Nhiều thương hiệu may mặc trong nước đã đầu tư cho hệ thống nhận diện, tổ chức sản xuất với quy mô lớn nhằm cạnh tranh với hàng nhập - Ảnh: Quang Định |
Đang vào mùa cao điểm kinh doanh dịp tết - mùa làm ăn lớn nhất trong năm của hàng thời trang, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước đang đứng ngồi không yên do doanh số bán ra dịp Giáng sinh và Tết dương lịch không như kỳ vọng.
Sức mua thấp, phải cạnh tranh gay gắt với kênh bán hàng online, hàng xách tay, hàng nhập khẩu giá rẻ... buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức kinh doanh, đa dạng mẫu mã thay vì tăng số lượng và chú trọng hơn dịch vụ hậu mãi.
Quá nhiều đối thủ
Rảo hai vòng tại cửa hàng quần áo thời trang M trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) nhưng chị Nguyễn Thảo Anh, nhân viên văn phòng Công ty thương mại dịch vụ Huy Khanh (Q.1), vẫn chưa tìm được mẫu quần áo nào ưng ý.
“Mẫu mã không có gì đặc sắc, giá lại cao, một cái áo sơmi kiểu cũng bình thường mà gần 400.000 đồng, trong khi nhiều mặt hàng nhập có thiết kế ấn tượng hơn nhiều, lại có thương hiệu mà giá cũng như ở đây” - chị Thảo Anh nhận xét.
Theo bà Đặng Quỳnh Đoan - giám đốc Công ty TNHH thời trang Việt Thy, ngoài các mặt hàng thời trang giá rẻ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường, hàng thời trang trong nước còn bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, thậm chí hàng nhập từ Mỹ.
Trong đó đối thủ đáng ngại nhất vẫn là hàng Trung Quốc bởi tham gia hầu hết phân khúc thị trường, giá nào cũng có, mẫu mã “bao la bát ngát”.
“Vấn đề vẫn là mẫu mã hàng Trung Quốc quá đa dạng, rất nhanh chóng thay đổi, cập nhật xu hướng thời trang mới, trong khi hàng trong nước dù đã nỗ lực thay đổi rất nhiều, chất lượng tốt nhưng không thể theo kịp họ về tiến độ cập nhật mẫu do năng lực thiết kế và sự chủ động nguyên liệu sản xuất chưa cải thiện được” - bà Đoan nói.
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Hà Chi - giám đốc Trung tâm thời trang Novelty (Tổng công ty CP may Nhà Bè - NBC), ngoài tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng, hàng thời trang giá rẻ và trung bình của Thái Lan và hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nhờ mạng lưới bán lẻ rộng lớn cũng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng thời trang trong nước lao đao.
Còn ở phân khúc sản phẩm trung cấp trở lên, bà Nguyễn Thị Điền, giám đốc Công ty TNHH may An Phước, cho biết “nhờ sự trẻ trung, năng động mà hàng may mặc Thái Lan đang lấn át ở khắp trung tâm thương mại lớn hiện nay”.
Với dòng sản phẩm cổ điển mà An Phước đang theo đuổi như áo sơmi và quần tây, theo bà Điền, đối thủ rất đáng gờm là sản phẩm may mặc nhập khẩu của Nhật.
Đa dạng mẫu mã, tăng dịch vụ hậu mãi
Với sức mua không mấy khả quan trên thị trường vào những dịp lễ, tết cuối năm vừa rồi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng thời trang trong nước đã thận trọng hơn trong mùa kinh doanh tết năm nay. Thay vì tập trung vào số lượng sản xuất, năm nay các doanh nghiệp tập trung vào việc đa dạng mẫu thiết kế gồm 180-200 mẫu, tăng khoảng 60 mẫu so với năm ngoái.
“Sức mua năm nay vẫn là một ẩn số nên chúng tôi chỉ sản xuất bằng năm ngoái, giá cả vẫn giữ nguyên, bình quân 79.000 - 399.000 đồng/sản phẩm dù chi phí sản xuất có tăng” - bà Đoan chia sẻ.
Cũng tăng hơn 25% số lượng mẫu so với mùa kinh doanh tết năm ngoái, bà Lê Thị Hà Chi dự báo nhu cầu thị trường tết năm nay sẽ tăng, nhưng thị phần bị chia nhỏ bởi có quá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường bán lẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Điền cho biết do mở thêm nhiều cửa hàng mới, doanh nghiệp này đã phải tăng lượng hàng sản xuất lên 10-15% so với năm ngoái, nhưng thừa nhận nhiều doanh nghiệp ngành thời trang đang rất bất an với sức mua của thị trường mùa tết năm nay.
“Ngoài việc chăm chút sản phẩm, nâng cao chất lượng, các doanh nghiệp trong nước cũng phải chạy đua cải thiện dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng chu đáo hơn, mở rộng nhiều điểm bán... để cạnh tranh và tồn tại” - giám đốc một doanh nghiệp cho biết.
Chẳng hạn vào mùa tết năm nay, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các dịch vụ hậu mãi (cắt, sửa, giao hàng tận nơi) miễn phí, tặng quà khi có tổng giá trị mua hàng cao, tặng voucher giảm giá, thậm chí giảm giá 20-30% cho một mẫu thiết kế mới từ 1-2 tiếng trong ngày cố định...
Gặp khó với hàng “đa quốc gia”, tổ hợp may tại nhà Không chỉ lao đao với hàng giá rẻ của Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất hàng thời trang quy mô lớn trong nước còn chịu áp lực rất lớn trước nguồn hàng được sản xuất từ các tổ hợp nhỏ lẻ, hộ gia đình chuyên bỏ mối cho các chợ, các shop vùng ven, chuyên phục vụ nhu cầu của người có thu nhập thấp. Theo ông L.V. - chủ một shop chuyên bán quần jean, kaki rất đông khách trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), ngoài nguồn hàng lấy từ đầu nậu nhập khẩu theo đường biên mậu, nguồn cung cấp từ các cơ sở, tổ hợp may nhỏ lẻ cũng góp phần không nhỏ vào “xuất xứ” nước ngoài của các loại thương hiệu nổi tiếng hiện nay. “May quần jean, kaki, áo khoác, áo sơmi thì mua vải của VN sản xuất hoặc của Trung Quốc. May xong, muốn gắn mác nổi tiếng gì cứ ra chợ Bình Tây hoặc Tân Bình là có hết. Giá thành một sản phẩm như vậy sẽ dưới 80.000 đồng/quần và dưới 70.000 đồng/áo” - ông V. thông tin. Theo giới kinh doanh, hầu hết nguồn hàng rót cho các shop hiện nay đến từ chợ An Đông, chợ Tân Bình, hàng “đánh” từ Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan cũng như các cơ sở may gia công nhỏ lẻ làm riêng theo từng nhu cầu đặt hàng của chủ shop. Bà K.P., chuyên kinh doanh hàng bỏ sỉ cho các shop lớn ở những con đường kinh doanh hàng thời trang sầm uất hiện nay, cho biết nhà đầu mối còn qua tận Trung Quốc xem mẫu, đặt hàng và “bao lô” độc quyền mẫu mã với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng, hàng sẽ được giao tận nơi tại VN. Với cách này, giá bán ra sẽ cao nhưng cũng bán được giá tốt hơn do chủ yếu đưa vào các shop thời trang lớn, phân khúc “cao cấp”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận