Ngày 7-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quyết định về danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học với hàng chục ngành học sẽ chính thức có mã ngành mới.
Nhiều chuyên ngành sức khỏe có mã ngành riêng
Đáng chú ý, trong danh mục này nhiều chuyên ngành thuộc nhóm sức khỏe đã có mã ngành riêng biệt: công nghệ dược phẩm, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, kỹ thuật y học thể dục thể thao, dụng cụ chỉnh hình chân tay giả, khúc xạ nhãn khoa, kỹ thuật gây mê hồi sức.
Theo thạc sĩ Lê Thanh Vân - trưởng bộ môn phục hồi chức năng, khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học Trường đại học Y Dược TP.HCM, hiện nhà trường đang triển khai đào tạo vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu nhưng là dưới hình thức chuyên ngành thuộc ngành kỹ thuật phục hồi chức năng.
"Trong khi các trường đại học ở các nước trên thế giới có mã ngành riêng biệt với các ngành về trị liệu nên sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ngành kỹ thuật phục hồi chức năng muốn đi học lên bậc đào tạo sau đại học phải làm nhiều thủ tục rất vất vả. Sắp tới nhà trường phải tách riêng các chuyên ngành trên để được thẩm định theo các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định về danh mục mã ngành đào tạo thí điểm các trình độ đại học, trong đó có các mã ngành vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu là cơ sở và điều kiện thuận lợi để nhà trường làm thủ tục mở mã ngành đào tạo các ngành này", bà Vân nói.
Sẽ sớm đào tạo và tuyển sinh các ngành mới
Cũng theo bà Vân, bộ môn phục hồi chức năng, khoa và nhà trường sẽ tập trung quyết liệt làm các thủ tục hồ sơ theo đúng quy định trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm chính thức mở ngành đào tạo và tuyển sinh các ngành trị liệu trên.
Vật lý trị liệu là ngành học có từ lâu đời sử dụng các lý luận y học phương Tây và vận dụng những biện pháp vật lý như cơ học (vận động, trị liệu bằng tay), nhiệt, sức nước, dòng điện, ánh sáng… để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng.
Đối với người bệnh, vật lý trị liệu có thể can thiệp trong rất nhiều dạng bệnh lý như cơ xương khớp, thần kinh cơ, hô hấp - tim mạch, nhi khoa, sức khỏe phụ nữ. Đối với người khỏe, vật lý trị liệu đưa ra những hướng dẫn và cách tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa chấn thương, bệnh lý.
Hiện tại có hơn 10 trường đại học ở Việt Nam đào tạo nội dung vật lý trị liệu (dưới mã ngành cử nhân kỹ thuật phục hồi chức năng), trong đó Trường đại học Y Dược TP.HCM là cơ sở đào tạo ngành này sớm nhất (từ năm 2001).
Hoạt động trị liệu là chuyên ngành khá mới ở Việt Nam dù đã có lâu đời trên thế giới. Hoạt động trị liệu giúp những người gặp khó khăn trong hoạt động thực hiện được công việc họ cần và muốn làm thông qua việc sử dụng chính các hoạt động thường ngày (như lau bàn, quét nhà, ra vào nhà tắm…).
Ví dụ, đối với người bệnh liệt bán thân có mong muốn nấu ăn thì người sẽ hướng dẫn họ những động tác kỹ năng cần thiết cho quá trình nấu ăn. Đặc biệt, hoạt động trị liệu luôn nhìn nhận toàn diện cả môi trường sống và sẽ có những điều chỉnh can thiệp phù hợp.
Hoạt động trị liệu sẽ đưa ra những thay đổi dụng cụ nấu ăn cũng như không gian nhà bếp để người bệnh có thể làm được việc mình muốn một cách độc lập nhất. Không chỉ đối với người bệnh, can thiệp hoạt động trị liệu còn khá rõ đối với người khỏe, như: luyện tập kỹ năng viết tay cho trẻ; chọn lựa trò chơi giúp trẻ phát triển các kỹ năng; đánh giá và chỉnh sửa bàn ghế, không gian làm việc để tránh gây ra các bệnh lý văn phòng…
Hiện tại có hai trường ở Việt Nam đào tạo nội dung hoạt động trị liệu (dưới mã ngành cử nhân kỹ thuật phục hồi chức năng): Trường đại học Y Dược TP.HCM (từ 2016) và Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương (từ 2016).
Ngôn ngữ trị liệu được công nhận năm 1920 và là chuyên ngành rất mới ở Việt Nam. Ngôn ngữ trị liệu tập trung đánh giá, chẩn đoán, can thiệp, phục hồi chức năng các rối loạn/khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp và nuốt.
Hiện có ba trường ở Việt Nam đào tạo nội dung ngôn ngữ trị liệu (dưới mã ngành cử nhân kỹ thuật phục hồi chức năng): Trường đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng (từ 2018), Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương (từ 2021) và Trường đại học Y Dược TP.HCM (từ 2022).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận