15/03/2022 09:47 GMT+7

Hàng không lặng lẽ trước ngày đón khách quốc tế

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Các doanh nghiệp hàng không từ hãng bay, sân bay, dịch vụ mặt đất... những ngày qua cũng trông ngóng kế hoạch bay quốc tế nhưng đến chiều 14-3 vẫn im ắng những hoạt động đón khách.

Hàng không lặng lẽ trước ngày đón khách quốc tế - Ảnh 1.

Hành khách từ nước ngoài đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM chiều 14-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Minh Đông - giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) - cho biết vẫn chưa thấy "tín hiệu" từ các hãng bay quốc tế khai thác thường lệ đến sân bay này, trừ một vài chuyến bay charter. Theo ông Đông, khách đến Phú Quốc hiện nay chủ yếu là khách nội địa. Mỗi ngày sân bay này đón 42 - 45 chuyến bay, với 10.000 - 15.000 lượt khách. "Một số hãng bay quốc tế có đặt vấn đề khai thác sau 26-3 nhưng đây chỉ mới là dự kiến. Còn tùy thuộc vào quy định mở cửa du lịch, quy định như thế nào vẫn còn rất chung chung nên hãng bay quốc tế vẫn lo chưa có khách", ông Đông nói.

Ngay cả hãng bay quốc tế lớn thứ 2 của Hàn Quốc như Asiana Airlines cũng trong tình trạng "ngó trước, nhìn sau" với các quy định mở cửa du lịch để sẵn sàng đưa khách đến Việt Nam. 

Bà Đặng Thị Thanh Huyền - đại diện Asiana Airlines tại khu vực miền Nam - cho rằng chỉ nghe việc mở cửa đón khách du lịch từ 15-3 trên truyền thông, thực tế hãng vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể xúc tiến các hoạt động đón khách quốc tế đến Việt Nam. 

Hiện nay hãng vẫn duy trì các chuyến bay đến Tân Sơn Nhất (TP.HCM), tuy nhiên khách chủ yếu là khách Việt hồi hương và một số khách Hàn Quốc là doanh nhân, doanh nghiệp đi công tác... Nếu Việt Nam mở cửa, miễn thị thực và miễn cách ly cho khách quốc tế, dự kiến trong tháng 5-2022 sẽ bay lại đường bay đến Phú Quốc.

"Vấn đề bây giờ không phải là hỏi doanh nghiệp chuẩn bị như thế nào. Tôi khẳng định doanh nghiệp chờ mòn mỏi lắm rồi, hô lên một tiếng là mở lại ngay. Nhưng mở ra, khách không có bởi chưa thấy cách làm thống nhất, rõ ràng làm sao mà đón được khách. Việc chậm trễ ban hành chính sách thống nhất về quy định nhập cảnh, y tế... khiến doanh nghiệp cứ ở thế bị động, hỏi tứ phía để xem quy định như thế nào", tổng giám đốc một đơn vị hàng không than.

Các địa phương, doanh nghiệp: "Sốt ruột lắm rồi!"

photo-1

Khách du lịch nước ngoài tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

* Quảng Nam: Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An cho biết hiện nay mọi điều kiện chuẩn bị để đón khách quốc tế trở lại tại hai điểm đến lớn này đã sẵn sàng, chỉ chờ khách tới.

Trung tâm Văn hóa thể thao, truyền thanh truyền hình Hội An cũng cho biết gần như cả phố cổ và cộng đồng doanh nghiệp Hội An đang chờ đợi thời khắc khách quốc tế trở lại. UBND TP Hội An đã chi nhiều kinh phí chỉnh trang đô thị, các chương trình làm ấm lại hoạt động khu phố cổ, dàn dựng các chương trình nghệ thuật mới cũng đã được đầu tư nhưng khách quốc tế chưa thể tới tham quan.

"Nếu mọi việc không như kỳ vọng, khách không thể tới do chính sách của Việt Nam thì chúng tôi sẽ phải đền bù và uy tín bị tổn thương", đại diện một doanh nghiệp lưu trú tại Hội An nói.

Ông Nguyễn Sơn Thủy - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - nói mọi thứ đã sẵn sàng, có tour đã bán, khách đã đặt tiền. "Sau hai năm ngưng trệ, giờ chuyến xe dịch chuyển ngành du lịch đã nổ máy, chúng tôi đã ngồi lên rồi nhưng rất lo lắng lại phải "quay xe" và chắc chắn sẽ mất uy tín".

* Đà Nẵng: Ông Nguyễn Ngọc Anh - giám đốc Công ty du lịch Omega - chia sẻ thời gian qua doanh nghiệp rất nôn nóng, muốn liên hệ với các đối tác để chào bán tour nhưng không dám làm vì phải chờ hướng dẫn đón khách. "Lúc này việc ban hành hướng dẫn chi tiết là rất quan trọng, vì doanh nghiệp đi bán tour mà chưa biết mình sẽ bán cái gì thì đối tác không thể biết mà mua được", ông Anh nói.

Ông Cao Trí Dũng - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cũng chia sẻ các doanh nghiệp Đà Nẵng đã sẵn sàng đón khách quốc tế. Việc đón khách quốc tế trở lại có độ trễ nhất định cho công tác chuẩn bị quảng bá thị trường, chào bán sản phẩm nên cần sớm có hướng dẫn mới.

* Khánh Hòa: Ông Nguyễn Đức Tấn - tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Anex Việt Nam - cho hay hiện chủ trương mở cửa cụ thể cần làm gì, văn bản hướng dẫn ra sao, điều kiện cách ly y tế hay xét nghiệm như thế nào vẫn chưa rõ ràng nên công ty vẫn chưa dám triển khai đón khách trong khi có thể 1 - 2 tháng sau mới có khách đến.

Ông Tấn cũng kiến nghị khôi phục chính sách visa đã có trước năm 2020. Vì nhiều nước đang áp dụng chính sách miễn thị thực như Indonesia miễn visa cho 157 nước, Thái Lan, Singapore, Malaysia đều miễn visa cho hàng chục quốc gia.

Bà Hoàng Thị Phong Thu - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH lữ hành Pegas Misr Việt Nam - cho biết bà có xem đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hoàn toàn đồng ý với các quy định và cần có sự thống nhất chung giữa các bộ, trong đó phải cởi mở các quy định về cách ly, visa.

Ông Trần Minh Đức, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho hay phải công bố quy định mở cửa du lịch sớm vì các doanh nghiệp cần một khoảng thời gian để lên kế hoạch, chương trình đón khách. Đồng thời, việc ban hành sớm sẽ giúp Khánh Hòa đón được nguồn khách vào đúng dịp hè, "mùa du lịch" của địa phương.

* Phú Quốc: Ông Trần Quốc Khánh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang - cho biết hơn 2 năm qua, doanh nghiệp du lịch ở Kiên Giang đã chủ động thích ứng với tình hình mới. Đặc biệt, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 ở Phú Quốc (Kiên Giang) đã thật sự bùng nổ du lịch khi đón đông đúc khách nội địa đến vui chơi, nghỉ dưỡng. Do đó, với thời gian đầu tư, suy nghĩ và làm công tác chuẩn bị, hiện các doanh nghiệp du lịch ở Kiên Giang sẵn sàng đón khách quốc tế.

Ghi nhận tại các địa phương có lượng khách quốc tế lớn trong nhiều năm qua, gần như ai cũng thể hiện sự sốt ruột và lo lắng.

T.B.DŨNG - T.LỰC - M.CHIẾN - C.CÔNG

Các nước Đông Nam Á làm thế nào?

* Indonesia: Theo Hãng tin AFP, đảo Bali của Indonesia thử nghiệm chương trình miễn cách ly với du khách đã tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 kể từ ngày 7-3 và nếu thành công, nước này sẽ mở cửa toàn bộ đất nước và miễn cách ly du khách từ tháng 4. Ngoài tiêm đủ 2 liều vắc xin, du khách phải xuất trình bằng chứng thanh toán tiền phòng khách sạn ít nhất 4 ngày; xét nghiệm PCR tại sân bay và đợi kết quả tại khách sạn. Nếu âm tính, du khách vẫn phải xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3 tính từ lúc nhập cảnh.

Trước đó, Indonesia đã mở cửa biên giới từ tháng 2 nhưng vẫn yêu cầu cách ly. Du khách đã tiêm 3 mũi vắc xin thì cách ly 3 ngày, tiêm 2 mũi cách ly 5 ngày. Quy định này được cho là tốn kém và mất thời gian, làm ảnh hưởng đến du lịch của nước này.

* Malaysia: Mở cửa hoàn toàn từ ngày 1-4, du khách đã tiêm chủng đầy đủ không cần cách ly. Tuy nhiên, du khách vẫn phải xét nghiệm PCR trước khi khởi hành và xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh, đồng thời cài đặt ứng dụng truy vết MySejahtera.

* Thái Lan: Từ đầu tháng 2 Thái Lan đã mở cửa không cần cách ly theo chương trình Test&Go. Du khách sẽ phải làm xét nghiệm PCR tự trả phí vào ngày đầu tiên và thứ 5 sau khi đến cũng như tiền chữa COVID-19 nếu dương tính.

Trong đêm đầu tiên và đêm thứ 5, du khách phải ở trong khách sạn do chính phủ chỉ định. Du khách được quyền đi lại tự do khắp đất nước giữa hai lần xét nghiệm nhưng phải cài đặt ứng dụng truy vết.

MINH KHÔI

Mở cửa du lịch quốc tế: Đến giờ G vẫn chờ hướng dẫn Mở cửa du lịch quốc tế: Đến giờ G vẫn chờ hướng dẫn

TTO - Theo quyết định, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ hôm nay 15-3. Đến hôm qua 14-3, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhận yêu cầu góp ý về chính sách mở cửa cho ngành du lịch và vẫn chưa có một quy định chung, đầy đủ.

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên