Cuối năm 2019, chiếc trực thăng cấp cứu của lực lượng không quân Việt Nam lần đầu tiên đáp trên nóc của Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Quân y 175), đánh dấu bước ngoặt trong cấp cứu đường không - Ảnh: QUÂN CHỈNH
Trước đó, cuối năm 2019, chiếc trực thăng cấp cứu của lực lượng không quân Việt Nam lần đầu tiên cũng đã đáp trên nóc của Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Quân y 175).
Dù mới chỉ là chuyến bay thử nghiệm nhưng sự kiện này được xem là thời khắc đánh dấu một bước ngoặt mới trong vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không.
Hàng loạt bệnh viện xây sân bay trực thăng
Khu vực bãi đáp cho trực thăng cứu hộ ra đời, được đặt tại Viện chấn thương chỉnh hình. Bãi đáp này được đầu tư một hệ thống đèn tín hiệu hiện đại giúp phi công nhận diện bãi đáp từ xa; khu vực điều phối; khu tiếp nhận bệnh nhân, chuyển bệnh bằng thang máy từ nóc tòa nhà xuống khu vực cấp cứu hoặc có thể chuyển đến bất cứ khoa phòng nào trong bệnh viện.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cho biết việc đưa vào sử dụng sân bay trực thăng được đánh giá là giải pháp tối ưu hóa cho hoạt động cứu hộ cứu nạn từ biển đảo hoặc các tỉnh thành khu vực phía Nam khi có những tai nạn, sự cố cần cấp cứu.
Suốt bao năm qua, khi có sự cố cần cấp cứu bằng đường không, trực thăng phải đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trước khi chuyển người bệnh lên xe cứu thương vào bệnh viện. Dù cự ly không quá xa nhưng mất rất nhiều thời gian vận chuyển, nhiều lúc kẹt xe… có thể làm chậm trễ "thời gian vàng" cứu sống người bệnh.
"Chuyến bay thử nghiệm ngày 8-11-2019 hứa hẹn mở ra nhiều chuyến bay thẳng, rút ngắn khoảng cách biển đảo - đất liền" - thiếu tướng Sơn nói.
Chia sẻ về một chuyến bay cấp cứu chính thức trong thời gian tới, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết hiện mọi thủ tục cơ bản đã hoàn tất và đơn vị đang trong giai đoạn chờ sự thống nhất giữa Tổng cục Hàng không, Bộ tư lệnh Phòng không không quân, cùng các bộ phận điều hành mặt đất để căn chỉnh, phân tuyến đường bay đảm bảo an toàn.
"Khi được cấp phép, chúng tôi sẽ làm việc với UBND TP.HCM và Sở Y tế TP nhằm xây dựng một trung tâm cấp cứu đa năng với các cơ chế bay phục vụ dịch vụ" - thiếu tướng Sơn khẳng định.
Theo tìm hiểu, ngoài Bệnh viện Quân y 175, còn có hàng loạt bệnh viện đã và đang xây dựng sân bay trực thăng để "đón đầu" xu hướng cấp cứu người bệnh trong tương lai như Bệnh viện Nhân dân 115, Ung bướu cơ sở 2, Nhi Đồng TP, Bệnh viện tim Tâm Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh (Campuchia), Viện Huyết học - truyền máu trung ương, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện Bến Tre cơ sở 2, Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế...
"Đến nay việc thẩm định đã được thực hiện, còn về điểm bay và cấp phép do Bộ Quốc phòng quản lý. Đơn vị đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục cần thiết đảm bảo chặt chẽ để có được các chuyến bay cấp cứu sớm nhất" - bác sĩ Phan Văn Báu, giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, nói.
Sân đáp trực thăng ở Bệnh viện Ung bướu, Q.9, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Không ít chuyên gia trong ngành y tế cũng như hàng không cho rằng khi nền kinh tế phát triển, đời sống người dân nâng cao thì kéo theo đó nhu cầu được hưởng một nền y tế "cao cấp, chất lượng" cũng tăng lên. Và "thời gian vàng" cứu người bệnh là quan trọng nhất nên đã có không ít trường hợp bệnh nhân yêu cầu được cấp cứu bằng máy bay nhưng hiện tất cả các bệnh viện tại Việt Nam chưa đáp ứng được.
Thực tế tại Việt Nam từng có những ca dùng máy bay dịch vụ nhưng là của nước ngoài để đưa người dân đi cấp cứu. Giữa năm 2019, văn phòng đại diện của một tập đoàn y tế nước ngoài ở Hà Nội đã nhận vận chuyển cấp cứu một cặp mẹ con sang Singapore.
Em bé sinh non ở tháng thứ 6 của thai kỳ, là "con quý con hiếm" được thụ tinh trong ống nghiệm. Dù ở Hà Nội đã từng cấp cứu, điều trị thành công bé sơ sinh sinh non ở tuần thai thứ 24, nặng chưa đầy 500gr, nhưng gia đình kể trên vẫn quyết định đưa con đi Singapore.
"Chúng tôi có làm việc với 3 công ty vận chuyển cấp cứu bằng máy bay. Khi nhận một bệnh nhân, chúng tôi sẽ đưa thông tin lên mạng để 3 công ty kể trên xem xét, họ sẽ phản hồi và chúng tôi sẽ chọn. Chi phí vận chuyển bằng chuyên cơ cho hai mẹ con bé sinh non nói trên là 28.000 USD, với các dịch vụ bao gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 2 người nhà đi kèm. Và nếu gia đình muốn đi cùng 3-4 người, thậm chí hơn nữa thì sẽ tính thêm khoản phí" - vị đại diện kể trên cho hay.
Trước đây, tại Việt Nam cũng từng có bệnh nhân được vận chuyển bằng máy bay (tạm gọi là chuyên cơ) nhằm được cấp cứu sớm nhất có thể. Đó là năm 2012, một bệnh nhân bị tai nạn giao thông dẫn đến giập nát một bên chân đã được vận chuyển bằng máy bay (thuê theo chuyến) từ Hà Tĩnh ra Hà Nội. Đây là một trong những ca vận chuyển cấp cứu bằng chuyên cơ khá hi hữu trong nội địa.
Phương thức cấp cứu khi có sự cố bấy lâu nay của Bệnh viện Quân y 175 là trực thăng phải đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trước khi chuyển người bệnh lên xe cứu thương vào bệnh viện. Điều này có thể làm trễ thời gian vàng cứu sống người bệnh - Ảnh: QUÂN CHỈNH
Cần sớm có máy bay cấp cứu
Nói về nhu cầu cấp cứu bằng máy bay, giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang cho biết: "Thỉnh thoảng cũng có bệnh nhân được các bệnh viện nước ngoài hoặc phía chuyên làm dịch vụ vận chuyển bệnh nhân đưa ra nước ngoài bằng máy bay. Những ca bệnh này chủ yếu được đưa sang Thái Lan hoặc Singapore. Và khi đó họ có mời bác sĩ của Việt Đức đi theo chăm sóc y tế cho bệnh nhân…".
Cách đây vài năm, một bệnh nhân là người thân của một chủ doanh nghiệp nổi tiếng ở Ninh Bình cũng cần được vận chuyển từ Bệnh viện K ra nước ngoài. Ông Lê Văn Quảng, giám đốc Bệnh viện K, nhớ lại: khi đó bệnh nhân trên được đưa ra nước ngoài bằng máy bay, nhưng hoàn toàn do phía dịch vụ thực hiện, bệnh viện không hỗ trợ được nhiều do không làm dịch vụ này nên không có kết nối.
Theo ông Quảng, về lâu dài, việc vận chuyển cấp cứu bằng máy bay là nhu cầu có thật. Thời gian qua đã có hàng chục bệnh nhân được vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài. Những bệnh nhân này chủ yếu được máy bay của hai công ty chuyên nhận vận chuyển bệnh nhân đặt ở Thái Lan và Malaysia thực hiện. Đó là chưa kể đến những người bệnh là người nước ngoài đến du lịch hoặc làm việc tại Việt Nam và cần được vận chuyển cấp cứu về nước.
Ông Trần Bình Giang cho biết thêm trong thời gian học tập tại Pháp, ông đã chứng kiến nơi đây thường dùng máy bay cỡ nhỏ, từ 4-16 chỗ ngồi để chuyên chở, cấp cứu bệnh nhân. Ngoài ra, các máy bay này cũng được sử dụng để vận chuyển mô tạng hiến giữa các cơ sở ghép tạng. Việt Nam chưa có loại máy bay nhỏ như trên cũng như dịch vụ này.
Theo ông Giang, việc dùng máy bay để cấp cứu kịp thời là nhu cầu có thật của không ít bệnh nhân. Do đó nếu không tiếp cận và cung cấp dịch vụ bay cấp cứu, thị trường Việt Nam sẽ để trống hoàn toàn trận địa cho các công ty nước ngoài. Bởi thực tế hiện nay, một số bệnh nhân khi có nhu cầu cấp cứu bằng máy bay thì hai công ty chuyên vận chuyển bệnh nhân tại Thái Lan và Malaysia sẽ kết nối và đáp ứng ngay.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh (giám đốc Sở Y tế TP.HCM):
TP.HCM đã có sẵn kế hoạch cho tương lai
TP.HCM đã có sẵn kế hoạch đầu tư cho tương lai với các hệ thống sân bay trực thăng được xây dựng ở Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hiện nay các cơ sở mới xây dựng đều phải có thiết kế sân bay trực thăng.
Trong tương lai gần, việc cấp cứu bằng đường hàng không rất cần thiết trong bối cảnh kẹt xe, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, điều trị các bệnh hiểm nghèo ngày càng tăng cao. Không chỉ phục vụ người dân trong nước, đó còn là tiềm năng lớn trong việc phục vụ cấp cứu có dịch vụ bảo hiểmquốc tế.
Trên thực tế đã có nhiều khách du lịch bị chấn thương nặng cần được cấp cứu nhưng nếu ở Cần Giờ hay Vũng Tàu quá xa, di chuyển lâu, thậm chí kẹt xe là điều không thể di chuyển bằng đường bộ. Việc vận chuyển bằng đường hàng không là biện pháp tối ưu, rất hiệu quả để kịp "thời gian vàng" cứu sống người bệnh. Việc sử dụng máy bay không chỉ vận chuyển con người mà còn giúp vận chuyển cả máu ra đảo nếu cần.
Hữu dụng khi có thảm họa, chiến tranh, đại dịch
Năm 2018, lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh cấp cứu thành công cho một bệnh nhân 62 tuổi, người Campuchia, bị ho ra máu kéo dài suốt hai tháng không khỏi. Và muốn cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân này phải vượt qua đoạn đường khoảng 80km. Để đi xe vượt qua đoạn đường bộ ấy phải mất hơn 2 giờ đồng hồ nhưng vận chuyển trực thăng chỉ mất 15 phút.
Nhằm cứu người, bệnh nhân trên đã được trực thăng vận chuyển đáp trên nóc tầng 4 bệnh viện và nhanh chóng được kíp cấp cứu đưa ngay xuống tầng trệt khoa cấp cứu để tiến hành các bước chẩn đoán và điều trị. Theo bệnh viện, giá thuê máy bay thời điểm đó là 2.500 USD/giờ bay.
Cấp cứu đường không (air ambulance), hay còn gọi là các dịch vụ vận tải y tế đường hàng không (medical air transport), là hệ thống phương tiện sơ tán và vận chuyển người bệnh trong các trường hợp khẩn cấp đang được các nước phát triển trên thế giới sử dụng.
Hiện các nước trên thế giới sử dụng phương tiện cấp cứu đường hàng không có thể là trực thăng hay máy bay được trang bị dụng cụ y tế và các công cụ liên quan. Các phương tiện đó luôn đảm bảo tối ưu hóa việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân cũng như thuận tiện trong khi di chuyển. Hệ thống này bao gồm các chuyên gia y tế có kỹ năng chuyên môn, có khả năng điều trị ngay lập tức với người bệnh cho tới lúc phương tiện cứu thương đến được bệnh viện gần nhất.
Trực thăng cứu hộ ở Anh - Ảnh: Reuters
Các trang thiết bị, dụng cụ y tế thường có trên phương tiện cứu thương đường không gồm máy thở, hệ thống theo dõi sức khỏe người bệnh và máy khử rung tim ngoài tự động (AED). Dịch vụ cứu thương đường không sẽ giúp loại bỏ nguy cơ tắc đường và giúp cứu thương thuận lợi nhất trong các thảm họa tự nhiên, chiến tranh và đại dịch.
Từ báo cáo phân tích về thị trường cấp cứu đường không (air ambulance market) của Hãng nghiên cứu thị trường IMARC Group cho thấy nhu cầu cấp cứu đường không toàn cầu dự kiến hằng năm có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) - khoảng 6% trong giai đoạn 2019-2024.
Trang Marketwatch dẫn kết quả một nghiên cứu mới ước tính quy mô thị trường cung cấp dịch vụ cấp cứu đường không toàn cầu đạt 8,2 tỉ USD vào năm 2026. Cũng theo nghiên cứu này, thị trường các dịch vụ cứu thương đường không toàn cầu được phân khúc dựa trên những yếu tố như kiểu máy bay, kiểu dịch vụ và địa lý.
Bắc Mỹ được ước tính là thị trường dẫn đầu về tốc độ phát triển của dịch vụ cứu thương đường không. Tuy nhiên, theo trang Marketwatch, châu Á - Thái Bình Dương được cho sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng chiếm ưu thế trong giai đoạn sắp tới. Bởi môi trường kinh tế cải thiện và sự phát triển đáng kể của các cơ sở hạ tầng y tế đường không tại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và sự hiện diện của nhiều tập đoàn đa quốc gia trong khu vực này cũng sẽ tạo nên sự tăng trưởng đáng kể của thị trường cứu thương đường không trong tương lai gần.
Mặc dù hứa hẹn rất nhiều tiện ích, song một khía cạnh quan trọng nhất trong việc nhân rộng mô hình dịch vụ cấp cứu đường không, cũng là mối băn khoăn, quan tâm của nhiều người về dịch vụ này, đó là chi phí khá cao. Nói riêng tại Mỹ, theo trang tin Axios, trong khoảng thời gian 2008-2017 giá dịch vụ cho mỗi chuyến cấp cứu đường không đã tăng hơn gấp đôi. Do đó việc sử dụng dịch vụ này cũng đã giảm trong các gói bảo hiểm cho nhân viên mà các chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả.
Theo dữ liệu của Tổ chức Health Care Cost Institute của Mỹ, trong các năm 2008-2017, việc sử dụng cứu thương bằng trực thăng giảm 14,3% ở Mỹ trong khi tỉ lệ sử dụng cứu thương bằng máy bay vẫn giữ nguyên trong cùng giai đoạn.
Cụ thể, giá trung bình một chuyến cứu thương bằng trực thăng tăng từ 11.414 USD năm 2008 lên 27.894 USD năm 2017, tương đương 144%. Trong khi giá một chuyến cứu thương bằng máy bay tăng từ 15.684 USD năm 2008 lên 41.674 USD năm 2017, tương đương 166%. (D.KIM THOA tổng hợp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận