Nhiều mặt bằng trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) đang tạm thời đóng cửa, rao cho thuê lại sau khi các chủ cũ trả mặt bằng - Ảnh: NG.HIỂN
Dịch COVID-19 được cho là một trong những lý do khiến các nhà kinh doanh trả mặt bằng trước thời hạn bởi doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi giá mặt bằng và nhân công cao khiến hoạt động kinh doanh không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Vừa thuê đã trả mặt bằng
Hàng loạt cửa hàng, chi nhánh của các chuỗi F&B (dịch vụ ăn uống) trên địa bàn TP.HCM đã treo biển đóng cửa những ngày gần đây. Trong đó, chỉ riêng tại "con đường ẩm thực" Phan Xích Long đã có khoảng chục thương hiệu đóng cửa trong khoảng 1 tuần qua.
Bên cạnh các cửa hàng nhỏ và đơn lẻ, nhiều thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường F&B cũng đóng cửa, trong đó có nhiều cửa hàng chỉ mới khai trương vài tháng.
Trong khi đó tiệm cà phê Doha tại địa chỉ 223 Phan Xích Long cũng treo biển ngừng hoạt động từ ngày 24-2 dù mới khai trương từ 9-9-2019. Doanh nghiệp này cho biết tình hình dịch COVID-19 có ảnh hưởng, sụt giảm lượng khách.
Tuy vậy, doanh nghiệp này cho rằng corona chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ trong việc kinh doanh Doha Phan Xích Long và đây không phải là lý do chính để quán đóng cửa.
Theo đó, giá thuê mặt bằng của tiệm đang bị đội khá cao so với mặt bằng chung trong khu này gây không ít khó khăn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp
Tương tự, chuỗi ẩm thực Food House với nhiều chi nhánh tại TP.HCM và Hà Nội cũng thông báo đóng cửa, tạm dừng hoạt động chi nhánh tại Phan Xích Long và một chi nhánh khác tại Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3), giảm số chi nhánh của chuỗi này tại TP.HCM chỉ còn lại 3 tiệm.
Cũng đường Phan Xích Long, hệ thống Terra Coffee & Tea đã đóng cửa, trả mặt bằng. Đại diện DN này úp mở rằng việc đóng cửa là có "lý do riêng", nhưng thừa nhận dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến lượng khách hàng và doanh thu của quán.
Theo chủ một nhà hàng và một thương hiệu cà phê tại quận 1, DN này "te tua" trong mùa dịch khi lượng khách nội lẫn du khách quốc tế đều sụt giảm, trong đó hệ thống cà phê có thời điểm giảm đến 50% khách hàng.
Đại diện một quỹ đầu tư hiện đang nắm cổ phần tại nhiều thương hiệu ẩm thực cho biết dù được xem là ngành tăng trưởng nhanh nhưng lĩnh vực F&B rất nhạy cảm trước các biến động kinh tế, dịch bệnh. Thống kê của quỹ cho thấy nhiều chuỗi đã "ngấm đòn" thiệt hại khi lượng khách giảm 20-30%, doanh thu tháng 1 giảm 13%, trong tháng 2 đã giảm gấp đôi, lên đến 25%.
Một quán cà phê lớn trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) phải đóng cửa và cho thuê lại mặt bằng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Doanh thu giảm, giá mặt bằng cao
Ông Võ Duy Phú, giám đốc thương mại và marketing The Coffee House - chuỗi cà phê Việt Nam, cho biết dịch COVID-19 khiến kế hoạch tăng tốc mở 100 nhà hàng trong năm 2020 của hệ thống bị gián đoạn. Theo kế hoạch, ngay sau tết, chuỗi sẽ mở thêm nhiều điểm bán, thế nhưng ảnh hưởng của dịch khiến kế hoạch này phải kéo dài sang tháng 5 và những tháng cuối năm.
"Doanh thu của hệ thống sụt giảm khoảng 10%, mức giảm này tương đối thấp nhờ dịch vụ đặt hàng qua app và giao hàng tận nơi tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có những kịch bản khác nhau, trong đó có phương án đóng bớt cửa hàng nếu dịch lan rộng. Rất may tình hình đang sáng sủa lên" - ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, thực tế giá cho thuê mặt bằng đã có dấu hiệu hạ nhiệt từ cuối năm 2019 sau khi tăng cao trước đó. Những đơn vị kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều vẫn đang tìm kiếm các mặt bằng đẹp nhưng muốn chờ tiếp để có mức giá tốt hơn vì nguồn cung đang ngày càng nhiều.
Theo Công ty Savillis, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ trung bình giảm 1% theo năm do nguồn cung mới ngoài trung tâm có giá thuê thấp. Mật độ bán lẻ cao ở khu vực trung tâm và khu đô thị mới khiến các nhà bán lẻ thay đổi cơ cấu khách thuê phù hợp hơn. Dự kiến trong năm 2020 có gần 142.000m2 được khai thác, riêng khu vực trung tâm chiếm 34%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một DN nhượng quyền trong ngành F&B cho rằng một số địa điểm trả mặt bằng đóng ở những vị trí đắc địa nên giá rất đắt đỏ, có nơi lên đến 15.000 USD/tháng. Vị này cho biết để tồn tại trong thời buổi hiện nay, các DN phải có "sức chịu đấm" đủ lớn, đủ năng lực tài chính bởi chỉ cần 2 tháng doanh thu sụt giảm là đã cực kỳ khó khăn.
Đánh giá về ảnh hưởng của COVID-19 đến hoạt động của các chuỗi F&B của DN, vị này cho biết so với thời điểm những ngày sau tết, lượng khách hàng có tăng lên, nhưng lượng tăng vẫn chưa đáng kể và DN vẫn phải kỳ vọng vào những tiến triển tốt trong kiểm soát dịch và sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Trong khi đó, theo anh Hoàng Anh - một người môi giới bất động sản, việc nhiều khách thuê trả mặt bằng hàng loạt thời gian gần đây do tác động nhiều yếu tố. Thực tế, có không ít người đi thuê phải dừng kinh doanh lúc này vì hoạt động kinh doanh không tốt từ trước đó, "tranh thủ" dịch bệnh họ trả luôn mà không bị phạt hợp đồng.
Ngoài ra, giá thuê mặt bằng quá cao so với khả năng chi trả, chỉ cần một tác động nhẹ là DN không cầm cự nổi. "Cũng có thể có nguyên nhân người đi thuê đánh giá sai đối tượng khách hàng nên dù vị trí đẹp nhưng không cạnh tranh được, không có khách dẫn đến phải trả lại mặt bằng" - anh Hoàng Anh nói thêm.
Shop house tại nhiều chung cư cũng ế ẩm
Không chỉ mặt bằng ở mặt tiền những tuyến đường lớn, các mặt bằng trong khu chung cư hay đô thị mới cũng lâm cảnh tương tự. Anh Tình, một cư dân sinh sống ở chung cư Q.2, cho biết từ trước tết đã có một số cửa hàng trong chung cư đóng cửa, chủ yếu là quán cà phê, nhà hàng...
"Và tình hình hiện nay còn thảm nữa, hơn một nửa cửa hàng trong khuôn viên chung cư này đã đóng cửa" - anh Tình cho biết. Tương tự, nhiều shop house trong các khu đô thị mới, chung cư mới cũng đang trả lại mặt bằng vì giá thuê cao trong khi doanh thu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh, khách hàng là người nước ngoài - chủ yếu là người Trung Quốc và Hàn Quốc - vẫn chưa quay trở lại VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận