Cơ sở đưa ra trần chi phí lãi vay 20% tổng lợi nhuận thuần doanh nghiệp thiếu cơ sở và không thuyết phục - Ảnh: BẢO NGỌC
TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định như vậy tại hội thảo nghị định 20/2017 (NĐ20) một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ, do Hiệp hội Bất động sản VN tổ chức tại Hà Nội, ngày 14-12.
Bất cập áp trần chi phí lãi vay
TS Cấn Văn Lực thừa nhận, NĐ20 có 3 mặt được, giúp quy định thuế sát hơn thông lệ quốc tế, chống xói mòn cơ sở thuế, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Nhưng cơ sở đưa ra trần chi phí lãi vay không vượt qua 20% tổng lợi nhuận thuần doanh nghiệp thiếu cơ sở và không thuyết phục.
Khảo sát báo cáo tài chính năm 2016-2017 với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam cho thấy nhiều doanh nghiệp uy tín trong các lĩnh vực bất động sản, khai thác khoáng sản, năng lượng có chi phí lãi vay vượt trần 20%.
Ví dụ Hoàng Anh Gia Lai 52%, Vingroup 21%, Nhà Thủ Đức 24%, Tân Tạo 59%, Novaland 28%, các doanh nghiệp khác như SMC 38%, Than Hà Lầm 36%. Chi phí trả nợ vay, lãi vay của doanh nghiệp khoảng 30%.
Đó là chưa kể tới các doanh nghiệp Việt thường vay nợ nhiều hơn, một phần do thói quen, một phần do thị trường vốn chưa phát triển. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán hết quý 3 năm 2018 là 1,42 lần. Đây là tỷ lệ vay nợ cao so với mức 1 lần của DN khối OECD, mức 0,56 lần của doanh nghiệp niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ.
Lãi suất tại Việt Nam cũng cao hơn nhiều quốc gia do lạm phát, mức độ rủi ro quốc gia, bản thân doanh nghiệp rủi ro hơn, chi phí vốn đầu vào cao hơn, chi phí giao dịch cao hơn - ông Lực cho biết.
Áp trần chi phí lãi vay theo nghị định 20/2017 sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó - Ảnh: BẢO NGỌC
Có ít nhất 423 doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng
Số liệu của cơ quan thuế có 423 doanh nghiệp có chi phí lãi vay vượt trần 20%, tương đương khoảng 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Đây hầu hết là các doanh nghiệp rất lớn, các tập đoàn, tổng công ty hàng đầu.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhiều chuyên gia khuyến khi nên tạm dừng việc áp trần lãi vay, và thực hiện sửa nghị định để nới trần chi phí lãi vay lên ngưỡng 30%.
Theo ông Nguyễn Trần Nam - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, điều đáng nói là quy định khống chế trần lãi vay không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp, mâu thuẫn với các quy định Luật Thuế hiện hành, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Cũng theo vị này, nếu áp dụng trần chi phí lãi vay theo NĐ20 sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó trong việc huy động vốn đầu tư, và chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, công ty mẹ - con sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ "lỗ chồng lỗ".
Luật sư Trương Thanh Đức - chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico - khẳng định NĐ20 chủ yếu nhằm vào mục tiêu của doanh nghiệp FDI. Nhưng mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.
"Mọi doanh nghiệp trong nước đều nằm trong lồng thuế của Bộ Tài chính. Đây chưa phải là thời điểm chống chuyển giá với các doanh nghiệp trong nước", luật sư Trương Thanh Đức nói.
"Đầu tư nhà ở xã hội cũng gặp khó"
Tập đoàn Hoàng Quân đang đầu tư xây dựng 18 dự án nhà ở xã hội, với quy mô đầu tư 24.781 căn hộ và nhà ở liền kề, có tổng mức đầu tư dự kiến trên 15.271 tỉ đồng. Đến nay, tập đoàn đã hoàn thành 4.000 căn nhà ở bán ra thị trường.
Để thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội, tập đoàn đã đầu tư 2.000 tỉ đồng vốn tự có, và huy động vốn xã hội để thực hiện dự án. Tuy nhiên, quy định giới hạn tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính triển khai các dự án. Các khoản vay dự án giữa công ty mẹ với các công ty khác trong tập đoàn sẽ bị áp bị tính thuế 2 lần.
Ông Trương Anh Tuấn - chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Hoàng Quân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận