12 là thời điểm mua sắm phổ biến thứ hai ở Việt Nam, có lưu lượng truy cập thậm chí cao hơn ngày 11-11 ở mức 150%, trong khi doanh số bán lẻ trực tuyến tăng ở mức 369%. Mặt khác, ngày 10-10 cũng ghi nhận doanh thu tăng 171%.
Lễ hội năm nay diễn ra ngay khi dịch dần được kiểm soát, doanh thu sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên, các nhà bán lẻ cho rằng chi tiêu bán lẻ vẫn tăng, điều quan trọng là các nhãn hàng cần phải hiểu rõ hơn về hành vi của người tiêu dùng nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn này.
Dữ liệu của Criteo phát hiện người tiêu dùng đang có xu hướng cân nhắc việc mua, tích lũy phiếu quà tặng trước ngày mua sắm nhiều tháng.
"Sự bùng phát của đại dịch đã tác động đến sự tăng trưởng của người tiêu dùng số tại Việt Nam, với 41% người tiêu dùng mới tham gia các dịch vụ kinh tế trên Internet vào năm ngoái. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về hành vi tiêu dùng của năm ngoái cho thấy rằng người tiêu dùng vẫn thích mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng vì cảm giác tận hưởng trải nghiệm", ông Taranjeet Singh, giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Criteo, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận