Đoàn người từ Tây Nguyên trở lại phía Nam làm việc - Ảnh: B.A.
Tại chốt kiểm dịch thuộc huyện Bù Đăng (Bình Phước), mỗi ngày có khoảng 2.000 người xin quá cảnh Bình Phước. Tỉnh này phải tổ chức đưa người dân thành 2 đợt bằng xe cảnh sát giao thông vào 13h và 19h đi qua tỉnh.
Vui mừng trở lại được thưởng
Chị H Lin Da Êban (quê huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) sau 3 tháng về quê đã quyết định xuống TP.HCM làm lại. Vừa qua, công ty của H Lin Da kêu gọi công nhân may trở lại xưởng. Mỗi người nếu quay lại trong thời gian này sẽ được thưởng hơn 3 triệu đồng nên chị cùng một số bạn bè đã quyết định quay lại.
"Được đi làm lúc này là điều hạnh phúc nhất đối với em. Vừa có tiền trang trải cuộc sống vừa có công việc làm cũng đỡ chán" - H Lin Da nói.
Còn chị H Kat Êban (trú xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk), vừa về quê được 2 tuần, nhưng khi nghe doanh nghiệp (DN) gọi làm việc cũng quyết định ngày 22-10 sẽ xuống Bình Dương làm lại. Suốt 2 tháng nay, chị được công ty hỗ trợ 500.000 đồng/tháng nhưng không đủ sinh hoạt. "Mấy tháng nay nghỉ dịch cũng hết tiền rồi. Dù vừa mới về quê được ít ngày nhưng phải xuống làm lại thôi, chứ ở nhà cũng không biết làm gì" - H Kat chia sẻ.
Ngoài công nhân, các tài xế và người lao động tự do cũng đã trở lại vùng Đông Nam Bộ làm việc khá đông. Anh Trần Đức Toàn (Đắk Lắk) cho biết vừa xuống TP.HCM vài ngày nhưng đã được cho tiêm vắc xin và làm việc trở lại. Công việc buôn bán dù chưa được như trước nhưng anh Toàn vẫn cảm thấy tốt hơn ở quê.
DN đưa xe đón công nhân trở lại
Ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Dệt may - thêu đan TP.HCM - cho biết doanh nghiệp này đã khôi phục gần 100% nhân sự để nâng cao công suất sản xuất cho các đơn hàng xuất khẩu.
Về ngành dệt may TP, ông Việt cho hay doanh nghiệp dệt may đã khôi phục sản xuất với tỉ lệ khá cao, đến nay đã đạt khoảng 70% cả số lượng doanh nghiệp lẫn tỉ lệ người lao động trở lại nhà máy.
Theo ông Việt, tuần qua Hội Doanh nghiệp Dệt may - thêu đan TP đã tự tổ chức xe đưa đón công nhân các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào Nam. Hội sẽ tiếp tục cập nhật danh sách để tổ chức thêm các đoàn xe vận chuyển người lao động trở lại TP. Đến nay, ngành dệt may TP còn thiếu khoảng 20% lao động, ông Việt kỳ vọng sau tết lượng lao động trở lại TP sẽ đông hơn.
Với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - cho biết các DN đã tái sản xuất 60-70% so với trước dịch. Theo ông Phương, các doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay đơn hàng rất dồi dào, song lại tạm thời thiếu lao động do đi lại giữa các địa phương chưa thuận tiện.
Khi nhà máy tái sản xuất, số lao động quay trở lại làm việc sẽ tăng lên, song từ nay đến cuối năm khó đạt được tỉ lệ cao. Để bù đắp, doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp là đầu tư thêm máy móc, nỗ lực cải tiến dây chuyền sản xuất thay vì tận dụng người nhiều.
Người dân Tây Nguyên bắt đầu quay lại các tỉnh phía Nam làm việc trở lại - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
TP.HCM cần 60.000 lao động
Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết thời gian qua có khoảng 143.000 công nhân các tỉnh đã quay lại địa bàn làm việc. Tuy nhiên, TP vẫn thiếu gần 60.000 lao động trong các khu công nghệ cao.
Trong khi đó ở Đồng Nai, Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh này cho biết đã có hơn 80% DN tại 31 khu công nghiệp hoạt động trở lại. Trong số này, có hơn 54% người lao động đã quay trở lại.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích người dân trở lại làm việc để ổn định đời sống. Như tại Đắk Nông, phó chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị khuyến khích người lao động trở lại nơi làm việc; nắm bắt số liệu chính xác về nguyện vọng, nhu cầu của người lao động, nhất là lao động bị ảnh hưởng do COVID-19.
Lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông cho hay đang thống kê và dự kiến trong tháng 11 sẽ có phương án cụ thể hỗ trợ người ở lại tỉnh cũng như người quay trở lại các tỉnh phía Nam làm việc.
Còn tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Quang Thuân - phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh - cho biết ước tính có khoảng 130.000 người về từ các tỉnh phía Nam tính từ tháng 4 đến nay. Hiện nay, tỉnh này đã chi hơn 34 tỉ đồng thuộc các gói hỗ trợ người lao động.
Với người dân có nhu cầu quay trở lại làm việc, ông Thuân cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ. "Hiện tại phần lớn người lao động vẫn chủ động đi vào Đồng Nai, Bình Dương làm. Chúng tôi đang thống kê, lên phương án hỗ trợ" - ông Thuân nói.
143.000
Đó là số công nhân các tỉnh đã quay lại địa bàn TP.HCM làm việc.
Nguồn: Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM
Đồng Nai: hỗ trợ để thu hút lao động
Bà Nguyễn Thị Như Ý - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai - cho biết qua nắm sơ bộ tại một số DN quy mô lớn trên địa bàn, có khoảng 60-65% lao động đã quay trở lại sản xuất.
Trong thời gian qua có khoảng 40.000 lao động tại Đồng Nai trở về quê, song trong đó có nhiều lao động tự do chứ không hoàn toàn là công nhân. Theo bà Ý, hiện nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đã chủ động lên kế hoạch đón công nhân quay lại nhà máy. Tuy nhiên việc quay lại là "cả một vấn đề". Ưu tiên của doanh nghiệp là rước số lao động đã tiêm vắc xin có thể đi làm ngay.
Nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động, mới đây HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua gói hỗ trợ người lao động: hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân và hỗ trợ 1 lần với mức hỗ trợ 300.000 đồng/người. Dự kiến có 176.000 phòng trọ được hỗ trợ, công nhân sẽ đăng ký theo xã, phường, chủ nhà trọ để nhận hỗ trợ.
A LỘC
Bình Dương: nhu cầu lao động vẫn lớn
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 17-10 tại Bình Dương, tình hình sản xuất đã có dấu hiệu nhộn nhịp trở lại.
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết một tín hiệu đáng mừng là cùng với số DN đăng ký hoạt động trở lại khá cao, chỉ số sản xuất công nghiệp từ tháng 9-2021 đã tăng trở lại sau khi sụt giảm trong tháng 7 và tháng 8-2021. Tỉnh Bình Dương một mặt tạo thuận lợi cho DN, mặt khác kêu gọi và thực hiện an sinh xã hội để người lao động an tâm.
Do mới nới lỏng nên nhu cầu tuyển dụng lao động của DN chưa cao nhưng đã bắt đầu tăng lên. Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết hiện các DN đang cần tuyển trên 50.000 lao động qua trung tâm.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, người lao động chỉ cần tiêm một mũi vắc xin sau 14 ngày đã có thể tham gia lưu thông, đi làm... Quy định "người từ các tỉnh thành khác đến Bình Dương phải cách ly tập trung 7 ngày" được Sở Y tế tỉnh Bình Dương ký ngày 15-10 đã được bãi bỏ.
BÁ SƠN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận