Mỹ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc
Theo báo Nikkei Asia, Trung Quốc có khả năng bị Mexico "soán ngôi" quốc gia xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ trong năm 2023. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006 Trung Quốc đánh mất vị thế, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường đang định hình lại các chuỗi cung ứng.
Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố tuần qua cho thấy hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm hơn 20% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 cùng kỳ năm ngoái. Hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 13,9% tổng số lượng hàng hóa được nhập khẩu vào Mỹ - chiếm tỉ trọng ít nhất kể từ năm 2024.
Trong khi đó, số lượng hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc gần như không thay đổi trong năm 2023.
Xuất khẩu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sang Mỹ trong năm 2023 có giảm, nhưng vẫn đạt mức cao thứ hai từ trước đến nay. Tỉ trọng của hàng hóa ASEAN xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng gấp đôi so với một thập kỷ trước.
Cũng theo Nikkei Asia, Mỹ tăng cường đa dạng hóa bên cung ứng cho các sản phẩm tiêu dùng điện tử thay vì phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như trước.
Ví dụ, điện thoại thông minh từ Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm 10%, trong khi lượng nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gấp 5 lần. Xuất khẩu máy tính xách tay từ Mỹ sang Trung Quốc cũng giảm 30%, nhưng số lượng từ Việt Nam vào Mỹ lại tăng gấp 4 lần.
Chiến lược "friendshoring" của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là động lực khiến xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm.
Washington cũng duy trì các loại thuế lên hàng hóa Trung Quốc lên đến 370 tỉ USD do tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump áp đặt.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lo ngại về tác động của sự suy giảm trong thương mại Mỹ - Trung đối với lạm phát.
Một số nhà phân tích cho rằng việc chuyển sang sản xuất những hàng hóa trước đây được mua với giá rẻ từ Trung Quốc sẽ khiến thị trường lao động trở nên cạnh tranh, đẩy giá cả tăng cao.
Trung Quốc đối phó
Nhiều công ty Trung Quốc cũng đang thay đổi cách kinh doanh với Mỹ để thích ứng với tình hình, một số chọn đầu tư nhiều hơn vào Mexico.
Năm 2022, nhà sản xuất thiết bị điện tử Hisense của Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất tủ lạnh và một số thiết bị khác tại một nhà máy trị giá 260 triệu USD ở Mexico, cung cấp cho thị trường Bắc Mỹ.
Nhà sản xuất ô tô JAC Motors cũng thành lập một nhà máy lắp ráp ở Mexico, trong khi SAIC Motor có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại đây.
Ông Niels Graham, tổ chức nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ), cho rằng hàng nhập khẩu vào Mỹ ngày càng tăng từ các quốc gia như Mexico và Việt Nam là "hàng trung chuyển", không phải là hoạt động sản xuất nội địa mà Washington hy vọng chứng kiến qua chiến lược "friendshoring".
"Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mexico đang tăng lên, cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đặt các xưởng tại đó cho khâu lắp ráp cuối cùng", ông Graham nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận