28/09/2020 16:20 GMT+7

Hàng ngàn doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ rời thị trường

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Trong quý 2-2020, lệnh giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 khiến hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngành bán lẻ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.

Hàng ngàn doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ rời thị trường - Ảnh 1.

Những khó khăn chính của ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay - Ảnh: Vietnam Report

Theo báo cáo của Vietnam Report, bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực trong dịch COVID-19.

Trong quý 2-2020 lệnh giãn cách xã hội để chống dịch khiến hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngành bán lẻ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính chung 8 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%.

Còn theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chờ giải thể là nhiều nhất so với các ngành khác, với hơn hơn 8.100 doanh nghiệp chờ giải thể.

Từ một ngành đang phát triển sôi động với sự gia tăng mạnh mẽ cả về tổng lượng bán lẻ, số lượng và quy mô của các chủ thể gia nhập thị trường bán lẻ trong năm 2019, ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho thấy: 41,7% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19; 50,0% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và chỉ có 8,3% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Theo nhận định của các doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report, sức mua và doanh số sụt giảm, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và đứt gãy chuỗi cung ứng là bốn khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Có đến 85,3% người tiêu dùng trong khảo sát của Vietnam Report phản ánh họ phải tiết kiệm chi tiêu. Bên cạnh đó là sự thay đổi hành vi của khách hàng với 58,8% người được hỏi cắt giảm mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như quần áo, giầy dép; 70,6% cắt giảm thiết bị thể thao và hoạt động ngoài trời và 36,3% tăng mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để phòng chống dịch, đặc biệt các sản phẩm có nguồn gốc oganic. Điều này đã tác động đến doanh thu của ngành bán lẻ.

44,4% doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn thiếu hụt nguồn vốn để kinh doanh khi doanh số sụt giảm nhưng vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng.

Mặc dù doanh thu mua sắm trực tiếp giảm, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng.

Ngoài ra nhìn về dài hạn, bán lẻ Việt Nam vẫn luôn được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao nhờ kinh tế phát triển ổn định, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, cùng xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới.

Một yếu tố hỗ trợ thị trường này nữa là Hiệp định EVFTA (đã có hiệu lực) được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thị trường Việt Nam thuận lợi hơn.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên