05/02/2013 06:44 GMT+7

Hàng dỏm, hàng lậu tràn ra đường

LÊ SƠN
LÊ SƠN

TT - Cận tết, nhiều mặt hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục công khai tràn ra các chợ, tuyến đường.

Trong khi các cơ quan chức năng thừa nhận “bắt không xuể” thì người tiêu dùng hoang mang khi không thể xác định được hàng thật giả.

AzqZz6YT.jpgPhóng to
Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra một điểm kinh doanh rượu tại Q.Tân Bình (TP.HCM). Rượu bia là mặt hàng được nhập lậu khá nhiều trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: LÊ SƠN

Hàng hết hạn sử dụng vào giỏ quà

Bà Lê Thị Xuyến (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình) mới đây vừa nhận được giỏ quà từ một bạn hàng đã phát hiện trong đó có bịch trà hết hạn sử dụng, mốc xanh. Chưa hết, mở hộp bánh kẹo lớn bà phát hiện trong hộp chỉ còn nửa số lượng. “Tức lắm nhưng là quà tặng nên mình không dám nói với bạn hàng. Thế nên khi đi mua quà biếu tôi chịu mất thêm chút thời gian lựa hàng rồi kêu nhân viên gói lại” - bà Xuyến cho hay.

Ngoài chuyện chọn quà biếu tặng, bà Xuyến cũng rút kinh nghiệm không ham rẻ, ham nhiều: “Thực phẩm tết năm nay gia đình tôi phải khắt khe lựa chọn, hàng đắt hơn một chút nhưng đảm bảo chất lượng, mua mỗi thứ một ít chứ không ham nhiều vừa lãng phí, vừa không đảm bảo sức khỏe”.

Những ngày này tại khu chợ bán sỉ chợ Bình Tây, An Đông, TP.HCM chật kín người mua bán. Tại gian hàng bánh kẹo của bà Minh ở chợ Bình Tây (Q.6) đổ đống các loại bánh kẹo không nhãn mác, trên những bịch lớn các loại thực phẩm khô chỉ ghi tên mặt hàng chứ không hề đề giá, xuất xứ hàng hóa. Bánh kẹo tại đây bán tính theo bịch được chia từ 5-10 kg/bịch, giá từ 150.000-400.000 đồng tùy loại bánh kẹo, lớn nhỏ.

Ngay cạnh đó, sạp bày bán mỹ phẩm cũng chật kín người mua bán, bà Hòa vừa nghe điện thoại vừa hối khách mua hàng mau lẹ: “Anh còn trả giá gì nữa, giá 35.000 đồng/chai là thấp nhất rồi. Loại có tem nhãn nhập khẩu giá phải đến 80.000 đồng đấy”. Chỉ tay vào chai mỹ phẩm tắm trắng White Care, bà Hòa nói thêm bao bì chỉ có vậy thôi, muốn bán đắt hơn thì chịu khó in thêm tem nhãn nhập khẩu dán vào.

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều loại mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm trắng tại đây dù mang nhãn mác nhập khẩu nhưng được nhập lậu hoặc do các đơn vị trong nước sản xuất. Đặc biệt các loại sữa tắm dê White Care, cá ngựa in trên bao bì “made in Thailan” nhưng được các đơn vị trong nước mua hóa chất về tự làm. Nhiều sản phẩm khéo léo hơn khi lách xuất xứ bằng cách ghi “product in Malaysia” để qua mắt cơ quan chức năng. Những sản phẩm mỹ phẩm loại này có đủ loại giá tùy nhu cầu người mua cũng như chất lượng bao bì. Một người trong giới chuyên sản xuất mỹ phẩm giả, nhái cho biết giá sản xuất thường thấp hơn 4-5 lần so với giá bán trên thị trường. Quan trọng nhất là chất lượng vỏ chai, bao bì in ấn sắc nét chứ “ruột” đều có công thức riêng.

Tương tự tại các khu chợ đầu mối, dọc các tuyến đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), khu vực trước cổng Khu công nghiệp Tân Bình dài gần 2km bày bán hàng loạt loại hàng hóa như quần áo, túi xách, vali, mỹ phẩm, dây nịt, ví thời trang... Hàng hóa được đổ đống trên tấm vải bạt với giá bèo. Các loại vali, túi xách thời trang gắn mác các thương hiệu nổi tiếng chỉ có giá từ 80.000-222.000 đồng/chiếc. Những chiếc áo thun được quảng bá “hàng công ty tuồn ra” có giá chỉ 20.000-40.000 đồng/cái.

Anh Hoàng Anh, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình, tặc lưỡi cho biết: “Toàn hàng Trung Quốc cả đấy nhưng giá rẻ quá, hàng lỗi nhiều nhưng nếu chịu khó lựa một chút cũng được dăm ba cái mang về quê làm quà”. Tương tự, một chiếc quần jean tại đây có giá 95.000-130.000 đồng. Anh Hùng, một người chuyên bỏ mối các loại quần jean từ Trung Quốc, cũng phải lắc đầu cho biết: “Giá rẻ thế này hầu hết là hàng lỗi, hàng của tôi lấy từ các đầu nậu số lượng lớn cũng có giá từ 140.000 đồng/chiếc rồi”.

Theo thống kê từ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong tháng 1-2013 đơn vị triển khai hàng trăm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chỉ tính riêng việc kiểm tra của quản lý thị trường trong thời gian một tuần từ ngày 23 đến 30-1-2013, đơn vị tập trung kiểm tra hàng loạt vụ vi phạm về thực phẩm. Trong đó chủ yếu là những vi phạm về thực phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, nhập lậu, không giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm... Đặc biệt phát hiện 13.000 hộp bánh kẹo được nhập khẩu từ nước ngoài đã hết hạn sử dụng. Ngoài ra, hàng loạt sản phẩm thực phẩm khác như nho khô, rau câu, mứt tết... không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bị phát hiện, tiêu hủy lên đến trên 2 tấn.

Tương tự, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.12, TP.HCM mới bắt quả tang cơ sở sản xuất hàng loạt sản phẩm tiêu dùng giả mạo tại P.An Phú Đông, Q.12. Hàng ngàn sản phẩm thành phẩm cùng bao bì các loại của các hãng bột giặt Omo, nước rửa chén Sunlight, bột ngọt Ajinomoto do đơn vị này làm giả đã bị thu giữ chờ xử lý.

Doanh nghiệp gặp khó vì hàng lậu

Ông Hoàng Nhâm Nam, phó trưởng phòng kế hoạch thị trường Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (Đồng Nai), cho hay đây là năm đầu tiên công ty thực hiện in giá lên bao bì. Việc áp dụng chính sách một giá và công khai trên bao bì giúp bình ổn thị trường, tránh tình trạng các cửa hàng, đại lý tự ý tăng giá. Tuy nhiên, hiện nay lượng đường nhập lậu ồ ạt tuồn về khiến việc kinh doanh của công ty chới với.

Theo ông Nam, giá niêm yết trên bao bì của đơn vị áp dụng mức 21.000 đồng/kg nhưng giá đường lậu “nguyên kiện” loại lớn (50kg) giá bán chỉ 13.500 đồng/kg, còn khi được xé lẻ đóng vào bao bì loại nhỏ chỉ có giá khoảng 16.000 đồng/kg. “Công ty đã tính toán sẽ cung ứng khoảng 8.000 tấn đường cho thị trường, sản lượng này phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên khi lượng đường lậu về nhiều, công ty trở tay không kịp nên chật vật ứng phó” - ông Nam bức xúc.

LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên