Điều gây tò mò là giữa làng quê nhỏ bé, làm sao bảo vệ được hàng cây qua ngần ấy thời gian với nhiều biến động lịch sử?
Dưới tán đại thụ
Hàng cây vút cao hai bên đường vào Khu di tích lịch sử Đền Nưa - Am Tiên thuộc thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Mỗi gốc cây có đường kính cỡ vài người ôm không hết, vỏ xù xì, thân đùn lên từng ụ lớn theo dòng thời gian. Ở quê nhưng cây vẫn được đánh số như giữa phố cổ Hà Nội.
Chúng tôi ghé vào gia đình sống ở gần hàng cây nhất và được nghe đôi vợ chồng già kể: "Chẳng ai dám chặt phá đâu. Bây giờ nó là cây di sản quốc gia rồi, được Nhà nước bảo vệ, không còn là cây của địa phương nữa nên không ai được đụng vào" - ông Lê Khắc Ngoan, 66 tuổi, vừa bế cháu nhỏ vừa kể đầy tự hào.
Từ sân nhà ông Ngoan có thể nhìn ra hàng cây rất gần, những cành lớn vươn lên đan quyện vào nhau một màu xanh mát mắt.
"Hàng cây này từ thời Pháp trồng, tới nay là 100 năm rồi đấy. Pháp sang khai thác mỏ quặng crom ở trong núi, làm kinh tế cả một vùng rồi cho trồng hàng cây này. Đến thời nước ta tiếp quản mỏ quặng, vợ chồng tôi đều làm công nhân trong mỏ, hàng cây vẫn do công ty mỏ quản lý" - ông Ngoan kể thêm thời chiến tranh, máy bay Mỹ thả bom ở khu mỏ này nhiều lắm, may mà hàng cây vẫn lành lặn, xanh tươi. Rồi hòa bình và thời khó khăn, lâm tặc "khát" gỗ nhưng hàng cây đại thụ này vẫn vẹn nguyên.
Bà Đỗ Thị Đảm, vợ ông Ngoan, vừa đẩy xe gạo xay về liền góp chuyện. Bà kể thêm: "Chỉ có mấy cơn bão lớn mới quật ngã được cây, đổ mất vài gốc, tiếc lắm! Ngay trước nhà tôi cũng có cây, bão lớn mấy năm trước đã làm gãy nát rồi. Bão vào, chỉ nhìn ra trông cây".
Di sản một vùng đất học
Trăm năm hàng đại thụ vẫn vút xanh, ông Sơn khẳng định nhận thức bảo vệ cây của người dân là điều quyết định. Theo ông Sơn: "Nhận thức cao là nhờ sự học, đây là vùng đất học có tiếng từ xưa tới nay". Trong các nghiên cứu cho thấy vùng đất Ngàn Nưa có bề dày lịch sử rất lâu đời.
Vùng cổ địa này trải qua các thời kỳ với tên gọi khác nhau như Kẻ Nưa, Cổ Na, Cổ Ninh, Cổ Định, Tân Ninh và nay là thị trấn Nưa. Trong đó, tên làng Cổ Định được nhắc với câu ca: "Văn chương Cổ Định, Cổ Đôi" (Cổ Đôi thuộc Nông Cống, huyện kế bên).
Vùng đất có núi Na huyền thoại, có dòng Lãng giang thơ mộng, nơi lưu bút tích của các vị Nguyễn Dữ, Nguyễn Thượng Hiền, Cao Bá Đạt. Theo thống kê trong sử ký huyện Triệu Sơn, riêng làng Cổ Định có tới 9 ngôi chùa, 20 di tích, trong đó có 2 di tích lịch sử văn hóa quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh.
Ông Lê Văn Sơn, cán bộ phụ trách văn hóa thị trấn Nưa, là một người yêu thích nghiên cứu văn hóa - lịch sử địa phương. Hàng cây di sản cũng do ông lập hồ sơ công nhận. Ông còn làm thơ về cây, xem cây như một báu vật của làng quê:
…"Gió lùa nắng gắt trưa hè
Lá xanh ai kết ô che mát đường
Quê hương biết mấy thân thương
Hàng cây đại thụ, một chương sử vàng"…
Ông Sơn kể hàng loạt tên tuổi với tài năng khoa bảng đã làm rạng danh quê hương như Lê Thân, Lê Bật Tứ, Doãn Bằng Hải, Doãn Đình Tá là trong số 9 đại khoa của làng. Trong đó, một dòng họ có tới 4 người đỗ tiến sĩ là Lê Thân, Lê Duy, Lê Bật Tứ, Lê Nhân Kiệt mà chính sử còn ghi. Đặc biệt, Lê Nhân Kiệt và Lê Bật Tứ được lưu danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ngày nay, vùng đất tiếp tục ghi danh 6 giáo sư đầu ngành, 3 tướng lĩnh quân đội. Mỗi năm có khoảng 70 học sinh đỗ đại học, trong đó nhiều em đỗ thủ khoa.
Bà con luôn tự hào: "Thời xưa có gia đình ba con cùng đỗ tiến sĩ thì ngày nay nhà có ba cha con cùng đỗ đại học". Gia đình ba cha con chính là cán bộ văn hóa xã Lê Văn Sơn. Năm 2015, sau bốn năm học cùng trường, cả hai cha con cùng tốt nghiệp dù ông Sơn đã ở tuổi 50.
Cảm hứng Tết trồng cây
Như nhờ "hồn cốt" hàng đại thụ lan tỏa, Tết trồng cây hằng năm người dân Ngàn Nưa lại gọi nhau tự tay vun xới từng gốc cây cũ, cây mới trồng. Bà Đỗ Thị Đảm chỉ tay ra sau nhà khoe hàng xà cừ đã hơn 5 năm tuổi. Đó chính là "con" của hàng cây di sản "mẹ" đã được bà tìm thấy những hạt mầm mỗi lần ra thăm vườn. "Tôi tin cây sẽ sống khỏe, rồi cây sẽ to như những cây mẹ kia cho mà xem", bà Đảm hào hứng.
Tìm hiểu nguồn gốc hàng đại thụ di sản, ông Sơn cho biết đây là giống xà cừ được người Pháp lấy giống từ châu Phi đưa sang trồng ở đây từ năm 1923 và đã tròn 100 năm tuổi rồi, giờ còn lại đúng 23 cây. Hàng cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận cây di sản vào tháng 6-2022. Các cây có đường kính 1,3m trở lên, chiều cao khoảng 28m, các cây lớn tương đối đều nhau, tỏa tán rất đẹp mắt.
Ông Sơn nhớ kỷ niệm cách nay chừng 10 năm. Một ngày người dân phát hiện bỗng dưng có một cây bị héo khô lá. Nghĩ rằng cây sẽ không thể sống sót nên đã có ý định bán chúng để thợ mộc làm bàn ghế cho học sinh.
Đến ngày đốn hạ, ông Sơn ra sớm nhìn ngắm cây lần cuối như để nói lời từ biệt. Nào ngờ, ông phát hiện những chồi xanh bé xíu nhô ra trên một số cành cây, nên việc đốn hạ bị hủy ngay lập tức. Đại thụ nhờ đó được bảo toàn, hồi phục mạnh mẽ xanh tươi chưa từng thấy...
Người dân đồng lòng bảo vệ
Điều ông Sơn rất vui là tinh thần tự giác bảo vệ hàng đại thụ của mỗi người dân quê. Kỷ niệm mới đây, khi ông đang ở nhà thì một người dân chạy xe máy tới hốt hoảng báo có người đang cưa trên ngọn cây. Ông Sơn vội vã chạy ra, hóa ra người đó thấy cành cây gãy khô nên lấy xuống để khỏi rơi vào đầu người đi đường.
"Người dân chúng tôi rất tự hào về hàng đại thụ di sản, nhất là khi bà con khắp nơi về lễ hội Am Tiên ai cũng hỏi han, chụp hình dưới tán cây. Lãnh đạo nhà nước rồi lãnh đạo các tỉnh về ngang qua đều hỏi bí quyết bảo vệ cây. Có vị còn đem thước đo đường kính cây, chụp hình lưu niệm và trầm trồ khen", ông Sơn kể rồi lại ngâm nga tiếp bài thơ về cây của mình: "Bao năm gần gũi ruộng đồng/ Xà cừ còn, mất vẫn trong lòng người".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận