Hàng quán ở TP.HCM kỳ vọng sớm được bán tại chỗ bên cạnh bán mang về như hiện nay - Ảnh: NGỌC HIỂN
Những người đi theo gia đình, nhóm bạn, đồng nghiệp trong công ty đã tiêm vắc xin mà đến nhà hàng ngồi cách nhau 2m là không thực tế.
Ông Lê Hoài Nam
Nhiều cơ sở kinh doanh mong có hướng dẫn mới hoặc cụ thể hơn thay vì tiêu chí an toàn cũ, nếu không họ sẽ đối diện khả năng thua lỗ, đóng cửa tiếp hoặc... vi phạm.
4m2/người đáp ứng sao?
Ông Lê Hoài Nam - phó tổng giám đốc vận hành Công ty QSR Việt Nam - cho biết hơn 130 nhà hàng, quán ăn của DN này đã mở bán mang về thời gian qua và sẵn sàng phục vụ tại chỗ.
Nhưng trong bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.HCM (văn bản 3326), tiêu chí số 6 quy định khu vực ăn uống phải đảm bảo mật độ tối thiểu 4m²/người, khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m hoặc bố trí vách ngăn là chưa hợp lý. Vì như vậy mỗi cửa hàng 100m² chỉ được phục vụ tối đa 25 khách một thời điểm.
"Những người đi theo gia đình, nhóm bạn, đồng nghiệp trong công ty đã tiêm vắc xin mà đến nhà hàng ngồi cách nhau 2m là không thực tế vì ngồi cách nhau 2m là văn hóa của những nước công nghiệp khi họ chỉ đi ăn một mình" - ông Nam băn khoăn.
Một chủ hệ thống nhà hàng khác cũng cho rằng trường hợp làm vách ngăn để tránh phải ngồi xa 2m với nhóm khách cũng rất bất tiện. Bởi đi theo nhóm, đồ ăn nếu làm vách ngăn thì lại chia theo từng đĩa. Người cùng nhóm nhưng có vách ngăn thì khó mà nói chuyện được với nhau nếu quá 4 người.
Từ thực tiễn kinh doanh qua 4 đợt dịch, ông Lê Hoài Nam đề xuất cần cho các nhà hàng bố trí lại bàn ghế để các nhóm khách đã tiêm vắc xin, đi cùng nhau được ngồi gần và ngồi cách xa các nhóm khách khác.
Dù vui mừng, nhưng chị Lê Thị Thu Hà (chủ nhà hàng Thu Hiền, TP Thủ Đức) cũng băn khoăn: thông thường sẽ phục vụ trong phòng VIP 10m2 được tối đa 10 người, nếu theo quy định 4m2/người thì phòng chỉ dành cho 2 người, không mang lại hiệu quả. "Trăm điều khó", chị Hà nói và cho biết với quy định như thế, trước mắt vẫn đẩy mạnh việc bán mang về.
Ông Lý Nhất Hiếu - chủ hệ thống Hàng Dương Quán - cho biết DN ủng hộ đề xuất của Sở Công thương là chỉ hoạt động tối đa 50% công suất. Tuy nhiên, chỉ cho mở cửa đến 21h là quá sớm khi thông thường 18-19h tối khách mới đến quán. Nhóm khách gia đình, đồng nghiệp ngồi trong phòng riêng vẫn phải ngồi giãn cách xa vậy là không nên.
Vì sao không cho bán bia rượu?
Ông Trần Quốc Thịnh - sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (Phú Nhuận) - cho biết nếu cho mở bán tại chỗ lại thì TP nên xem xét cho mở bán bia rượu, bởi với nhiều nhà hàng nếu không cho bán mặt hàng này sẽ không có khách. "Tổ chức, vận hành của hàng quán không khác nhau nhiều nếu cho bán thêm bia rượu", ông Thịnh nói.
Nhiều chủ quán cũng cho rằng đã có nhiều quy định về hạn chế sử dụng rượu bia, cần theo đúng quy định cũ. Không nên vì dịch mà cấm luôn một mặt hàng nếu chưa có nghiên cứu thấu đáo về mối liên hệ giữa sử dụng rượu bia và khả năng tăng lây lan dịch.
Ông Lý Nhất Hiếu cho rằng đề xuất hàng quán bán tại chỗ nhưng không cho bán bia rượu cần quy định chi tiết hơn. "Nhóm đối tác đã tiêm vắc xin, ngồi trong phòng riêng hoàn toàn có thể cho họ sử dụng rượu bia nên quy định phải cụ thể hơn để tránh mỗi nơi áp dụng một kiểu" - ông Hiếu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận