Ngày 26-1 (mùng 5 Tết), trên tuyến quốc lộ 91 đoạn từ huyện Châu Phú, TP Châu Đốc đến huyện Tịnh Biên, An Giang có hàng ngàn lượt xe nối đuôi nhau đổ về vùng Bảy Núi để tham quan, thưởng ngoạn dịp đầu xuân.
Do lượng xe tăng đột biến đã làm đoạn quốc lộ 91 từ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú đến phường Núi Sam, TP Châu Đốc ách tắc cục bộ, ô tô phải nhích từng chút một.
Đặc biệt là tại đường Châu Thị Tế (sau lưng Miễu Bà chúa xứ Núi Sam), ô tô xếp hàng dài liên tục và nhích từng chút một.
Khu vực chùa Hang (hay còn gọi là chùa Phước Điền), du khách đổ về tấp nập tham quan, cúng viếng nên người dân nơi đây đã tự phát chiếm dụng lòng lề đường thành bãi giữ xe, khiến tắc nghẽn liên tục.
Đang "bắt khách" đi xe lôi, ông Nguyễn Tiểu Long - ngụ phường Châu Phú B, TP Châu Đốc - cho hay Châu Đốc có cả trăm người hành nghề chạy xe lôi ăn nên làm ra dịp Tết. Riêng gia đình ông sống nhờ vào nghề xe đạp lôi của ông hơn 20 năm qua.
"Bình thường, tôi đạp xe lôi được khoảng 200.000 đồng/ngày nhưng vào dịp lễ, Tết như hiện nay có thể kiểm 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày là bình thường. Năm nay lượng khách đông hơn các năm trước. Nhờ khách đông nên anh em tôi cũng sống được", ông Long nói.
Ông Huỳnh Thành Cư - phó giám đốc Ban quản lý khu du lịch quốc gia Núi Sam - cho biết từ ngày 29 Tết đến mùng 3 Tết (25-1), tổng thu là 1,273 tỉ đồng, lượng vé bán ra là 65.050 vé, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong ngày mùng 4 Tết, đơn vị đã bán 40.400 vé cho du khách đi bằng ô tô các loại.
Điều gì khiến du khách đến Phú Yên tết này tăng gấp 10,5 lần tết năm ngoái?
Sáng 26-1, bà Nguyễn Thị Hồng Thái - giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên - cho biết tổng lượt khách du lịch đến tỉnh này dịp Tết Quý Mão 2023 từ ngày 20-1 đến 26-1 (tức 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng) ước đạt 94.920 lượt, tăng gấp 10,5 lần so với cùng thời điểm tết năm ngoái.
Tổng lượt khách lưu trú tại Phú Yên dịp này ước đạt 56.950 lượt khách, gấp 7,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Công suất phòng trung bình khoảng 60%, riêng tại các khách sạn có quy mô lớn công suất phòng vào mùng 3, mùng 4 khoảng 80%.
Theo bà Thái, doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 132,8 tỉ đồng, gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu lưu trú ước đạt 28,4 tỉ đồng, gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho hay di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Dĩa và danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện thu hút rất đông du khách trong những ngày Tết.
Cụ thể, từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, tại di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Dĩa đón 25.660 lượt khách, trong đó có 17.560 khách ngoài tỉnh; còn danh thắng Bãi Môn - Mũi Điện đón 6.547 lượt khách, trong đó có 4.932 khách ngoài tỉnh.
Hơn 144.000 lượt du khách đến Bình Định
Ông Trần Văn Thanh - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định - cho hay tổng lượng khách lưu trú và tham quan đến tỉnh này từ 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão đạt khoảng 144.200 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhờ đó, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 116 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng lượng khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt gần 14.420 lượt khách, khách tham quan tại các khu điểm du lịch lớn khoảng 129.780 lượt, lần lượt tăng 19% và 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tàu cá lao ra biển, ngư dân hừng hực khí thế khơi xa
Quảng Ngãi có đội tàu cá tổng mã lực lớn nhất nhì cả nước, những ngày đầu năm các cảng biển như Sa Kỳ, Sa Huỳnh, Sa Cần… ngư dân tưng bừng mở hội "Ra quân nghề cá" cùng lời thề khai thác, bảo vệ lãnh hải.
Tại cảng Sa Huỳnh sau bài hát hảo trạo hừng hực khí thế biển khơi, những ngư dân ở làng chài Phổ Thạnh, Phổ Châu (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) nổ máy cho tàu thẳng tiến ra biển, bắt đầu năm đánh bắt mới.
Với những người dân làng biển, lễ ra quân đầu năm có ý nghĩa rất lớn. Dưới biển tiếng máy tàu xé sóng lướt đi, trên bờ là tiếng hô cổ động vang rền của bà con, cùng lời chúc đánh đâu thắng đó.
Ngư dân Lê Văn Lực, chủ tàu cá QNg 44071, cho biết khai thuyền đầu năm, các ngư dân cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tàu bè ra khơi được đầy ắp tôm cá.
Đây cũng là dịp để ngư dân Phổ Thạnh có cơ hội được tề tựu đông đủ, khơi dậy khát vọng làm giàu từ biển và ý chí bảo vệ chủ quyền tổ quốc trên biển.
"Chúng tôi lớn lên ở cảng Sa Huỳnh, thức dậy đã nghe tiếng sóng. Lễ ra quân đâu năm, chúng tôi chung lời thề với tiền nhân, với đất nước rằng sẽ bám biển khai thác và khẳng định vùng biển trời tổ quốc", ngư dân Lực nói.
Tại cảng Sa Kỳ, ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết năm nào lễ xuất quân tàu cá đầu năm cũng diễn ra trang nghiêm và xúc động.
Ngư dân ở cảng Sa Kỳ chủ yếu là người Bình Châu, Lý Sơn đánh bắt ở hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
"Bà con ở đây làm lễ đơn giản tạ ơn thủy thần, tổ tiên theo phong tục. Sau đó đại diện ngư dân sẽ đọc lời thề kiên quyết bảo vệ chủ quyền do ngư dân tự soạn, tạm biệt gia đình thẳng tiến ra biển", ông Hùng nói.
Với đội tàu hùng hậu đánh bắt xa bờ, và với số lượng ngư dân nhiều nhất nước đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, những lễ xuất quân của ngư dân Quảng Ngãi ngày đầu năm như lời khẳng định bám ngư trường đánh bắt dù có khó khăn gì cũng không lùi bước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận