31/01/2016 08:41 GMT+7

Hàng loạt xe chết máy do đổ xăng có tạp chất?

T.LONG - Q.KHẢI - L.NAM - V.TR.
T.LONG - Q.KHẢI - L.NAM - V.TR.

TT - Những ngày qua, người dân ở nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM liên tục phản ảnh tình trạng xe máy bị “lịm” dần rồi chết máy sau khi đổ xăng A95 tại các cây xăng ở TP.

Xe máy bị hỏng xú páp nghi do xăng kém chất lượng được sửa chữa tại HEAD Honda trên đường Lê Lợi, TP Mỹ Tho - Ảnh: Vân Trường
Xe máy bị hỏng xú páp nghi do xăng kém chất lượng được sửa chữa tại HEAD Honda trên đường Lê Lợi, TP Mỹ Tho - Ảnh: Vân Trường

Tình trạng xe máy bị chết máy không chỉ xảy ra ở TP.HCM, ngay cả ở Tiền Giang cũng có hàng loạt xe phải đưa đi sửa chữa do đổ xăng có nhiều tạp chất.

Xe “lịm” dần rồi chết máy

Anh Trần Đức Quốc (Q.6, TP.HCM) cho biết 22g ngày 27-1, đi làm về anh vào đổ xăng cho xe máy tại một trạm xăng trên đường Hậu Giang. Anh đổ 50.000 đồng loại xăng A95. Sau khi đổ xăng, anh Quốc chạy xe về nhà cách trạm khoảng 5km.

Đến 5g sáng, anh dậy đưa hàng đi bán thì đạp hoài xe không nổ. Đưa đến tiệm sửa xe mở ra thấy hai xú páp bị cong, phía trên đầu xú páp bám đầy chất đen kết dính như nhựa đường. Thợ sửa xe cho anh biết xe hư là do xăng anh đổ pha nhiều tạp chất.

“Xe tui mới làm lại máy để chạy tết cách đây gần một tuần, không biết sao mà xe hư nữa” - anh Quốc nói.

Anh Hùng (Q.2) cũng nói anh đưa ôtô vào đổ xăng tại một trạm xăng trên đường Hai Bà Trưng (Q.3), đổ khoảng 70 lít A95. Xe chạy được khoảng một ngày thì bị hiện tượng khó nổ, nghe tiếng bụp bụp “cà giật”.

Anh Hùng phải đưa xe đến gara rửa, súc bình. Thợ tại gara cho biết xăng anh đổ không dùng được nên phải đổ xăng mới.

Theo anh Hùng, sau khi sửa xe, anh có làm việc với đại diện trạm xăng. Phía trạm xăng cho biết do khi mua anh Hùng không có hóa đơn, camera của trạm cũng xóa hết dữ liệu ngày anh đến đổ nên không thể kiểm tra.

Theo anh Nguyễn Hữu Thuần - thợ sửa xe tại một gara ôtô ở Q.3, tuần qua gara của anh tiếp một trường hợp ôtô bị hiện tượng chết máy, khó nổ. Trường hợp này phải thay hết hệ thống đường ống, đổ xăng mới, xe mới nổ.

Còn anh Châu, có kinh nghiệm hơn 20 năm sửa xe máy ở đường Thống Nhất (Q.Gò Vấp), cho biết bình thường tiệm xe của anh sửa vẫn có rất nhiều trường hợp xe hư, không nổ được máy do đổ phải xăng pha nhiều tạp chất, chì.

Tiền Giang cũng có nhiều xe chết máy

Tối 30-1, ông Đỗ Văn Phước - chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang - cho biết cơ quan này đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng lấy năm mẫu xăng gửi phân tích tìm nguyên nhân hàng trăm xe máy “chết” sau khi đổ xăng.

Trong đó có hai cây xăng tại TP Mỹ Tho, hai cây xăng tại huyện Gò Công Tây và một cây xăng ở huyện Chợ Gạo.

“Tất cả năm cây xăng này đều nhập xăng từ Công ty TT ở Tiền Giang và bị người dân phản ảnh sau khi đổ xăng thì xe của họ bị “cà giật” rồi cong xú páp. Đây là doanh nghiệp nhập khẩu xăng trực tiếp rồi phân phối cho các đại lý. Tuần tới sẽ có kết quả phân tích mẫu xăng” - ông Phước nói.

Theo ông Dương Ngọc Hiền Nhân - kỹ thuật trưởng HEAD Honda đường Lê Lợi, TP Mỹ Tho, khoảng năm ngày qua, HEAD này nhận hơn 10 xe máy bị hư hỏng giống nhau là: trong động cơ có tiếng kêu bất thường, máy nổ “cà giật”, không tăng ga, không tăng tốc được.

Sau khi tháo máy ra thì phát hiện trong buồng đốt bám đầy chất kết dính màu đen như nhựa đường, hai xú páp bị cong. "Rất nhiều xe máy hiệu Honda mới mua cũng bị sự cố này phải tháo máy ra để khắc phục” - ông Nhân nói.

Ngay cả xe máy hiệu Wave S của anh Cường - nhân viên kỹ thuật của HEAD Honda trên đường Lê Lợi - cũng phải “nằm viện” vì bị cong xú páp.

Anh kể: “Tôi mới đổ xăng tại một cây xăng trên đường Lý Thường Kiệt thì máy nổ không ngọt, tăng ga thì máy bị tắt. Tháo máy ra thấy nhựa bám đầy trên hai cây xú páp. Tình trạng này giống y chang một xe của khách hàng đổ chung cây xăng của tôi”.

Các đại lý xe Honda, Yamaha, SYM tại TP Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây cũng nhận hàng loạt xe máy bị sự cố tương tự. Do số lượng xe “nhập viện” quá lớn nên khách hàng phải chờ tối thiểu một ngày mới nhận xe về.

Anh Nguyễn Hoàng Anh, nhân viên tiệm điện Trai trên đường Lê Đại Hành, P.1, TP Mỹ Tho, cho biết mấy ngày qua tiệm của anh nhận xoáy xú páp cho gần 200 xe máy. Những xe nào bị cong xú páp, nhẹ thì còn khắc phục được, còn bị hư hỏng nặng quá thì phải thay.

Anh chỉ cho xem chất màu đen dính như nhựa đường bám đầu buồng đốt xe máy và nửa trên của cây xú páp bị cong vênh rồi nói thêm: “Xe máy bị hư hàng loạt như thế này chỉ có thể là do xăng kém chất lượng thôi”.

Xe bị chết máy phải đưa vào sửa tại một điểm sửa xe trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Tiến Long
Xe bị chết máy phải đưa vào sửa tại một điểm sửa xe trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Tiến Long

Chưa tìm được nguyên nhân

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 30-1, ông Đặng Duy Quân - phó giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II - cho biết vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây hiện tượng xe đang chạy “lịm” dần, tắt máy không thể khởi động lại được sau khi đổ xăng A95 ở một số cây xăng Petrolimex.

Lô hàng được công ty nhập khẩu từ nước ngoài, phân phối cho 22 trong tổng số 65 đại lý của Petrolimex tại TP.HCM. Chỉ có 18 đại lý trong số này có báo cáo về tình trạng có khách hàng khiếu nại về chất lượng xăng.

Theo ông Duy Quân, toàn bộ hơn 300 tấn xăng ở 18 đại lý này đã được công ty thu hồi và gửi mẫu đến Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3).

Công ty cũng yêu cầu các kỹ thuật viên kiểm tra, hóa nghiệm số xăng nghi không đạt tiêu chuẩn này nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, thậm chí sau khi kiểm tra nhận thấy xăng vẫn đạt tiêu chuẩn.

Ông Đặng Duy Quân còn nói tuần sau sẽ gửi mẫu nhiên liệu sang Singapore và các tập đoàn xăng dầu quốc tế nhờ kiểm tra chất lượng.

Theo kế hoạch, đầu tuần tới Công ty Xăng dầu khu vực II sẽ tổng hợp các trường hợp khách hàng bị thiệt hại do chất lượng xăng A95 gây ra, trước mắt là đền bù tiền mua nhiên liệu.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên phó chủ tịch Hội Ôtô và thiết bị động lực TP.HCM, cho rằng nếu xăng đúng chuẩn theo quy định, khi đốt cháy sẽ bốc hơi hoàn toàn, không để lại chất gì.

Với nhiều trường hợp xe bị chết máy, sau khi lấy xăng ra đốt vẫn còn lớp cặn giống như nhựa dẻo chứng tỏ chứa một số chất hữu cơ nào đó, đương nhiên loại xăng này không phù hợp với tiêu chuẩn xăng theo quy định.

Xe chạy xăng có nhiều tạp chất sẽ dẫn tới sự cố máy ngừng đột ngột giữa đường, có khi về đậu một đêm sáng ra không đề máy được do lớp keo dẻo bám chặt ở đầu piston, xú páp.

Ông Ninh cũng cho rằng xăng là hợp chất hữu cơ, có thể hòa tan nhiều loại hữu cơ khác nên bằng mắt thường khó mà phát hiện trong xăng có chứa chất lạ.

Việc xăng pha thêm phụ gia, tạp chất nhằm làm gia tăng khối lượng trên thị trường thời gian qua không phải là hiếm như xăng pha aceton, methanol... thời điểm 2005-2006 gây thiệt hại rất nhiều cho người dân.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, việc kiểm tra chất lượng từ đầu nguồn đến khâu phân phối phải là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trường hợp có dư luận phản ảnh về chất lượng thì phải nhanh chóng vào cuộc lấy mẫu phân tích và công bố sớm cho người dân được rõ, truy trách nhiệm thuộc về ai.

Mua xăng không có hóa đơn, đền bù phức tạp

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM, việc bồi thường cho khách hàng lỡ sử dụng xăng A95 bị lỗi thường hết sức khó khăn.

Những trường hợp chạy ôtô mua số lượng nhiều có hóa đơn chứng từ thì có cơ sở yêu cầu bồi thường nhưng rất nhiều trường hợp đi xe máy, đổ xăng không có hóa đơn chứng từ liệu các cây xăng có chịu bồi thường?

Đối với trường hợp này, muốn được bồi thường phải yêu cầu một đơn vị có chức năng thực hiện việc giám định chất lượng xăng tại cây xăng đã đổ và chất lượng xăng trong xe (đã mua trước đó). Giải pháp này không dễ vì mất thời gian và chi phí giám định.

“Vấn đề quan trọng hơn là việc kiểm soát chất lượng từ khâu nhập khẩu đến phân phối đến khách hàng” - luật sư Trạch nêu ý kiến.

T.LONG - Q.KHẢI - L.NAM - V.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên