14/10/2018 08:55 GMT+7

Hàng hóa chịu nhiều áp lực tăng giá

N.BÌNH - NGUYỄN TRÍ
N.BÌNH - NGUYỄN TRÍ

TTO - Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như gas, xăng dầu, điện... đồng loạt tăng đã kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường vào bước điều chỉnh giá mới.

Hàng hóa chịu nhiều áp lực tăng giá - Ảnh 1.

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên quan đến bữa cơm hằng ngày đã điều chỉnh tăng thời gian gần đây. Trong ảnh: người dân mua thịt heo tại chợ Tân Sơn Nhất, Q.Gò Vấp, TP.HCM chiều 13-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Biến động giá diễn ra ngay trong thời điểm doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị hàng hóa tết khiến nhiều doanh nghiệp phải tính toán lại giá bán cũng như kế hoạch dự trữ, bởi giá cả tăng sẽ ảnh hưởng đến sức mua cuối năm.

Giá tăng, sức mua giảm

Giá thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường vừa được Sở Tài chính TP.HCM đồng ý tăng 4.000-5.000 đồng/kg tùy loại từ ngày 11-10. Như vậy chỉ hơn 5 tháng, mặt hàng này trong chương trình bình ổn đã 3 lần điều chỉnh tăng giá, mỗi lần tăng bình quân 1.000-5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, mức tăng này chưa tương xứng với tình hình thực tế, thậm chí các doanh nghiệp còn đề nghị tăng thêm 7.000 đồng/kg tùy mặt hàng. Ngoài thịt heo tươi sống, giá mặt hàng thực phẩm chế biến cũng tăng 4.000 đồng/kg, lên 174.000 đồng/kg đối với giò lụa.

Theo Ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM, giá heo hơi ghi nhận tại thời điểm 27-9 lên tới 53.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg (5%) so với lần điều chỉnh trước đó vào ngày 4-8 và tăng gần 27.000 đồng/kg so với đầu chương trình (ngày 1-4).

Tại các hệ thống siêu thị không thuộc điểm bán hàng bình ổn thị trường như Lotte, AEON..., giá thịt heo đã được điều chỉnh tăng 5.000-11.000 đồng/kg (2-7%) so với đầu tháng 8-2018. Tại các chợ, mặt hàng này cũng tăng 5.000-15.000 đồng/kg tùy loại.

Theo ông Đoàn Diệp Bình - trưởng phòng truyền thông siêu thị Lotte, các nhà cung cấp thịt heo đều muốn tăng giá, nhưng đơn vị cố gắng giữ bình ổn nên giá chỉ tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, theo ông Bình, tầm tháng 11 trở đi khả năng nhiều mặt hàng sẽ tăng giá do áp lực đòi tăng giá từ nhà cung cấp và nhu cầu tiêu thụ cận tết tăng, hàng hóa nhiều loại khan hiếm hơn.

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng Bách hóa Xanh ở TP.HCM, giá các loại thực phẩm tươi sống cũng tăng hơn so với các tháng trước. Theo đó, giá rau dền ngày 13-10 là 16.200 đồng/kg, đậu bắp 20.000 đồng/kg, bạc hà 20.000 đồng/kg, ớt hiểm 40.000 đồng/kg, chanh 16.000 đồng/kg, cần tàu 40.000 đồng/kg, xà lách lo lo 35.000 đồng/kg, xà lách búp mỡ 50.000 đồng/kg...

Chị Hoa - tiểu thương chợ An Khánh, Q.2 - cho biết sức mua mặt hàng thịt tươi sống giảm mạnh hơn một tháng gần đây do giá tăng mạnh cộng với tháng rằm, nhu cầu ăn chay tăng cao. Nhưng ngay cả người mua ăn hằng ngày cũng mua bớt lại, chuyển sang ăn cá hoặc ăn ít thịt hơn trước.

Theo tính toán của các bà nội trợ, không chỉ thịt heo, giá rau củ các loại cũng biến động tăng như các loại rau muống, cải ngọt... khiến chi phí thực phẩm trong gia đình tăng ít nhất 20% so với trước.

Tác động của giá xăng dầu?

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch HĐQT Công ty An Phú - Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết giá nhiều mặt hàng nông sản tại Đà Lạt bán ra đã tăng 50-100% so với 1-2 tháng trước do nguồn cung giảm mạnh. Ngoài thời tiết mưa nhiều, một số loại rau nhà lồng giảm sản lượng do nông dân chuyển đổi sang trồng hoa phục vụ tết.

Theo ông Thành, ngoài chuyện ảnh hưởng xăng dầu, giá thành thực phẩm tươi sống tại TP.HCM tăng mạnh còn do ảnh hưởng của giao thông và vận chuyển từ tổng kho đến phân phối. "Trước đây TP.HCM cấm cửa xe tải từ 6h-8h, nhưng nay thời gian cấm tăng lên tới 9h buộc các doanh nghiệp chở hàng sớm và chia nhỏ lượng hàng ra nên chi phí giao hàng tăng" - ông Thành nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ đầu năm 2018 đến nay giá cám heo và gà hầu hết đều tăng ở mức tối thiểu 10%, khiến chi phí nuôi heo hơi đến khi xuất chuồng tăng 200.000-300.000 đồng/con. Tương tự, giá xăng dầu tăng khiến các dịch vụ vận chuyển đều đòi tăng giá 10-12% so với tháng trước.

"Cước vận chuyển 1 tấn cám tháng trước chỉ 120.000 đồng, nhưng nay nhà xe đòi tăng 150.000 đồng. Tất cả các phí xăng dầu đều tăng khiến phí vận chuyển tăng 10% so với tháng trước và tăng hơn năm ngoái nhiều. Giá thuốc thú y tăng tối thiểu 10% so với 4 tháng trước, có loại vitamin tăng đến 30%" - ông Đoán liệt kê.

Ông Nguyễn Phương Đông, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết sau đợt tăng giá vừa qua, giá xăng dầu sẽ có thêm một đợt điều chỉnh từ ngày 1-1-2019 do thuế bảo vệ môi trường tăng lên 4.000 đồng/lít, điều này sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả nước nói chung và TP.HCM thời gian tới.

Cũng theo ông Đông, cơ quan này đang triển khai đến các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường TP.HCM kế hoạch chuẩn bị hàng tết. Theo đó, nguồn hàng bình ổn của doanh nghiệp sẽ tăng 30-35% so với cùng kỳ 2017. Sở Công thương cũng chủ động làm việc với các hệ thống phân phối xem xét điều chỉnh tỉ lệ chiết khấu đối với các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp ổn định giá bán.

Khó giữ được giá trứng

Trái ngược với diễn biến giá thịt heo, giá trứng gà, vịt trong chương trình bình ổn được điều chỉnh giảm 2.000 đồng/chục, lần lượt còn 26.000 đồng/chục trứng gà, 31.000 đồng/chục trứng vịt.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Ba Huân, giá xăng dầu cùng chi phí công nhân và bảo hiểm đều tăng nên đẩy chi phí giá trứng tăng theo. Trong đó, riêng giá xăng dầu chiếm khoảng 3% trong cấu thành giá sản phẩm. Do đó, giá trứng khó có thể duy trì mà có thể phải điều chỉnh tăng trong những tháng cuối năm, do nhu cầu dùng trứng làm bánh thời điểm đó sẽ nhiều.

Ứng phó khi giá xăng dầu tăng Sửa công thức tính giá xăng dầu Chính phủ chỉ đạo tìm cách kéo giảm giá xăng E5
N.BÌNH - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên