NSND Trà Giang - Ảnh: Q.T
Biết tin Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tổ chức để nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam gặp gỡ với báo chí vào ngày 21-9, từ trong TP.HCM, NSND Trà Giang cùng các NSND Thế Anh, Đoàn Dũng, Anh Đức, Kim Thanh - những diễn viên khóa đầu của điện ảnh Việt Nam cũng tập hợp để chia sẻ tâm tư.
Tuổi Trẻ online đã có cuộc trò chuyện với NSND Trà Giang sáng 19-9
* Những ngày vừa qua nghe tin Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa, cá nhân chị cảm thấy thế nào?
- Thực lòng tôi rất đau đớn. Do yêu cầu phát triển của xã hội, nhà nước tập trung cổ phần hóa rất nhiều thứ, trong đó có điện ảnh. Với Hãng phim truyện Việt Nam cổ phần hóa là hợp lý, nhưng cổ phần hóa như thế nào mới là điều đáng nói. Trong chuyện này anh em không có lỗi.
Trong lịch sử 60 năm của Hãng phim truyện Việt Nam, những người lãnh đạo hãng phim đều là những người được đào tạo về điện ảnh trong và ngoài nước, là những người giỏi và có nghề mới có thể lãnh đạo hãng.
Còn với Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso, đơn vị mua Hãng phim truyện Việt Nam, chúng tôi chưa thể tưởng tượng họ sẽ lãnh đạo hãng thế nào.
* Cá nhân chị nhận thấy quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam có vấn đề gì?
- Cả một hãng phim lâu đời như thế mà coi giá trị thương hiệu là 0 đồng thì thật vô lý. Ngoài chuyện hãng phim có cơ sở vật chất yếu kém thì hơn 400 bộ phim hãng sản xuất là một di sản về văn hóa, phản ánh đời sống của nhân dân, đất nước ta trong nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng.
Thế giới đã hiểu thêm về Việt Nam thông qua những bộ phim Hãng sản xuất.
Tôi nhớ năm 1978 khi qua Nhật chiếu phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, tôi được dẫn đi thăm một hãng phim của Nhật Bản, mà khi điện ảnh Mỹ tràn vào hãng này bắt đầu suy yếu.
Ông chủ hãng phim thời điểm đó đã định dừng sản xuất phim để lấy đất xây dựng kinh doanh, nhưng anh em hãng phim đã quyết giữ lại xưởng phim đó. Điều đó cho thấy chuyện này ở đâu trên thế giới cũng xảy ra thôi.
Ở Việt Nam nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đã từng tới gặp lãnh đạo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch năm ngoái. Nhưng từ đó đến giờ không có thay đổi gì. Bộ buông xuôi rồi, nên anh em nghệ sĩ vẫn muốn lên tiếng. Nhưng chúng tôi tin Bộ không giải quyết, cấp trên của Bộ sẽ giải quyết.
* Dư luận cho rằng Hãng phim truyện Việt Nam đã quá "già", những bộ phim của hãng làm ra không thể ra rạp, và có người cho rằng xóa sổ là đương nhiên. Chị nghĩ gì về điều này?
- Việc xóa bỏ một hãng phim sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đấy. Trước hết là ảnh hưởng cho chính những người làm nghề vẫn còn tâm huyết làm phim điện ảnh.
Tôi cho rằng những ai nói như vậy là vô trách nhiệm. Nhưng tôi biết không phải tất cả mọi người đều nghĩ như thế. Tôi giờ không còn đóng phim nhưng mỗi lần gặp khán giả là họ lại kể với mình họ nhớ những bộ phim ngày xưa như thế nào.
Vì những bộ phim đó đã được làm bằng tâm huyết, bằng tình cảm chân thật của người nghệ sĩ. Những bộ phim đó phản ánh chân thực đời sống nhân dân ta trong từng giai đoạn lịch sử. Nên những bộ phim đó vẫn nằm trong lòng khán giả.
Tôi vẫn rất biết ơn tới những khán giả đã nhớ đến điện ảnh Việt Nam như thế.
* Vì sao chị và các nghệ sĩ trong Nam quyết định tập hợp để lên tiếng?
- Vì chúng tôi biết các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam ở Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam đang tích cực vào cuộc, nên chúng tôi ở trong này cũng muốn góp thêm tiếng nói.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
NSND Trà Giang là diễn viên khóa đầu của Điện ảnh Việt Nam. Ngay từ khi tập kết ra Bắc, học hệ trung cấp Diễn viên điện ảnh tại trường Điện ảnh Việt Nam (khóa 1959 đến 1962), Trà Giang đã trở thành diễn viên của Hãng phim truyện Việt Nam.
Năm 1962 tốt nghiệp khóa diễn xuất chị chính thức về Hãng phim truyện Việt Nam và tại đây chị đã đóng rất nhiều bộ phim sau này đã trở thành các tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
NSND Trà Giang đã tham gia các bộ phim: Một ngày đầu thu (1962), Chị Tư Hậu (1962), Làng nổi (1965), Lửa rừng (1966), Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn (1969), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Bài ca ra trận (1973), Em bé Hà Nội (1974), Ngày lễ thánh (1976), Mối tình đầu (1977), Cho cả ngày mai (1981), Huyền thoại về người mẹ (1987), Hoàng Hoa Thám (1987), Kẻ giết người (1988), Dòng sông hoa trắng (1989)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận