Diễn đàn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đã kêu gọi hàng loạt thương vụ lớn - Ảnh: NA
Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức sáng 10-6.
Mở đầu diễn đàn, ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng để thúc đẩy phát triển kinh tế với trọng tâm là tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thì đổi mới, sáng tạo là một động lực quan trọng.
Ba chương trình hành động thúc đẩy startup
Dẫn báo cáo của TOPICA năm 2018, bộ trưởng cho biết các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với Mỹ năm 2017, khoảng 291 triệu USD.
"Nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo cao, không lặp lại các mô hình và ý tưởng kinh doanh đã được triển khai ở các quốc gia khác, có công ty vươn ra khu vực và thế giới, nhận được đầu tư của nhiều dòng vốn quốc tế" - bộ trưởng đánh giá.
Theo ông Dũng, để thúc đẩy mô hình này thì Chính phủ đang xây dựng và thực hiện nhiều chính sách nhằm hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đổi mới sáng tạo phát triển.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và đầu tư được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và kết nối các nhân tài Việt Nam thông qua Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Ông Chu Ngọc Anh - bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ - cũng cho biết với Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đã có các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, cơ sở vật chất đào tạo.
Đặc biệt là chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn từ khoản thu nhập đầu tư của startup; quy định chi tiết thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo từ ngân sách, giúp cho quỹ đầu tư vào Việt Nam được chính thức hóa.
"Hiện Bộ Khoa học và công nghệ cùng các bộ ngành tiếp tục rà soát, xem xét trình cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng khởi nghiệp và startup" - Bộ trưởng Ngọc Anh cho rằng đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo khi Việt Nam hiện có khoảng 3.000 startup và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, dự kiến vượt mốc 1 tỉ USD cho các thương vụ đầu tư cùng sự tham gia của 40 quỹ đầu tư.
Bộ trưởng Chí Dũng cũng nêu ra ba chương trình hành động gồm: Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; và khơi thông nguồn vốn cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Không để quy định không tốt khiến doanh nghiệp ra nước ngoài khởi nghiệpPhát biểu chỉ đạo, ông Vũ Đức Đam - phó thủ tướng Chính phủ - cho rằng nhìn vào dòng tiền chảy vào hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo cho thấy sự tăng trưởng liên tục. Do đó, cần duy trì sự quan tâm các nhà đầu tư nước ngoài, liên tục đổi mới sáng tạo, tạo ra cơ hội cho mọi người cùng sản xuất kinh doanh và phát huy các giá trị.
"Tất cả mọi người tìm thấy cơ hội kinh doanh, tìm được cơ hội hoàn thiện mình, đem lại sự cống hiến cho cả cộng đồng" - Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ông đề nghị cần trước hết phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam dù đã có nhiều lĩnh vực cải thiện song vẫn cần cải cách nhiều hơn nữa.
Đặc biệt trong bối cảnh các cuộc cách mạng, trào lưu mới đang diễn ra thì cần phải có bước đột phá mạnh hơn, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và những ngành kinh tế dựa trên ứng dụng.
Đồng thời cần chú ý tốt hơn đến giáo dục và khoa học công nghệ. Trong đó tập trung các chính sách kinh tế như phát triển khoa học công nghệ thì phải đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, có chính sách kinh tế từ thuế, tín dụng, đất đai, điều kiện thị trường…
"Startup họ cần gì? Chủ yếu là chính sách kinh tế, đầu tư trong nước và ra nước ngoài, các khoản ưu đãi thuế, thủ tục… các bộ ngành cần cải thiện mạnh mẽ hơn" - Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh mọi startup dù là doanh nghiệp tỉ đô hay là SME thì cũng đều tập trung hướng đến giải quyết nhu cầu của người dân. Theo đó, ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trẻ Việt Nam cần kết nối tốt hơn, không chỉ hạn chế ở Việt Nam hay tìm cách đầu tư ra nước ngoài.
"Ta không ngăn doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài để làm công ty nhưng không để doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài vì những quy định không tốt" - Phó thủ tướng nói.
Một số quỹ đầu tư ký cam kết với Bộ Kế hoạch và đầu tư rót vốn vào Việt Nam
Tại diễn đàn, đã có 18 quỹ đầu tư ngoại ký cam kết rót vốn 425 triệu USD, tương đương với 10.000 tỉ đồng trong 3 năm tới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một số thương vụ điển hình như quỹ đầu tư DT&I Hàn Quốc quyết định sẽ đầu tư cho startup Propzy số tiền 1,4 triệu USD trong quý 2 năm nay.
Quỹ VinaCap sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 2 quỹ của Hàn Quốc để đánh dấu việc quỹ này dự kiến sẽ đầu tư 100 triệu USD cho các startup tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết quỹ mới nhất của EU trị giá 3 tỉ euro dành cho các startup Việt Nam...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận