Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong chiều 13-11, hàng cây sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được quây kín bởi lồng sắt từ gốc tới thân khiến cây hạn chế phát triển, sinh trưởng tự nhiên.
Cụ thể, sau 4 năm được "mặc giáp sắt", nhiều cành cây sưa đã phát triển và chạm vào phần khung sắt, cành cây chà siết vào phần thành lồng sắt. Nhiều phần thân cây đã có dấu hiệu bị thối mục vì lồng sắt siết chặt.
Phần thân cây sưa bị siết lại bởi lồng sắt có dấu hiệu thối mục, biến dạng - PHẠM TUẤN
Ngoài ra, nhiều cây sưa tại đây cũng bắt đầu có dấu hiệu thối mục phần thân, cành, một số cành đã chết khô vì không được chăm sóc. Những chiếc lồng sắt cỡ lớn đang giơ lưỡi hái tử thần bức tử hàng cây quý hiếm trên.
Chứng kiến hàng cây sưa quý hiếm đang bị "kìm kẹp" bởi những lồng sắt siết chặt vào thân cây, anh Nguyễn Văn Tuân (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) xót xa nói: "Mấy hôm vừa rồi có mấy cành sưa chết khô rồi rơi xuống đường, thấy cảnh này tôi thực sự rất xót xa. Cây mà bị quây kín bởi lồng sắt như đeo gông cùm thế này sao mà phát triển tự nhiên được.
Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phải tháo các lồng sắt quây kín thân cây ra và phải có biện pháp chăm sóc cây. Chứ tôi thấy các thân cây đã bắt đầu thối mục rồi, toàn loại cây quý hiếm mà chăm sóc, quản lý thế này là không thể được".
Về sự việc trên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ nắm lại thông tin báo chí phản ánh và cho các đơn vị đi kiểm tra.
"Tôi sẽ chỉ đạo anh em đi kiểm tra, nếu có hiện tượng cây sưa bị siết chặt bởi lồng sắt sẽ cho nới ra ngay" - vị lãnh đạo trên thông tin.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ cho lực lượng đi kiểm tra thông tin báo Tuổi Trẻ phản ánh về việc cây sưa đỏ đang bị bức tử bởi các lồng sắt - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trước đó, vào năm 2020, trong quá trình xây cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, Sở Xây dựng Hà Nội đã bàn giao hơn 100 cây bóng mát trên đường Nguyễn Văn Huyên (trong phạm vi dự án) cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư dự án xây cầu vượt trên) để thực hiện dịch chuyển cây vào vị trí hè mới sau khi tuyến đường trên được mở rộng.
Việc di chuyển cây dựa trên sự hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội.
Trong 100 cây xanh trên, có 34 cây sưa đỏ là loại gỗ quý, có giá trị về kinh tế. Các cây sưa này sau đó được cắt tỉa, dịch chuyển trồng lại vào vị trí vỉa hè mới của đường Nguyễn Văn Huyên khi đã mở rộng.
Để bảo vệ hàng cây sưa quý hiếm không bị cưa trộm, chủ đầu tư đã lắp đặt 4 camera và bố trí lực lượng bảo vệ giám sát 24/24h. Ngoài ra, hàng cây sưa này cũng được hàn các lồng sắt xung quanh các gốc cây sưa để chống trộm.
Sau khi chuyển hàng cây đến vị trí mới, nhiều cây có dấu hiệu khô héo, không ra lá. Sau đó, có 7 cây sưa đỏ đã chết, 25 còn lại cây sinh trưởng ổn định.
Đến nay, sau 4 năm sinh trưởng, 25 cây sưa còn lại đã lớn nhưng vẫn đang phải "mặc áo giáp sắt" quá chật, ảnh hưởng đến lớn quá trình sinh trưởng và phát triển của hàng cây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận