Nhà khoa học của Pfizer kiểm tra thành phần vaccine giả dưới kính hiển vi. Ảnh: wsj.com
Tờ Wall Street Journal cho biết tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã phát hiện trên 80 liều vaccine COVID-19 giả thương hiệu của hãng này tại Mexico và Ba Lan. Các lọ đựng vaccine ở Mexico được phát hiện làm giả nhãn hiệu, trong khi một số lọ vaccine giả ở Ba Lan dường như có chứa thành phần chất chống nhăn được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da.
Hoạt động chế và lưu hành vaccine phòng COVID-19 giả nhãn hiệu Pfizer là diễn biến mới nhất trong các loại tội phạm liên quan đến vaccine, khi những kẻ tội phạm tìm cách kiếm lợi nhuận bất chính từ chiến dịch tiêm chủng hàng loạt trên thế giới cũng như bối cảnh khan hiếm vaccine hiện nay.
Pfizer cho biết họ đã xác định được các phiên bản vaccine COVID giả mạo đang được sử dụng ở Mexico và Ba Lan. Ở Mexico, vào tháng 2, khoảng 80 người đã được tiêm vaccine Pfizer giả với giá 1.000 USD/người tại một phòng khám ở Nuevo Leon. Tuy nhiên, dường như không có người nào gặp sự cố. Còn tại Ba Lan, vaccine giả được phát hiện tại một căn hộ chung cư và có thể chưa được tiêm cho bất cứ ai. Theo tờ Wall Street Journal, chất lỏng bên trong các lọ vaccine tại đây đã được kiểm tra và dường như là chất chống nhăn da.
'Mọi người trên hành tinh này đang cần vaccine. Nhiều người đang tìm mọi cách để có. Chúng ta lại chỉ có nguồn cung rất hạn chế. Đây là cơ hội hoàn hảo cho bọn tội phạm', ông Lev Kubiak, giám đốc phụ trách an ninh của Pfizer, phát biểu.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã bắt giữ hàng ngàn sản phẩm hàng hóa giả liên quan đến phòng chống dịch như khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cá nhân giả.
Tháng 12/2020, Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đã phát cảnh báo rằng vaccine phòng COVID có sẽ trở thành một 'mục tiêu quan trọng của các loại tội phạm có tổ chức'. Hàng ngàn liều vaccine phòng COVID giả đã được cảnh sát thu giữ ở Trung Quốc và Nam Phi hồi tháng 3 vừa qua.
Một số quốc gia, trong đó có Mỹ, đã gỡ bỏ nhiều website rao bán vaccine phòng COVID. Những trang web này yêu cầu thông tin cá nhân của người dùng, như số thẻ an sinh xã hội, thẻ tín dụng, sau đó sử dụng dữ liệu để thực hiện các hành vi gian lận.
Pfizer cũng đã khuyến cáo người dân không bao giờ tìm mua vaccine phòng COVID-19 qua mạng Internet. Hãng khẳng định 'không có liều vaccine hợp pháp nào được bán qua mạng'.
Tuyên bố của Pfizer khẳng định: 'Pfizer có nhiều kinh nghiệm trong giảm thiểu rủi ro tội phạm, và đang hợp tác với BioNTech để thực hiện các bước đi nhằm giúp giảm nguy cơ hoạt động bất hợp pháp liên quan tới vaccine phòng COVID-19'.
'Đội ngũ cựu chuyên gia thực thi pháp luật và khoa học pháp y của chúng tôi đang theo dõi cẩn trọng các xu hướng và có các quy trình để xác định những mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng hợp pháp. Chúng tôi tiếp tục làm việc với các chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những bên khác để chống lại hoạt động buôn bán bất hợp pháp này', Pfizer nêu rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận