Hàng thời trang tại hệ thống Co.opmart không chỉ bền, đẹp, rẻ mà còn được nhà bán lẻ này chăm chút kỹ, liên tục tìm kiếm, làm việc với nhà cung cấp để bắt kịp những xu hướng thời trang của thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đáng chú ý, trong cuộc đua tranh giành thị phần khá gây cấn, một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt vẫn tạo lập và giữ thói quen dùng hàng may mặc nội địa thông qua kênh mua hàng thời trang tại siêu thị.
"Mê" hàng may mặc trong nước vì rẻ, đẹp, bền
Thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Statista, ở Việt Nam, doanh thu thị trường trang phục, bao gồm trang phục nam, nữ và trẻ em lên tới 6.193 triệu USD vào năm 2020, trong đó phân khúc lớn nhất của thị trường là trang phục nữ với dung lượng thị trường đạt hơn 3.111 triệu USD vào năm 2020.
Thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 8,7% giai đoạn 2020-2023.
Khi miếng bánh thị trường thời trang bị xé mảnh, các đơn vị bước vào chặng đường thay đổi tích cực hơn, năng động hơn nếu muốn tồn tại, phát triển.
Theo ghi nhận, thời gian qua nhiều thương hiệu thời trang Việt không ngừng đa dạng mẫu mã, bao gồm cả chuyện mua bản quyền hình ảnh từ các đơn vị danh tiếng toàn cầu để in ấn trên sản phẩm thời trang. Có hãng còn hợp tác với Disney để cho ra bộ sưu tập có nàng công chúa, hoạt tiết bông tuyết... lấy từ phim bom tấn Frozen "Nữ hoàng băng giá".
Sinh năm 2001, Trần Khánh Đan Thy (Q.Phú Nhuận) là một trong nhiều người trẻ săn đón xu hướng thời trang mới. Dù thời trang ngoại có sức hút mạnh, song trong tủ đồ của cô, hàng "made in Vietnam" vẫn chiếm ưu thế.
"Đồ đi chơi, mũ nón, kể cả đồ lót của mình đa phần đều là hàng Việt. Mình thấy nhiều mặt hàng Việt Nam sản xuất, thiết kế khá đẹp, trẻ trung, bắt và tạo trend (xu hướng) khá nhanh nhạy" - Đan Thy lý giải.
Ngoài nỗ lực cải tiến mẫu mã để hợp thời hơn, giá thành, chất lượng cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp thời trang Việt giữ được vị thế kể cả thị trường cao cấp lẫn bình dân.
Đứng ở khu vực quần áo tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), bé Thúy Ngân (11 tuổi) con gái của chị Nguyễn Thị Thương (39 tuổi, Q.Bình Thạnh) cười híp mắt, xoay vòng để mẹ ngắm chiếc đầm dài, màu vàng chanh mà em đang ướm thử.
Ưng ý, chị Ngân chốt mua đầm cho con. Chưa kể, chị cũng mua thêm chiếc áo màu hồng nhạt, có đính đá với giá 359.000 đồng.
Đến trò chuyện, chị Thương thoải mái nói: "Ở đây hầu hết bán quần áo, giày dép, mũ nón...nhãn hiệu Việt Nam. Mình so rồi, nhiều hàng Việt giá rẻ mà chất vải tốt, mặc thoải mái, giặt máy nhiều lần vẫn bền, dùng lâu vẫn đẹp".
Theo quan sát, ở siêu thị này, mặt hàng thời trang nội địa được trưng bày trên diện tích khá rộng, cách sắp xếp vị trí ngay ngắn, chia ra nhiều khu vực để khách hàng dễ dàng lựa chọn.
Bên cạnh các mặt hàng cơ bản là quần jean, quần tây, áo thun, áo sơ mi, các loại váy thời trang, tới đây khách hàng còn có mua các sản phẩm hàng may mặc khác như túi xách, giày dép hay các sản phẩm dành cho phòng ngủ như gối, chăn, drap với nhãn mác rõ ràng.
Ngoài ra, trong từng nhóm hàng quần áo, các chủng loại khá phong phú. Chẳng hạn, đối với đồ dùng cho trẻ sơ sinh, siêu thị tỏ ra khá nhạy bén khi cung ứng gần như đầy đủ các mặt hàng từ quần áo dành cho trẻ sơ sinh, khăn, yếm, gối, mền...
Hay với mặt hàng thời trang công sở, có đến vài chục nhà cung cấp khác nhau, nhiều phong cách thời trang cho người tiêu dùng lựa chọn.
Ưu tiên bán đồ may mặc trong nước tại hơn 100 siêu thị
Saigon Co.op giảm giá sâu từ 20% - 40% cho hơn 1.000 sản phẩm trang phục mặc nhà, nón có màn chắn, khẩu trang vải, gối, áo gối, chăn drap... trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chứng kiến diễn biến thị trường, một đại diện của nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết hiện nay độ cạnh tranh trong ngành hàng thời trang may mặc và phụ kiện giữa các siêu thị, các đơn vị tương đối gay gắt vì đây là mặt hàng khá hấp dẫn đối với nhóm khách hàng trẻ. Có nhiều trường hợp, khách ghé siêu thị chỉ để mua quần áo thời trang.
Với vai trò nhà phân phối, đồng hành nhà sản xuất trong nước, ông Huy chia sẻ, siêu thị luôn khuyến khích, ưu tiên trưng bày và quảng bá cho các sản phẩm của các nhà cung cấp trong nước.
Hiện có hơn 90% sản phẩm may mặc đến từ các nhà cung cấp trong nước, vốn là công ty, cơ sở sản xuất hàng may mặc có tiếng đang được hơn 100 siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op phân phối mỗi ngày. Trong đó có không ít thương hiệu thời trang quen thuộc như Kim Thoa, Xuân Bến Thành, Khương Thới, Nhà Bè, Thế Vinh Khang, Đan Châu, An Thủy, An Nhơn...
Để tăng mức độ cạnh tranh, các mặt hàng này đảm bảo được chất liệu thoáng mát, mềm mại, co giãn, hút ẩm tốt và không gây kích ứng da. Đồng thời, với số lượng người trẻ mua ngày càng tăng, bộ phận thu mua của các siêu thị không ngừng tìm kiếm mẫu mã, chủng loại mới.
Đến mua sắm tại siêu thị, khách hàng còn được sửa chữa quần áo tại chỗ theo ý muốn và hoàn toàn miễn phí.
Được biết, trung bình mỗi năm chủng loại mặt hàng thời trang tại hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra tăng 20%, đây là một trong những ngành hàng được nhà bán lẻ chăm chút, liên tục tìm kiếm, làm việc với nhà cung cấp để bắt kịp những xu hướng thời trang của thị trường.
Theo đại diện Saigon Co.op, để đảm bảo chất lượng hàng may mặc, ngoài việc xây dựng các tiêu chí đầu vào đảm bảo thỏa mãn các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của nhà nước, cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật cho vải thì tiêu chuẩn của nguyên phụ liệu cũng được nghiêm ngặt tuân thủ.
Giảm giá hơn 1.000 sản phẩm may mặc
Nhằm giúp khách hàng mua sắm với mức giá tiết kiệm và hợp lý, tùy vào từng thời điểm trong năm, trên toàn hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra đều có chương trình giảm giá các sản phẩm may mặc, thời trang từ cơ bản đến cao cấp từ 20% đến 50%.
Ngay trong thời điểm cả nước thực hiện cách ly xã hội, hơn 100 siêu thị thuộc Saigon Co.op đã tập trung đẩy mạnh giảm giá với mức giảm sâu từ 20% - 40% cho hơn 1.000 sản phẩm trang phục mặc nhà, nón có màn chắn, khẩu trang vải, gối, áo gối, chăn drap... như một cách kích cầu và chia sẻ với nhu cầu mặc đẹp, tiết kiệm của người dân trong thời điểm hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận