Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã chỉ đạo Đại sứ quán Thái Lan ở Myanmar phối hợp với chính quyền nhằm "giúp đỡ 162 người Thái" và tổ chức nơi trú ẩn an toàn cho công dân.
Trên mạng xã hội cuối ngày 2-11, Văn phòng Thủ tướng Thái cũng cho biết người Thái Lan và công dân các nước khác đang "mắc kẹt" tại Myanmar vì xung đột. "Ngay bây giờ, Đại sứ quán Thái Lan đang thảo luận cách thức giúp toàn bộ người Thái hồi hương một cách nhanh chóng", văn phòng này viết.
Trong khoảng một tuần qua, quân đội Myanmar đã giao tranh với 3 nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang tại bang Shan, khu vực giáp biên giới Myanmar và Trung Quốc.
Cuộc giao tranh này diễn ra ác liệt khi "Liên minh 3 anh em" gồm Đội quân dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) thông báo đã chiếm giữ một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Myanmar với Trung Quốc.
Chính quyền quân đội Myanmar cho biết đã mất kiểm soát ở một số thị trấn gần biên giới nêu trên, bao gồm Chinshwehaw, nơi giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Hình ảnh của AFP cho thấy có tên lửa phóng ra từ một căn cứ quân sự của Myanmar thuộc vùng Lashio, phía bắc bang Shan.
Theo Liên Hiệp Quốc ngày 2-11, hơn 23.000 người đã mất nhà cửa vì cuộc giao tranh này. Báo chí Myanmar nói hàng ngàn người đã tháo chạy sang Trung Quốc.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cho hay những người mất nhà cửa đã tập trung thành hàng dài để nhập cảnh vào Trung Quốc. Một số thị trấn gần đó của Trung Quốc cũng sẵn sàng sơ tán trong trường hợp xung đột tiếp tục leo thang.
Ngày 1-11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời giải quyết xung đột thông qua đối thoại, đảm bảo ổn định tại biên giới.
Trong diễn biến khác, Thái Lan hiện cũng liên lạc với Iran và chính phủ các nước ở Trung Đông để giải cứu hàng chục công dân Thái Lan bị bắt làm con tin trong xung đột Israel - Hamas.
Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara đã có mặt ở Trung Đông đầu tuần này. Ông cho biết Iran có quan hệ gần gũi với Hamas, và Tehran đã hứa giúp Thái Lan đàm phán về việc giải cứu con tin.
Ít nhất 23 công dân Thái Lan đang nằm trong số 240 người bị Hamas bắt làm con tin kể từ ngày 7-10, thời điểm Hamas thực hiện vụ tấn công làm chết hơn 1.400 người ở Israel. Trong số người chết cũng có ít nhất 32 người Thái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận