14/04/2012 07:33 GMT+7

Hàng chục ghe tang vật chờ... mục

THANH TÚ
THANH TÚ

TT - Nhiều người dân ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) phản ảnh phía trước cửa trụ sở công an huyện có hàng chục chiếc ghe tang vật đang bị phơi nắng phơi mưa.

Hầu hết những chiếc ghe này có giá trị hơn chục triệu đồng/chiếc, nhưng phần lớn đã bị mục nát, hư hỏng nặng.

liFxANxa.jpgPhóng to
Nhiều ghe tang vật nằm phơi nắng phơi mưa như thế này - Ảnh: Thanh Tú

Ông Huỳnh Văn Hiểu, phó Công an huyện Tháp Mười, xác nhận những chiếc ghe trên là tang vật mà công an huyện đã tịch thu trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm trong nhiều vụ án khác nhau. Số ghe này được đem lên bờ để ngành tài chính huyện thẩm định giá, lập hồ sơ bán đấu giá.

Không thể cho xe máy đi chung làn với ôtô qua cầu Sài Gòn

Một bạn đọc phản ảnh việc không cho xe máy đi vào làn đường ôtô trong giờ cao điểm qua cầu Sài Gòn (Q.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dẫn tới quá tải tại làn xe hai bánh. Bạn đọc này đề nghị trong giờ cao điểm sáng và chiều, cơ quan chức năng nên cho phép xe máy được lưu thông tại làn ôtô của cầu Sài Gòn để tránh kẹt xe ở làn xe hai bánh.

Đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết không thể cho phép xe máy lưu thông tại làn ôtô qua cầu Sài Gòn vì hai loại xe này đi chung một làn đường sẽ rất nguy hiểm. UBND TP đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải TP và Công an TP chấn chỉnh tình trạng xe máy đi sang làn ôtô tại cầu Sài Gòn. Mặt khác, nếu cho phép xe máy đi vào làn ôtô trong giờ cao điểm sẽ tạo tiền đề không tốt cho việc chấp hành pháp luật của người dân.

Theo Sở Giao thông vận tải TP, trong trường hợp đặc biệt xảy ra kẹt xe nghiêm trọng tại làn xe hai bánh của cầu Sài Gòn, cảnh sát giao thông tại hiện trường có thể cho phép xe máy lưu thông tạm qua làn ôtô để giải tỏa ùn tắc. Khi đó, cần có lực lượng tạm thời chốt chặn ôtô, cho xe máy lưu thông thành từng đợt để đảm bảo an toàn.

Đường vào cảng Cát Lái thường xuyên kẹt xe

Nhiều tài xế ôtô phản ảnh đường Đồng Văn Cống (tên mới của liên tỉnh lộ 25B, đoạn giao với đại lộ Đông - Tây tới đoạn giao với đường Nguyễn Thị Định, Q.2, TP.HCM) thường xảy ra kẹt xe. Cụ thể, ngày 10-4 kẹt xe kéo dài liên tục từ 12g-16g (hướng lưu thông từ đại lộ Đông - Tây tới cảng Cát Lái). Chiều 11-4 cũng xảy ra ùn ứ ở cả hai hướng lưu thông trên tuyến đường này. Anh Phúc, một tài xế xe container, cho biết: “Đây là tuyến đường quan trọng để vận chuyển hàng ra vào cảng Cát Lái nhưng lại thường xuyên kẹt xe khiến doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn”.

Trung tá Phạm Văn Tuyến, đội phó Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, cho biết đường Đồng Văn Cống đang được thi công mở rộng, một phần mặt đường bị rào chắn nên ôtô chạy qua đây rất khó khăn. Từ đầu tháng 4 này, ôtô từ cảng Cát Lái không được đi qua cầu tạm Mỹ Thủy (nằm kế bên cầu Mỹ Thủy 2) và đường Nguyễn Thị Định nên nhiều xe đổ dồn sang đường Đồng Văn Cống khiến tuyến đường này thường bị kẹt xe.

Thiếu vốn, đường tránh ngập quốc lộ 28 thi công cầm chừng

Nhiều người dân ở hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông phản ảnh việc giao thương hàng hóa, đi lại trong khu vực đã bị chia cắt hoàn toàn kể từ khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước (tháng 9-2010) khiến 15km của tuyến quốc lộ 28 đoạn qua xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh (Lâm Đồng) bị nhấn chìm.

MXjqt9oa.jpgPhóng to
Quốc lộ 28 bị ngập khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn - Ảnh: Quang Sáng

Quốc lộ 28 là tuyến giao thông huyết mạch, rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên, đi qua ba tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông, với tổng chiều dài khoảng 190km. Do đoạn đường bị ngập sâu trong nước nên xe cộ lưu thông, vận chuyển hàng hóa của khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng - Đắk Nông phải đi đường vòng cung qua xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), xa hơn 150km so với đi trên quốc lộ 28.

Theo ông Trương Hữu Hiệp - giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, để thay thế đoạn quốc lộ 28 bị ngập, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho sở làm chủ đầu tư triển khai xây dựng một con đường tránh ngập có chiều dài 15,37km, với tổng vốn đầu tư 476,8 tỉ đồng. Trong đó, vốn bồi thường của Ban quản lý dự án thủy điện 6 (thuộc Tập đoàn Điện lực VN) hơn 347,9 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, do Ban quản lý dự án thủy điện 6 không giải quyết nguồn vốn theo cam kết nên thiếu vốn dẫn đến các đơn vị thi công chỉ triển khai cầm chừng. Hiện nay chưa có câu trả lời chính xác bao giờ con đường tránh ngập này mới được làm xong và đưa vào sử dụng.

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên