Những con tàu công suất lớn đóng theo nghị định 67 đang gây nợ nần cho chủ tàu - Ảnh: B.D.
Những ngày cuối năm âm lịch, ngôi nhà của vợ chồng ông Trần Công Chi và bà Lê Thị Tám (ở thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thỉnh thoảng lại có cán bộ ngân hàng cùng cán bộ xã tìm tới để nắm tình hình.
Ba năm từ ngày dốc hết vốn liếng chuyển từ tàu gỗ công suất nhỏ qua tàu vỏ thép 820CV, mỗi chuyến ra biển của ông Chi cùng bạn nghề luôn trĩu nặng những con số.
"Càng ra biển lại càng lỗ"
Ông Chi đưa cho chúng tôi một loạt hồ sơ sổ sách vay nợ con tàu 820CV mang số hiệu Qna-94989 đang phải nằm bờ tại Đà Nẵng rồi nói rằng từ ngày vay ngân hàng đóng tàu, không khí trong gia đình ông nặng nề hẳn.
"Trước đây tôi đầu tư tàu gỗ nhỏ, mỗi chuyến ra biển ít cũng dư được vài chục triệu. Nhưng giờ đây mỗi năm đi 4 chuyến thì chỉ lãi... tiền hỗ trợ dầu. Tính ra từ khi mua tàu tới nay tôi đã lỗ trên 3,5 tỉ đồng, trong đó phần lớn là phí tổn, tiền sửa chữa các hư hỏng con tàu" - ông Chi nói.
Ngoài ra, theo ông Chi, từ ngày ra khơi, tàu gặp sự cố liên tục. Hệ thống bánh lái, ngư cụ trên tàu vận hành rất phức tạp và không hiệu quả khi anh em ra biển đánh bắt. "Mỗi lần như vậy tôi phải quay tàu về, vào trạm sửa chữa và không lần nào số tiền bỏ ra ít hơn 100 triệu đồng" - ông Chi nói.
Cách nhà ông Chi một đoạn, ông Phan Thu - chủ tàu vỏ thép Qna-95997 - cho biết cuối năm 2015 gia đình ông được bàn giao con tàu vỏ thép công suất 822CV, trị giá hơn 12 tỉ đồng. Tuy nhiên chỉ sau ngày hạ thủy, tàu hướng ra biển đánh bắt đã phát sinh rắc rối. Những ngư dân quen với tàu gỗ đã lúng túng trước con tàu hiện đại, các thiết bị trên tàu gặp nhiều trục trặc.
Nhưng bi kịch hơn là không chỉ tàu hư hỏng vặt mà việc đánh bắt cũng không hiệu quả. Ông Thu buộc phải chuyển hướng đánh bắt, đầu tư đánh bắt lươn. Nhưng nghề này cũng không tồn tại được lâu vì tàu to, máy lớn, chi phí nhiên liệu cao, trong khi sản lượng đánh bắt không đủ bù lỗ. Bất lực, ông Thu đành cho tàu nằm bờ.
"Con tàu này tôi được vay 93% với số tiền hơn 10 tỉ đồng. Từ năm 2017 đến giờ tàu không hoạt động được, tàu nằm ở cửa biển như của nợ" - ông Thu chua chát.
Ngân hàng "mắc cạn" cùng ngư dân
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Nam, có 63 tàu cá gồm 24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép và 2 tàu composite tại Quảng Nam được đầu tư đóng mới theo nghị định 67/2014 của Chính phủ.
Tới nay, qua 5 năm, trong tổng số 63 tàu tại Quảng Nam thì có 4 tàu vỏ gỗ đã bị chìm do gặp tai nạn, 2 tàu vỏ thép hư hỏng nặng phải nằm bờ. 57 con tàu hiện tại đang trong tình trạng có hoạt động nhưng đa số là làm ăn cầm chừng, số tàu lâm vào cảnh nợ nần hiện nay tới 50 tàu.
Giám đốc VietinBank Quảng Nam Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết ngân hàng của bà là một trong các ngân hàng thương mại tại Quảng Nam tham gia cho ngư dân vay vốn đóng tàu mới theo nghị định 67.
"Lúc ký hợp đồng với ngư dân, chúng tôi nghĩ rằng đây là nhiệm vụ chính trị, cũng là trách nhiệm của ngành ngân hàng. Hơn nữa, nếu ngư dân vay vốn làm ăn có hiệu quả thì cũng sẽ là kinh nghiệm, kết nối thêm được các đối tác vay vốn mới. Nhưng tới nay không chỉ chưa thu hồi được vốn mà đủ thứ mệt mỏi, rắc rối với khoản cho vay theo nghị định 67" - bà Hạnh nói.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Hà Thạch - giám đốc Agribank tỉnh Quảng Nam - bộc bạch đa số các tàu mà ngân hàng này cho vay vốn theo chương trình 67 cũng đang rất vất vả trong việc thu hồi nợ. Ngư dân nợ nần đầm đìa mà phía ngân hàng cũng có nguy cơ phải đưa các tàu này vào diện nợ xấu. Trong khi đó, BIDV Quảng Nam cũng cho biết toàn bộ 16 tàu mà ngân hàng cho ngư dân vay đóng mới đến nay đều lâm vào nợ xấu, việc thu hồi nợ vô cùng gian nan.
Do tàu hay do... người?
Giám đốc VietinBank Quảng Nam Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng thực tế không chỉ tàu vỏ sắt, mà ngay cả tàu vỏ gỗ cũng đánh bắt không hiệu quả trong thời gian qua. Có những tàu vỏ gỗ công suất lớn, ngư dân giám sát quá trình đóng rất kỹ, hoàn toàn theo ý của chủ tàu nhưng quá trình hoạt động vẫn thành tàu nợ xấu.
Theo bà Hạnh, nguyên do chính của việc tàu 67 làm ăn không như mong muốn là bởi kỹ năng quản trị của ngư dân chưa được trang bị.
"Con tàu như một doanh nghiệp và người chủ tàu chính là giám đốc. Muốn tàu làm ăn được thì giám đốc không chỉ giỏi về chuyên môn mà phải có kỹ năng quản trị tốt, bao gồm cả vận hành chi phí, nhân công, lợi nhuận... Những điều này ngư dân sắm tàu 67 chưa được trang bị" - bà Hạnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận