17/09/2017 13:33 GMT+7

Hãng phim truyện Việt Nam: 'Cổ đông chỉ là đối tượng buôn đất'?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Những nghệ sĩ đã và đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam khẳng định cổ đông chiến lược hiện chỉ quan tâm tới đất chứ không phải làm phim.

Hãng phim truyện Việt Nam: Cổ đông chỉ là đối tượng buôn đất? - Ảnh 1.

Từ trái qua: NSND Minh Châu; NSƯT, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn - Ảnh: NGỌC DIỆP

Hôm 16-9-2017, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam lại có buổi gặp gỡ báo chí. Trong cuộc gặp gỡ có đại diện của Hội Điện ảnh Việt Nam, các nghệ sĩ đã và đang làm việc tại hãng.

Các nghệ sĩ cho biết họ ủng hộ chủ trương cổ phần hóa. Nhưng họ bất bình vì quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Họ đã im lặng một thời gian để nghe ngóng tình hình, quan sát quá trình cổ phần hóa. Nhưng sau 2 tháng cổ phần, họ khẳng định cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn bày tỏ bức xúc - Clip: NGỌC DIỆP

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn phản ảnh: "Lộ trình công ty cổ phần đặt ra một năm sản xuất một phim truyện và một phim truyền hình là bất thường. Vì chi nhánh của hãng ở trong Nam một năm đã làm 10 phim truyền hình. Tôi không hiểu vì sao lại duyệt kế hoạch như thế?".

Các nghệ sĩ cho biết bộ phim Người yêu ơi mà hãng đang sản xuất là dự án nhà nước cấp trước khi cổ phần hóa. Công ty cổ phần không thể tính là "đã thực hiện một  phim điện ảnh trong năm" như họ đã cam kết.

Đạo diễn Thanh Vân cho biết: "Chúng tôi đã đề xuất lập một Hội đồng thẩm định kịch bản nhằm tư vấn cho lãnh đạo công ty cổ phần. Ban đầu họ đồng ý, nhưng khi chúng tôi đưa dự án thì họ gạt đi, chứng tỏ họ không hề muốn sản xuất phim".

Dù Hãng phim đã cũ nát nhưng xưởng dựng vẫn kiếm ra tiền. Có thể cho thuê thiết bị như máy quay, phục trang, đạo cụ. Nhưng rất tiếc họ đã dỡ phòng hòa âm, phòng dựng, chuyển kho phục trang và kho đạo cụ đi. Nếu người biết làm điện ảnh họ sẽ không làm như vậy. Giờ giải tán 3 phòng đạo diễn, biên kịch, quay phim, dồn họ vào một phòng. Đi cày mà giết trâu, quẳng cày thì sản xuất phim thế nào?

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát

Hãng phim truyện Việt Nam: Cổ đông chỉ là đối tượng buôn đất? - Ảnh 4.

Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát tại cuộc gặp gỡ với báo chí hôm 16-9-2017 - Ảnh: NGỌC DIỆP

Các nghệ sĩ cho rằng ban lãnh đạo công ty cổ phần không hiểu và không muốn tìm hiểu về đặc thù công việc của hãng phim.

Rất nhiều nghệ sĩ bức xúc khi lãnh đạo hãng nói các nghệ sĩ "không chịu làm việc", "hãy tự đi kiếm việc, tự nuôi nhau, nếu không có việc hãng sẽ tạo điều kiện cho mượn địa điểm để "bán bún, bán phở".

Hầu hết các nghệ sĩ khẳng định lãnh đạo công ty cổ phần chỉ quan tâm đến giá trị đất của hãng và đang tìm cách khai thác đất đai, chứ không hề quan tâm đến sản xuất phim.

Các nghệ sĩ phản ảnh việc sửa chữa lại cơ sở vật chất hãng phim hiện nay không phục vụ cho việc sản xuất phim. Họ cho biết một số địa điểm đã được cho thuê bán phở và chân gà nướng.

Rất nhiều nghệ sĩ cho rằng việc "xóa sổ" Hãng phim truyện Việt Nam bằng cách thức cổ phần hóa sai sẽ để lại hệ lụy rất lớn về mặt văn hóa.

Thời Bác Hồ lập ra Hãng phim truyện đất nước còn nghèo thế mà vẫn phát triển được hãng phim. Giờ đất nước 90 triệu dân, đã giàu có hơn mà không giữ nổi một hãng phim thì thật đáng tiếc. Cổ phần hóa là chủ trương đúng nhưng rất tiếc lại chọn cổ đông chiến lược là đối tượng buôn đất.

Họa sĩ Vũ Huy bức xúc

Hãng phim truyện Việt Nam: Cổ đông chỉ là đối tượng buôn đất? - Ảnh 6.

Đạo diễn Long Vân và nhà biên kịch Lê Phương - Ảnh: NGỌC DIỆP

Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn: "Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nếu không sáng tỏ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Còn nhiều đơn vị nhà hát khác đang nằm ở khu đất vàng, biết đâu sẽ có ngày bị như Hãng phim truyện Việt Nam.

Trong khi Hàn Quốc lấy văn hóa làm động lực thúc đẩy kinh tế thì ta phú quý giật lùi. Bao nhiêu năm chỉ chú trọng kinh tế thôi, chà đạp lên nhau để kiếm được USD thì thế hệ sau sẽ phải trả giá rất đắt.

Bằng cách để mặc chúng tôi, yêu cầu chúng tôi phải tự kiếm sống nuôi nhau, lãnh đạo công ty cổ phần những tưởng chúng tôi sẽ chán nản mà bỏ đi.

Họ nhầm, chúng tôi từ lâu không sống bằng tiền lương ở đây, chúng tôi ở lại đây vì còn yêu hãng. Chúng tôi vẫn sẽ trụ lại".

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên