Đến hôm nay đã có hơn 30 tấn vỏ, tạp chất cà phê từ cơ sở của bà Loan đã bị thu giữ - Ảnh: TRUNG TÂN
Sáng 18-4, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã trở lại cơ sở "cà phê pin" của bà Nguyễn Thị Thanh Loan tại thôn 13, xã Đắk Wer thì nơi đây cửa đóng im ỉm.
Tại đây, ngôi nhà của bà Loan nằm ở giữa, hai bên hông là hai kho rộng khoảng 5x30m.
Tại cơ sở này bà Loan cũng đang cho xây dựng một nhà kho mới, rộng hơn hai kho hiện tại nhưng hiện đã ngưng thi công.
Thấy bà Loan ở trong nhà nhưng khóa cửa, phóng viên gõ cửa liên hệ nhưng bà Loan không phản hồi.
Làm lén lút vào ban đêm
Một người hàng xóm của cơ sở bà Loan cho biết chủ cơ sở này không phải người địa phương mà từ Đồng Nai lên thuê các kiốt để buôn bán.
Cách đây hơn 2 năm, nhiều người dân thấy bà Loan mua rất nhiều vỏ, vụn cà phê phơi công khai ở mé đường. Nhiều người cũng nhìn thấy bà Loan mua pin về đập để trộn với vỏ cà phê này.
"Mỗi lần đập dập pin, hòa với vỏ cà phê thì bà Loan đều mở nhạc rất to, tránh bị người dân phát hiện" - người hàng xóm nói.
Theo những người hàng xóm, hai năm trở lại đây bà Loan mua đất, làm nhà, xây nhà xưởng mở rộng sản xuất nhưng việc mua bán vỏ cà phê, sơ chế sản phẩm đều khép kín nên mãi đến khi công an bắt quả tang người dân mới biết.
"Cơ sở của bà Loan nằm tách biệt, việc sơ chế cà phê "bẩn", xe cộ chở hàng đi về chủ yếu vào ban đêm nên người dân không rõ cụ thể họ làm gì.
"Chỉ biết các xe chở hàng đi về cơ sở này rất nhiều xe có biển số Đông Nai, nơi sinh sống cũ của bà Loan" - người hàng xóm thông tin.
Cơ sở của bà Loan nằm biệt lập với khu dân cư - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Võ Ngọc Anh - trưởng công an xã Đắk Wer, cho biết cuối năm 2017 công an xã đã từng kiểm tra cơ sở của bà Loan và phát hiện nhiều tấn vỏ, cà phê vỡ vụn chất đống trong kho.
Tuy nhiên lúc này công an xã không phát hiện dung dịch pin, đá sỏi.
"Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng bà Loan xử lý những phế phẩm này để làm phân vi sinh. Mới đây khi phối hợp với PC49 bất ngờ kiểm tra cơ sở của bà Loan vào hôm chủ nhật (15-4) thì chúng tôi mới biết bà Loan trộn pin với các phế phẩm này" - ông Anh nói.
Cũng theo công an xã, qua kiểm tra xã mới biết bà Loan có giấy phép kinh doanh, chuyên ngành thu mua nông sản.
Sáng 18-4, cơ sở của bà Loan đóng cửa im ỉm - Ảnh: TRUNG TÂN
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi) từ tỉnh Đồng Nai lên đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông từ ngày 11-1-2016.
Đến ngày 19-8-2016, Phòng tài chính - kế hoạch huyện Đắk R’Lấp đã cấp giấy phép kinh doanh lần đầu cho bà Loan với ngành nghề thu mua nông sản.
Theo ông Ngọc Anh, vào thời điểm kiểm tra PC49 đã thu giữ giấy phép kinh doanh, sổ chấm công, ghi đơn hàng, hóa đơn cơ sở kinh doanh của bà Loan để tiếp tục điều tra. Vì thực tế bà Loan có mở điểm thu mua nhưng không hề thực hiện việc mua bán mà chỉ sản xuất cà phê pin.
"Bà Loan mua đất của gia đình ông Lê Quang Trường, chủ tịch UBND xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’Lấp), rồi đăng ký kinh doanh theo ngành nghề nêu trên. Tuy nhiên, từ khi có giấy phép, điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay bà Loan không hề lập bảng hiệu, mở cơ sở kinh doanh mua bán nông sản gì với người dân địa phương cả" - ông Ngọc Anh khẳng định.
"Cà phê pin" tuồn về Đông Nam Bộ?
Những dụng cụ để pha chế dung dịch pin để đem trộn với vỏ, phế phẩm cà phê còn sót lại tại hiện trường sáng 18-4 - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Ngọc Anh nói thêm đến sáng nay ngoài các dụng cụ, phương tiện như máy móc, pin Con Ó, dung dịch pin đã thu giữ thì công an cũng đã niêm phong, thu giữ hơn 30 tấn cà phê tạp chất, vỏ cà phê (đã và chưa "sơ chế").
Về thông tin người dân cho biết sản phẩm sau sơ chế từ cơ sở của bà Loan đưa về Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM, ông Ngọc Anh nói cơ quan chức năng cũng đang đấu tranh làm rõ.
"Chúng tôi cũng nắm thông tin bà Loan mua nguyên liệu vỏ, phế phẩm cà phê từ Đông Nam Bộ lên đây sơ chế, sau đó chuyển "thành phẩm" trở lại để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, đến nay bà Loan chưa khai mình bán sản phẩm đó đi đâu, nhằm mục đích gì nên công an vẫn tiếp tục làm rõ" - ông Ngọc Anh nói.
Trưởng công an xã Đắk Wer, Đắk R'lấp Võ Ngọc Anh trả lời báo chí sáng 18-4 - Ảnh: TRUNG TÂN
Còn ông Lê Như Hiền - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương Đắk Nông) - cho biết thêm sau khi PC49 bắt quả tang hành vi vi phạm của bà Loan thì đơn vị có cử lực lượng đi kiểm tra, nắm thông tin.
"Cơ sở của bà Loan không treo biển, không có thu mua và không bán các sản phẩm ra thị trường Đắk Nông. Chưa rõ bà này sản xuất cà phê tạp chất trộn pin để làm gì, bán đi đâu" - ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, đơn vị có chức năng giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường, có nhãn hiệu hẳn hoi. Các cơ sở sản xuất cà phê như bà Loan đều làm chui, ở những nơi xa xôi nên khó phát hiện. Trong thời gian qua đơn vị cũng đã bắt, xử lý một số vụ hàng gian, hàng giả.
Gần đây nhất, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ khoảng 400kg không rõ nguồn gốc và đưa đi tiêu hủy" - ông Hiền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận