Trong nhiều năm qua Hà Nội đã đưa ra các giải pháp để "cứu" ao hồ nội đô. Có những ao hồ đã được cải thiện như hồ Linh Quang, hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa)... Tuy nhiên thời gian gần đây ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy một số ao hồ trong nội đô lại bị ô nhiễm.
Hằng ngày có rất đông du khách qua lại phố Trấn Vũ, Ngũ Xá, Lạc Chính nhưng dòng nước đen kịt, kèm mỡ và dầu ăn đã qua sử dụng bốc mùi hôi thối từ khu dân cư đổ thẳng ra kênh Ngũ Xá rồi chảy vào hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình)…
Không chỉ hồ Trúc Bạch mà hồ Giảng Võ (quận Ba Đình), hồ Bán Nguyệt (quận Đống Đa), hồ Đầm Hồng (quận Thanh Xuân) cũng đang bị ô nhiễm biến thành ao tù, nơi chứa nước thải.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Đào Trọng Tứ (trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng nguyên nhân dẫn đến một số ao hồ nội đô ô nhiễm phần lớn là do nước thải sinh hoạt. Để cải thiện chất lượng nước ao hồ ở Hà Nội cần phải thu gom nước thải đến nhà máy xử lý.
"Hà Nội hiện nay đã triển khai các giải pháp để làm sạch ao hồ, đặc biệt là những ao hồ lớn. Tuy nhiên theo tôi giải pháp căn cơ vẫn là thu gom nước thải và sau tuyên truyền là mạnh tay xử phạt hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Công việc này cần phải làm ngay và liên tục...", ông Tứ nói.
Hình ảnh ao hồ ô nhiễm:
3.164 ao hồ không được san lấp
Tháng 3-2023, Hà Nội đã phê duyệt danh mục 3.164 hồ ao không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, công khai, tránh tình trạng quy định không rõ ràng.
UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục hồ ao không được san lấp, đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ ao không được san lấp trên địa bàn thành phố. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu cộng đồng dân cư không được tự ý san lấp, lấn chiếm trái phép hồ ao và cần sử dụng đúng mục đích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận