30/10/2018 16:18 GMT+7

Hàng không Indonesia bị hành khách chê

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Tình trạng phát triển nóng của hàng không Indonesia đã bị chính người dân nước này phàn nàn. Chính hãng hàng không giá rẻ Lion Air từng bị cấm bay sang Liên minh châu Âu suốt 10 năm và nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Hàng không Indonesia bị hành khách chê - Ảnh 1.

Thân nhân của hành khách trên chuyến bay xấu số JT-610 chờ thông tin về việc vớt xác ở Bệnh viện Bhayangkara R. Said Sukanto tại thủ đô Jakarta ngày 30-10 - Ảnh: REUTERS

Báo USA Today dẫn câu chuyện của một MC truyền hình Indonesia vừa đưa lên mạng xã hội sau tai nạn thảm khốc với chuyến bay JT-610 của Hãng Lion Air.

Người dẫn chương trình truyền hình tên Conchita Caroline kể lại chính câu chuyện của mình trên chuyến bay ngày chủ nhật với cũng Hãng bay Lion Air (JT-610 lâm nạn sáng thứ hai).

Chuyến bay của cô từ Bali về Jakarta đã bị trì hoãn hơn một giờ và đến khi máy bay được kéo ra đường băng thì một lần nữa xảy ra vấn đề kỹ thuật buộc nó phải quay về điểm xuất phát.

Caroline cho biết hành khách như cô phải ngồi trong cabin nóng hầm hập do không có điều hòa không khí trong ít nhất 30 phút giữa những tiếng gầm "bất thường" của động cơ.

Do nhiệt độ bên trong nóng quá mức nên một số trẻ em bị nôn ói. Mãi đến khi hành khách bắt đầu nổi giận thì phi hành đoàn mới chịu để họ rời máy bay.

Sau chừng 30 phút chờ đợi ngay trên đường băng, hành khách được yêu cầu lên máy bay một lần nữa dù động cơ vẫn đang được kiểm tra.

Caroline kể rằng mình đã truy vấn một thành viên phi hành đoàn nhưng anh ta chỉ trả lời dè dặt.

"Anh ta chỉ cho tôi xem giấy phép cất cánh mà anh ấy đã đặt bút ký và nói rằng vấn đề đã được giải quyết", Caroline viết.

"Anh ta đối xử với tôi như thể tôi là hành khách đang quấy rối trong khi tôi chỉ là đại diện đứng ra hỏi chuyện cho những người bạn và những khách du lịch đang lo âu vì không hiểu tiếng Indonesia", người dẫn chương trình truyền hình tỏ ra bực tức.

Hàng không Indonesia bị hành khách chê - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ phân loại vật dụng của hành khách chuyến bay JT-610 vớt được từ biển và đưa về cảng Tanjung Priok ngày 30-10 - Ảnh: REUTERS

Một hành khách khác tên Alon Soetanto kể trên đài TVOne rằng chuyến bay của anh với Lion Air cũng bị giảm độ cao đột ngột vài lần trong vài phút đầu tiên khi mới cất cánh.

"Trong khoảng ba đến tám phút sau khi máy bay cất cánh, tôi cảm thấy như chiếc máy bay đang mất lực và không thể bay cao lên. Điều đó đã xảy ra nhiều lần trong chuyến bay", anh Soetanto nhớ lại. 

Hành khách chúng tôi thấy như đang ngồi trong đoàn tàu lượn siêu tốc ở khu trò chơi cảm giác mạnh. Một số hành khách bắt đầu hoảng sợ và nôn mửa".

Hành khách tên Alon Soetanto

Báo USA Today đã kiểm chứng câu chuyện của Soetanto với dữ liệu từ các trang web theo dõi chuyến bay thì thấy phù hợp với các hiển thị tốc độ, độ cao và hướng thất thường của chuyến bay đó trong vài phút sau khi cất cánh.

Đáng chú ý là mô hình nhồi xóc trong chuyến bay của anh Soetanto cũng khá giống dữ liệu ghi nhận được trong mấy phút đầu của chuyến bay JT-610 thảm khốc sáng 29-10.

Tuy nhiên, các chuyên gia an toàn hàng không cho rằng để tìm hiểu nguyên nhân đích thực của tai nạn với chiếc máy bay của Hãng Lion Air phải phân tích kỹ lưỡng dữ liệu từ các hộp đen mà người ta tin là sẽ sớm tìm kiếm được vì đã xác định được vị trí.

Hàng không Indonesia bị hành khách chê - Ảnh 4.

Giám đốc điều hành Lion Air, ông Edward Sirait họp báo chiều 29-10 tại trung tâm cứu hộ gần Jakarta. Ông xác nhận có xảy ra sự cố kỹ thuật với máy bay gặp nạn nhưng đã được xử lý "đúng quy trình" vào ngày trước đó - Ảnh: REUTERS

Được thành lập năm 1999 bởi anh em nhà Rusdi và Kusnan Kirani, Hãng Lion Air đã bắt đầu hoạt động từ năm 2000 như một hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Indonesia.

Hãng chuyên sử dụng loại máy bay Boeing 737-200 cho các tuyến bay từ Jakarta tới Denpasar - thủ phủ đảo nghỉ dưỡng Bali vốn thu hút rất đông du khách nước ngoài.

Danh tiếng của hãng đã nhanh chóng nổi lên trong lĩnh vực vận tải hàng không nội địa, trở thành hãng hàng không tư nhân giá rẻ lớn nhất Indonesia và lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Hãng AirAsia của Malaysia.

Tuy nhiên, năm 2007, Lion Air là một trong số các hãng hàng không Indonesia bị Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm bay do thiếu an toàn. Hiệu lực thi hành lệnh cấm là 10 năm, và lệnh cấm đã được EU gỡ bỏ năm 2016.

Vụ tai nạn đầu tiên với máy bay của Lion Air xảy ra vào năm 2004, làm 26 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương do thời tiết xấu.

Năm 2013, một trong các máy bay Boeing 737-800 của hãng này đã trượt khỏi đường băng và lao xuống biển khi đáp xuống đảo Bali, khiến nhiều người bị thương.

Ba năm sau đó, hai máy bay chở khách của Lion Air đã rơi cánh quạt khi đang cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta.

Cách đây 6 tháng, một chiếc máy bay của Lion Air cũng đã trượt khỏi đường băng tại sân bay Djalaluddin ở Gorontalo (Indonesia), làm 174 hành khách cùng 7 thành viên phi hành đoàn bị thương.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên