Phóng to |
Nhiều người phía ngoài hàng rào công viên Phú Lâm theo dõi trận đá cầu |
Một buổi chiều, có mặt tại Trung tâm Văn hóa Q.6 (công viên Phú Lâm), 170 Kinh Dương Vương, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt pano, apphich quảng cáo các trò chơi và chương trình ca nhạc giăng khắp nơi, nhất là khu vực cổng chính. Phía ngoài hàng rào sắt, nhiều người đang tập trung theo dõi từng đường chuyền cầu và tiếng reo hò của các “tuyển thủ” phía bên trong. Và tất nhiên muốn vào phải tốn tiền mua vé.
Tại công viên Tôn Thất Thuyết, P.18, Q.4 còn bịt bùng hơn. Là một công viên nhỏ chỉ với ba bảo vệ nhưng được bao bọc bởi hàng rào sắt vững chắc. Cổng chính lúc nào cũng đóng im lìm, cổng phụ chỉ “hé” vừa đủ xe máy lọt qua. Anh Lê Văn Huyền, bảo vệ công viên, cho biết: “Chỉ những dịp lễ lớn như 30-4, 2-9 thì cổng chính mới được mở để mọi người vào thắp hương dưới tượng đài liệt sĩ trong công viên. Người dân khu vực, khách vãng lai muốn vào đây buổi trưa thì “bó tay” vì công viên chỉ mở cửa sáng 5g-11g30, chiều 13g-21g”.
Nằm trên đường chính nhưng rất khó nhận ra hình thù của công viên văn hóa Phú Nhuận (đường Phan Đăng Lưu) vì dọc theo hàng rào phía trước bị hàng loạt cơ sở cây cảnh trưng bày đủ loại cây xanh, chậu hoa. Nhìn cảnh mua bán nhộn nhịp nên ít ai nghĩ rằng đây là công viên văn hóa.
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết ban quản lý công viên cho biết phải chờ chỉ đạo của quận, đồng thời nêu lên những khó khăn để giải thích cho việc tháo dỡ chậm trễ. Ông Lê Tấn Hoàng - phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Q.6 (công viên Phú Lâm) - tỏ ra lo ngại khi hàng rào được tháo dỡ vì “đây không chỉ là công viên đơn thuần mà còn là Trung tâm Văn hóa của quận. Do đó, khi tháo dỡ phải thêm người canh giữ”. Vẫn theo ông Hoàng: “Việc tháo dỡ hàng rào công viên là chủ trương chung nên phải chấp hành. Hiện trung tâm đã gửi phương án tháo dỡ hàng rào dọc theo đường An Dương Vương và Lê Tuấn Mậu lên quận xem xét, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo nên chúng tôi phải chờ”.
Ông Nguyễn Phước Hùng - giám đốc Trung tâm Văn hóa Q.4 (đơn vị chủ quản công viên Tôn Thất Thuyết) - tỏ ra rất ủng hộ chủ trương dỡ bỏ hàng rào nhưng ông lại cho rằng: “Công viên chúng tôi có tượng đài liệt sĩ, nếu tháo dỡ sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, trung tâm đang chờ kế hoạch trùng tu, cải tạo các bia di tích trên địa bàn quận thực hiện vào đầu năm 2005 và dự án xây dựng công viên dưới chân cầu Tân Thuận 2, khi đó kết hợp để tháo dỡ hàng rào”.
Còn ở công viên Lê Thị Riêng - một công viên lớn của Q.10, có địa điểm khá thuận tiện cho mọi người đến thư giãn - thì giám đốc công viên cho biết: “Do gần các khu vực tệ nạn như cống Bà Xếp, ngã ba Ông Tạ nên trật tự rất phức tạp... Trong tháng mười, mười một vừa qua, ba bảo vệ của công viên bị chém nên tạm thời vẫn chưa có phương án gì cho việc tháo dỡ hàng rào”.
Đối với công viên Lê Văn Tám hiện chỉ mới tháo dỡ được ba cổng và mở thêm sáu cổng khác để người dân vào vui chơi mà chưa tháo dỡ hàng rào. Ông Trần Thiện Hà - giám đốc Công ty Công viên cây xanh - giải thích: “Do chi phí tháo dỡ và cải tạo lại quá cao nên tạm thời phải chờ chủ trương của TP”.
Một lý do mà chúng tôi không thấy ban quản lý một số công viên khác đề cập là nguồn lợi thu được từ các dịch vụ như các trò chơi giải trí sẽ bị thất thu nghiêm trọng khi mà hàng rào công viên được tháo bỏ. Đây cũng là một lý do khiến lâu nay hàng rào của nhiều công viên vẫn “cản trở” mọi người vào thư giãn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận