Người dân và UBND các địa phương vận động nhau đi dọn dẹp phát quang và chuẩn bị vốn để sửa tạm đường đi lại.
Hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng
Để đến được khu dân cư Cát Lái (TP Thủ Đức), người dân phải vượt qua đường Nguyễn Thị Định luôn có hàng dài xe container xếp hàng. Tiếp đó, người dân phải "bo cua" ở đoạn dẫn vào khu đô thị (do bị che khuất tầm nhìn vì chưa thể giải phỏng mặt bằng - PV).
Điều này đã trở thành "nỗi ám ảnh" lâu nay của người dân khi đường thường xuyên ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông.
Đất ở khu đô thị Cát Lái từng được chào bán và giới thiệu là nơi có quy mô lớn và sở hữu nhiều tiện ích của khu đô thị. Thực tế hiện nay, các tuyến đường nội khu cỏ mọc um tùm, leo lên đầy cả cột điện, trụ đèn. Hệ thống đường dây rơi thõng xuống mặt đất.
Anh Đặng Đức Mẫn (cư dân ở đây) chia sẻ: "Tôi chuyển về đây sinh sống đã được khoảng sáu năm. Lúc trước, một số đường có đèn chiếu sáng nhưng sau đó có thể đã bị hư hỏng hoặc bị trộm, nay khu này có nhiều đoạn đường tối thui nhưng cũng không thấy ai ngó ngàng sửa chữa. Tối đến, chúng tôi hạn chế ra ngoài vì sợ mất an toàn giao thông và an ninh trật tự".
Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra ở khu đô thị Đại học Bách khoa (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức).
Dự án đã được duyệt và xây dựng cách đây 23 năm nhưng vẫn chưa bàn giao hạ tầng. Nay chủ đầu tư đã "mất hút" nên không có ai duy tu và bảo dưỡng. Bấy lâu nay, hạ tầng hư hỏng thì UBND phường và người dân phải vận động kinh phí để sửa chữa.
Dọc đường 711A (lối chính dẫn vào khu dân cư này) chỉ có rải rác vài nhà được xây. Có những ngôi nhà đã cũ kỹ hoặc đang xây dang dở, cỏ cây mọc bao vây không khác gì nhà hoang. Đường sá tại khu này đều đã xuống cấp, mặt đường lồi lõm, đi lại rất khó khăn. Nhiều miệng cống không đậy nắp như những cái bẫy cho người đi đường.
Trong khi đó, nhiều năm nay người dân khu đô thị An Phú và An Phú - An Khánh đã quen với hình ảnh đường chắp vá tạm bợ vì bị chủ đầu tư ngó lơ. Hằng năm, khoảng từ 1 - 2 lần, UBND phường An Phú sẽ vận động người dân và các doanh nghiệp khu vực góp vốn để sửa đường.
Đường vá đi vá lại
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Phòng giao thông công chính UBND TP Thủ Đức cho biết: "Trong thời gian chờ đợi các sở ngành có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về các thủ tục gỡ vướng, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành hạ tầng để bàn giao cho Nhà nước, UBND các phường sẽ cố gắng vận động kinh phí từ người dân để sửa chữa tạm thời".
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-12, ông Nguyễn Văn Hải, phó chủ tịch UBND phường An Phú (TP Thủ Đức), chia sẻ thời gian qua phường cũng gặp khó khăn do chủ đầu tư không sửa chữa đường Nguyễn Hoàng (còn gọi là đường Bắc Nam 1). Đây là tuyến đường chính kết nối đường Lương Định Của và Võ Nguyên Giáp, nên hằng ngày đều có lượng lớn xe cộ đi qua.
Trước đây, UBND phường đã vài lần giặm vá tạm con đường Nguyễn Hoàng để người dân đi đỡ nguy hiểm. Tuy nhiên, đường chỉ cần mưa xuống thì sẽ ngập do hệ thống thoát nước chỉ có một bên (khu đô thị An Phú - An Khánh), tốc độ thoát nước không kịp và nhiều xe chạy dẫn đến mặt đường bị bong tróc trở lại, tạo thành ổ gà, ổ voi.
Cách đây một tháng, UBND phường An Phú phải tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp sửa chữa.
Thay vì chỉ giặm vá, đổ đá và bê tông hóa ở một số ổ gà, ổ voi thì lần này, phường đã cho trải nhựa nóng kéo dài trên nhiều đoạn đường để thời gian sử dụng lâu hơn. Về cơ bản, đường Nguyễn Hoàng đã tạm ổn để cho bà con đi lại dịp Tết Nguyên đán 2024.
Bên cạnh việc tạm sửa chữa đường, UBND phường An Phú kiến nghị TP Thủ Đức làm việc với chủ đầu tư các dự án để họ có trách nhiệm với hạ tầng ở đó.
Vừa qua, lãnh đạo UBND TP.HCM có giao đường Nguyễn Hoàng cho Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP Thủ Đức để đầu tư nguồn lực cho tuyến đường Nguyễn Hoàng. Lộ trình, phương án cụ thể như thế nào thì phải chờ đợi thêm, ông Hải chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận