Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm sang đường - Ảnh: HÀ QUÂN
Người đi bộ sang đường bất chấp nguy cơ va chạm với các phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, học sinh, sinh viên, người dân liên tục băng qua đường Nguyễn Trãi (rộng 50m, có 8 làn xe) ở quận Thanh Xuân, do không có cầu vượt cho người đi bộ từ ngõ 489 đến ngõ 565 Nguyễn Trãi.
Nguy hiểm nhất là khoảng thời gian từ 17h - 19h tối. Lúc này các xe chạy nhanh, có cả xe tải lớn.
Chị Nguyễn Thị Hương (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) cho biết: "Trước đây, khu vực giao cắt đường Lương Thế Vinh và Nguyễn Trãi có một ngã tư. Sau khi xây dựng đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ai muốn đi bộ sang bên đường Nguyễn Trãi nhanh chóng thì phải ngó trước ngó sau để không bị xe tông.
Hai là đi cầu vượt gần Bách hóa Thanh Xuân cách đây 500m rất bất tiện. Nhưng người khuyết tật không thể đi cầu đi bộ đó, lại phải đi thêm 200m lên ngã tư Khuất Duy Tiến hoặc vòng xuống Hà Đông để sang đường".
"Khu vực gần Đại học Hà Nội này có 5-6 điểm xe buýt, cứ tầm sáng với chiều tối đông người qua đường nhất. Không ngày nào không có va chạm, nhẹ thì xước da, xước chân, nặng thì có bà cụ vừa bị tai nạn trước Tết 2021", anh Nguyễn Hoàng Hiệp (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chia sẻ.
Đại diện Sở GTVT cho biết đã nhận được phản ảnh của người dân tại điểm giao cắt đường Nguyễn Trãi - Lương Thế Vinh và tại điểm giao cắt phố Triều Khúc với đường Nguyễn Trãi có tình trạng học sinh, sinh viên... băng qua đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Sở GTVT đã bố trí điểm quay đầu cho xe và vạch sơn cho người đi bộ qua đường cách phố Triều Khúc về hướng Hà Đông 100m. Khoảng cách từ Triều Khúc đến đường Lương Thế Vinh là 150m, cách đường Lương Thế Vinh 450m về phía ngã tư Khuất Duy Tiến có cầu vượt cho người đi bộ qua đường.
Tuy nhiên, Sở GTVT nhận định do ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân chưa cao dẫn đến tình trạng băng qua đường gây nguy cơ mất an toàn giao thông cho chính bản thân của người dân và các phương tiện lưu thông.
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, Sở GTVT đã báo cáo và được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư xây dựng cầu vượt đi bộ, giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Khu vực cổng Trường đại học Hà Nội có lưu lượng xe cộ lớn nhưng người dân vẫn sang đường bất chấp nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện giao thông khác do không có cầu vượt cho người đi bộ - Ảnh: H.Q.
Nhiều bạn trẻ sang đường dù trước mặt là xe ôtô, xe buýt đang chạy nhanh - Ảnh: H.Q.
Nhiều người già sang đường phải nhờ sự giúp đỡ của các bạn trẻ trước dòng phương tiện lao vun vút trên đường dù biết nguy hiểm - Ảnh: H.Q.
Nhiều vụ va chạm thường xuyên xảy ra do người đi bộ sang đường - Ảnh: H.Q.
Hàng dài các bạn sinh viên sang đường, nhất là vào đầu và cuối giờ học - Ảnh: H.Q.
Điều 9 nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này;
c) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
d) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
đ) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận