08/01/2015 09:27 GMT+7

​Hàng tiêu dùng khó tăng theo tỉ giá mới

L.THANH - T.V.N. - N.BÌNH
L.THANH - T.V.N. - N.BÌNH

TT - Sau khi tỉ giá liên ngân hàng tăng thêm 1% từ ngày 7-1, nhiều người tiêu dùng lo ngại hàng nhập khẩu, nhất là hàng tết, sẽ tăng theo giá USD.

Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu cho rằng điều này khó diễn ra trong bối cảnh sức mua èo uột như hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng giá USD tăng thêm 1% là hợp lý và không ảnh hưởng nhiều đến các mặt hàng tiêu dùng như lo ngại - Ảnh: T.Đạm

Sáng 7-1, ngày đầu tiên áp dụng tỉ giá liên ngân hàng tăng lên 21.458 VND/USD thay cho mức 21.246 VND/USD trước đó, tỉ giá tại các ngân hàng đồng loạt tăng lên ngưỡng 21.500 đồng.

Tuy nhiên đến cuối giờ chiều, giá bán USD có giảm nhẹ, khoảng 30-50 đồng/USD. Chênh lệch giữa giá bán và giá mua khá cao, từ 60-90 đồng/USD.

Theo các chuyên gia, diễn biến trái chiều của giá USD trên thị trường trong ngày đầu tiên điều chỉnh tỉ giá là hoàn toàn bình thường do tỉ giá đang cần thời gian để thiết lập mặt bằng ổn định mới.

Sức mua quyết định giá

Bà Lê Thu Tâm, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ TP, chuyên doanh trong lĩnh vực nội thất, đang rối ruột khi hợp đồng giấy dán tường nhập khẩu từ Hàn Quốc trị giá gần 500.000 USD có nguy cơ “đội vốn” khi hàng về đến nơi.

“Tôi ký hợp đồng mua với đối tác lúc tỉ giá ở mức 21.210 VND/USD. Tính ra chưa đến một tháng mà khả năng tôi sẽ lỗ khoảng 145 triệu đồng, dù chưa biết mẫu hàng mới này có “ăn” hàng hay không” - bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, do kinh doanh hàng sỉ nên bắt buộc bà phải đánh hàng với số lượng lớn, mẫu mã đa dạng, dù biết sức mua thị trường vẫn ở mức trung bình.

“Thời điểm này đang là mùa sửa chữa, hoàn thiện các dự án nhà ở dân dụng để đón tết nên chúng tôi bắt buộc phải nhập hàng mới để chào khách. Tuy nhiên, tăng giá bán ra hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố nên cần cân nhắc kỹ” - bà Tâm khẳng định.

Đại diện Công ty V-FOOD VN cho biết việc tăng tỉ giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các nhà nhập khẩu, trong đó có các đơn vị nhập khẩu hàng phục vụ dịp tết. Như đối với những đơn hàng trái cây nhập khẩu phục vụ tết chẳng hạn, đa số hợp đồng đã ký rồi nhưng tiền chưa thanh toán hết.

Do đó, dù tỉ giá giao dịch liên ngân hàng chỉ tăng 1%, tương đương hơn 200 đồng/USD, nhưng đơn hàng trị giá đến hơn chục ngàn USD trở lên cũng khiến doanh nghiệp phải tính toán. Tuy nhiên, điều chỉnh tăng giá bán vào thời điểm này là tự đánh mất thị phần của mình.

Bởi ngoài chất lượng hàng hóa, các nhà nhập khẩu cạnh tranh bằng dịch vụ, giá cả, thậm chí cả chương trình khuyến mãi. Do đó việc tăng giá hàng hóa vì tỉ giá tăng có lẽ không được tính đến.

Ông Phạm Lịch - phó giám đốc Công ty Nhật Việt (Lâm Đồng), - đơn vị chuyên nhập khẩu cá hồi từ thị trường Na Uy - cho biết thị trường sẽ tự quyết định giá chứ doanh nghiệp có muốn tăng cũng rất khó. Bởi sức mua trên thị trường vài ba năm nay tăng trưởng đều đều, không có gì đột biến.

Thêm nữa, thời điểm dịp tết là cơ hội để các doanh nghiệp bán hàng và giữ thị phần. Nếu doanh nghiệp muốn đạt được cả hai việc này thì phải giữ giá chứ không thể tăng giá hàng hóa.

“Trường hợp nhà nhập khẩu lấy lý do tỉ giá tăng 1% mà nâng giá hàng hóa thì nguy cơ nhà phân phối sẽ thay đổi nhà cung cấp hàng ngay. Thật ra, tỉ giá tăng 1% cũng không tác động gì nhiều đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhiều nhà nhập khẩu phải tự giảm lợi nhuận bù vào phần tỉ giá tăng này. Hơn nữa, nhiều mặt hàng tết được doanh nghiệp nhập về VN từ lâu rồi nên việc tăng giá vào dịp tết do tỉ giá tăng là không hợp lý” - ông Lịch chia sẻ.

Cơ hội cho hàng nội

Theo các nhà kinh doanh, mức điều chỉnh 1% lần này sẽ tác động tức thời đến hàng nhập khẩu bởi đang vào mùa cao điểm nhập khẩu hàng hóa. Bởi một trong những áp lực tăng cầu USD là doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phục vụ tết.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ánh Hồng - chủ hệ thống chuỗi siêu thị Maximark, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng đã không rầm rộ nhập hàng như các năm trước vì sức mua vẫn còn quá yếu, nên căng thẳng đồng USD cũng giảm.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Tấn, Công ty thương mại và dịch vụ Thương Tấn - đơn vị chuyên nhập khẩu bò Úc ở Hải Phòng, cho biết nhiều mặt hàng nhập khẩu thậm chí sẽ giảm giá bán hàng. Bởi tỉ giá tăng 1% nhưng giá xăng dầu giảm cũng giúp chi phí vận chuyển giảm. Bên cạnh đó, giá thịt nhập khẩu cũng chững, thậm chí giảm nhẹ so với đầu năm 2014.

Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể “bình chân” với việc điều chỉnh tỉ giá lần này. Ông Nguyễn Văn Trí, giám đốc Công ty TNHH cơ khí Lập Phúc, hết sức lo lắng khi dự án xây dựng phân xưởng khuôn mẫu kỹ thuật cao trị giá 80 tỉ đồng, trong đó phần nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm khoảng 50 tỉ đồng, có khả năng phải bù thêm chi phí do tỉ giá đồng USD tiếp tục tăng.

“Lúc chúng tôi đàm phán để mua thiết bị thì tỉ giá ở mức 21.190 VND/USD cho phần máy móc thiết bị trị giá xấp xỉ 2,36 triệu USD. Nhưng bây giờ đã vọt lên 21.500 VND/USD, tính ra tôi phải chuẩn bị... tinh thần để bù thêm gần 900 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ với doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi” - ông Trí lo lắng nói.

Ông Trí cho biết đây là dự án tâm huyết của công ty, được chuẩn bị nhiều năm trước khi đi đến quyết định đầu tư.

“Nếu tỉ giá tiếp tục biến động như vậy, tôi e đến khi máy móc chính thức về VN sẽ còn tiếp tục đội lên thêm nữa, chứ chưa dừng lại ở mức phải bù hàng trăm triệu đồng đâu” - giọng ông Trí đầy âu lo. 

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc điều chỉnh tỉ giá trước mắt sẽ ảnh hưởng đến mặt hàng nhập khẩu, phần nào tác động đến kế hoạch của không ít doanh nghiệp cũng như lạm phát.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tăng tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước cần phải tính toán việc bù trừ trong cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu để được hưởng lợi từ điều chỉnh tỉ giá này.

* Đại diện Ngân hàng HSBC:

Không quá ngạc nhiên

Trong bối cảnh USD đang mạnh hơn so với hầu hết các loại tiền tệ ở những thị trường mới nổi và tỉ giá USD/VND thường đóng cửa giao dịch ở mức chạm trần trong vài tuần qua, động thái này không gây quá nhiều ngạc nhiên. Tuy nhiên, việc giảm thêm 1% so với USD cho thấy tiền đồng tiếp tục vận hành tốt hơn so với đa số các tiền tệ khác của châu Á kể từ quý 4-2014.

* Ông Nguyễn Thanh Toại (phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB):

Không gây tác động nhiều

Tỉ giá tăng 1% là phù hợp với thực tế trong thời điểm đồng USD tăng mạnh và xuất khẩu VN đang phụ thuộc nhiều vào đồng USD. Từ cuối năm ngoái, giá USD liên tiếp đụng trần do đặc tính tăng theo mùa vụ của nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước đã có sự lựa chọn hoặc cho phép thị trường điều chỉnh tỉ giá hoặc bơm thanh khoản để giữ tỉ giá trong biên độ.

Lần điều chỉnh này sẽ không tác động nhiều đến các lĩnh vực khác do cán cân thương mại đạt mức thặng dư gần 2 tỉ USD, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn mạnh.

* Ông Lê Thành Trung (phó tổng giám đốc HD Bank):

Tốt cho xuất khẩu

Việc điều chỉnh tỉ giá của ngân hàng ngay thời điểm đầu năm không gây ra nhiều biến động mà thể hiện sự linh hoạt trong điều hành của cơ quan quản lý. Không những thế, điều chỉnh tỉ giá thời điểm này còn tốt cho giao dịch ngoại hối và cho xuất khẩu, đem lại nhiều tín hiệu tích cực.

Có ý kiến cho rằng điều chỉnh tỉ giá sẽ tạo áp lực lên lạm phát nhưng tôi không nghĩ vậy. Năm 2014, lạm phát được kiềm chế còn thấp hơn mục tiêu đề ra.

Sang năm 2015 giá dầu ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 12-13%, việc điều hành tỉ giá bám sát diễn biến thị trường cho thấy khả năng kiểm soát lạm phát của VN hoàn toàn khả quan.

* Ông Phan Dũng Khánh (giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng):

Khuyến khích doanh nghiệp bán USD

Điều chỉnh tỉ giá lúc này là phù hợp vì nó hài hòa được tổng thể cung cầu của thị trường. Thời điểm đầu năm cũng là lúc doanh nghiệp cân đối lại tài chính, tỉ giá tăng sẽ khuyến khích doanh nghiệp bán USD nhiều hơn.

Doanh nghiệp nếu vay USD cũng không quá lo lắng chi phí tăng lên vì thực tế lãi suất vay USD đang ở mức hấp dẫn.

 

L.THANH - T.V.N. - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên