Phóng to |
Theo anh Quốc Bảo, chủ cửa hàng chuyên phục hồi bình xăng con Bảo Biển số 99 Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thanh, TP.HCM, từ vài ngày qua anh đã sửa thay thế pôngtu khá nhiều (ảnh chụp chiều 16-8) - Ảnh: THANH ĐẠM |
Một ngày thay hai pôngtu
Anh Trần Văn Hùng, ngụ tại đường Lê Văn Việt, phường Tân Hưng, quận 7 đang chạy xe máy (hiệu Citi) bon bon trên đường thì bỗng “con ngựa sắt” trở chứng cà giật, chạy thêm được một đoạn ngắn nữa thì xe... đứng. Sau khi kiểm tra lửa bugi, anh không phát hiện “bệnh”, đành phải đưa vào tiệm sửa xe. Thợ sửa xe phát hiện pôngtu trong bình xăng con bị hư khiến xăng không chảy xuống được buồng đốt. Pôngtu mới được thay thế.
Nhưng chỉ vài giờ sau, xe gắn máy của anh Hùng lại bị “bệnh” với triệu chứng tương tự lần trước. Thợ sửa xe phải thay cho anh một pôngtu mới có đầu làm bằng thau (thay vì pôngtu có lớp cao su trên đầu). Anh Hùng cho biết trước đó anh đổ xăng tại một cây xăng dưới chân cầu Kênh Tẻ.
Anh Hùng chỉ là một trong gần 70 “bệnh nhân” được cơ sở sửa xe gắn máy Tiến Đạt (số 41 Lê Văn Lương) cứu chữa chỉ trong vòng một tuần qua.
Anh Võ Thành Vũ (địa chỉ 108/60/1 Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3) kể: “Khoảng 15 giờ ngày 14-8, tôi ghé đổ xăng tại cây xăng góc ngã tư Lý Chính Thắng - Bà Huyện Thanh Quan (quận 3). Khoảng 3 giờ sau, khi chạy về gần đến nhà, xe bỗng nhiên cà giật rồi chết máy. Tôi phải đẩy bộ về tiệm sửa xe của người anh kiểm tra mới biết xe bị hư pôngtu”.
Pôngtu bán chạy như tôm tươi Một chủ tiệm sửa xe trên đường Lê Văn Lương than mấy ngày qua do có nhiều “ca” thay pôngtu nên có lúc anh hết hàng, phải lùng sục mới mua được một lượng pôngtu dự trữ. Pôngtu đầu bằng thau hiện bán đắt như tôm tươi. Chiều 16-8, chúng tôi mất hàng giờ để tìm mua pôngtu trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận... nhưng các tiệm sửa xe đều lắc đầu nói hết hàng. Cuối cùng, tại tiệm sửa xe Phúc, số 195 Trần Huy Liệu, chúng tôi mua được một pôngtu với giá 12.000 đồng (giá gấp đôi so với trước đây). |
Anh Ngô Thành Tâm - người phụ trách kỹ thuật và kinh doanh của cơ sở Tiến Đạt, giải thích: pôngtu có hình dạng giống như ngòi viết bút bi, được gắn vào một cái phao nhỏ nằm trong bình xăng con.
Nó giống như một van có nhiệm vụ điều tiết xăng chảy qua bình xăng con, rồi từ đó chuyển xuống buồng đốt cung cấp nhiên liệu cho máy xe hoạt động. Trên thị trường hiện nay thường có hai loại pôngtu: loại bằng sắt trên đầu bọc một lớp cao su và loại có đầu bọc lớp đồng - thau.
Hầu hết các loại xe máy hiện nay thường dùng loại pôngtu thứ nhất. Anh Tâm thông tin: “Thường pôngtu này xài một thời gian thì lớp nhựa có thể bị chai cứng dẫn đến đóng mở không kín làm xăng rịn ra ngoài theo đường ống xăng dư. Tuy nhiên tất cả các trường hợp được kiểm tra vừa qua, hầu hết pôngtu bị hư do lớp cao su nở ra bất thường làm bít đường dẫn xăng xuống bình xăng con, không qua được buồng đốt, làm xe chết máy”.
Theo tài liệu lưu tại cơ sở Tiến Đạt, các xe bị hư pôngtu không chỉ xe cũ mà cả xe mới.
Xăng kém chất lượng?
Vì sao pôngtu bị hư hàng loạt? Các chuyên gia xe gắn máy cho rằng chất lượng xăng không tốt hoặc pôngtu... dỏm. Tuy nhiên hầu hết ý kiến đều nghiêng về nguyên nhân thứ nhất, bởi nếu là pôngtu dỏm thì bệnh này đã xuất hiện từ rất lâu, không phải mới “phát” trong vài ngày qua. Điều đáng chú ý là khi hỏi mua pôngtu ở hầu hết các tiệm bán phụ tùng xe gắn máy, chúng tôi đều nhận được câu hỏi: “Xài xăng dỏm phải không?”.
Phóng to |
Theo anh Tâm (cơ sở Tiến Đạt), hiện tượng này xuất hiện sau thời điểm xăng tăng giá nên nhiều khách hàng nghi ngờ chất lượng xăng kém là có cơ sở. “Hơn nữa, qua những lần kiểm tra các xe bị hư pôngtu, tôi thấy loại xăng mới này lạnh, nồng và bốc hơi nhanh hơn so với xăng trước đây”, anh Tâm nói.
Còn anh Vũ cho biết sau khi xả xăng để kiểm tra bình xăng con, anh ngửi thấy mùi giống như hóa chất dùng để rửa sơn móng tay (acetol). Hiện anh vẫn còn lưu lại mẫu xăng này.
Tuy nhiên, theo các cán bộ kỹ thuật một công ty chuyên sản xuất, sửa chữa bảo trì bình xăng con tại TP.HCM, chưa thể khẳng định được nguyên nhân gây ra hư pôngtu là do xăng kém chất lượng bởi còn nhiều nguyên nhân khác tác động làm hư pôngtu.
Tuy vậy, một chuyên gia của Hội Ôtô và thiết bị động lực TP.HCM cho rằng pôngtu có đầu cao su trong bình xăng con ở trong môi trường kín nên các nguyên nhân tác động như nhiệt, lực... được loại trừ. Và như vậy, rất có thể là chất lượng nguồn nhiên liệu cung cấp có thay đổi so với trước đây.
Về tình trạng xe gắn máy bị hỏng bộ phận pôngtu sau vài giờ đổ xăng, giới sửa chữa xe gắn máy cho rằng: trong xăng có chất gì đó làm trương nở nhanh chỏm cao su gắn trên đầu pôngtu. Loại pôngtu có chỏm cao su đã xuất hiện trên thị trường cả chục năm nay rồi, không cớ gì tự nhiên giờ đây đồng loạt trở chứng. “Để làm rõ nguyên nhân của hiện tượng bất bình thường trên, có lẽ nên kiểm nghiệm chất lượng xăng mà các xe bị hỏng pôngtu đang dùng để xem xăng có “ngậm” hóa chất nào có khả năng làm trương nở cao su không?”, nếu có việc dùng cồn pha vào xăng thì khi đó cồn có thể sẽ là tác nhân gây ra rắc rối cho các chi tiết máy làm bằng cao su. Cũng đã có những nghiên cứu việc dùng cồn làm nhiên liệu nhưng chưa có đánh giá về ảnh hưởng của cồn đối với động cơ hoặc các chi tiết máy. Một số nhà chuyên môn về hóa dầu cũng cho rằng cần lưu ý xét xem trong xăng có lẫn nhiều hydro carbon cao (chẳng hạn như dầu hôi) hay không, bởi các loại này có khả năng làm trương nở nhanh cao su. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận