29/03/2019 20:02 GMT+7

Hàng bình ổn 'nóng' giữa tâm bão dịch tả heo

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường 2019 trên địa bàn TP.HCM đều có kịch bản ứng phó, dự trữ đông lạnh nguồn hàng thịt heo trong bối cảnh người dân chuyển sang thịt mát, thịt lạnh.

Hàng bình ổn nóng giữa tâm bão dịch tả heo - Ảnh 1.

Người tiêu dùng chuyển mua thịt heo mát tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 29-3, tại hội nghị sơ kết chương trình bình ổn thị trường năm 2018 và kế hoạch năm 2019, bà Nguyễn Huỳnh Trang - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết ngoài các doanh nghiệp đã gắn bó với chương trình đã lâu, năm nay TP.HCM có thêm một số đơn vị lần đầu tham gia. 

Trong đó có những doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn, giúp lượng hàng của chương trình bình ổn sẽ dồi dào, phong phú hơn như CP VN với mặt hàng thịt gia súc, trứng gia cầm hay thịt gia cầm Bình Minh, Anh Hoàng Thy có thịt gia súc và Vinamit với mặt hàng rau củ quả tươi, trái cây sấy… 

Năm nay, hội nghị triển khai chương trình bình ổn diễn ra trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, thị trường có sự điều chỉnh sức mua giữa các mặt hàng vì vậy biến động giá cả được các doanh nghiệp quan tâm. 

Hiện nay, dịch bệnh chưa vào TP.HCM nhưng do tâm lý, nhiều người đã bắt đầu chuyển sang ăn thịt gà. "Nguồn thịt gia cầm bình ổn rất dồi dào và hoàn toàn đủ sức cung ứng cho thị trường", bà Trang cho biết.

Theo ông Phạm Thành Kiên, giám đốc Sở Công thương TP.HCM, mức tiêu thụ thịt heo trên địa bàn TP rất lớn, ước tính khoảng 10.000 con/ngày. Nếu so với 70.000 con bị tiêu hủy trên cả nước từ đầu năm đến nay vì dịch bệnh thì dễ thấy ảnh hưởng nguồn cung là không đáng kể.

Tuy vậy, hiện nay sở đã có kế hoạch phòng chống dịch tả heo châu Phi có nguy cơ lan vào phía Nam. Sở đã làm việc với các đơn vị đầu mối cung cấp thịt heo và các doanh nghiệp đều có kế hoạch dự trữ trong trường hợp nguồn heo bị ảnh hưởng bởi dịch lây lan. 

Kế hoạch này cũng bao gồm năng lực tiếp ứng ra thị trường nhanh nhất khi có biến động nguồn cung thị trường. Chẳng hạn, Vissan cũng đã chuẩn bị kho lạnh để giữ trữ được 3.600 tấn heo.

"Nếu dịch lây lan, nguồn thịt nóng sẽ giảm và người dân có xu hướng chuyển sang thịt mát, lạnh. Đó cũng là những sản phẩm an toàn", bà Trang nói. 

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, giám đốc Công ty San Hà Foods, tham gia bình ổn mặt hàng thịt gia cầm, hiện nay sức tiêu thụ các mặt hàng gia súc, gia cầm tăng đột biến. Hàng năm tiêu thụ thịt gà của doanh nghiệp năm tăng trưởng bình quân từ 10-15%, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, khi dịch heo bùng phát, tiêu thụ gà đã tăng lên hơn 30%. 

"Bình quân tiêu thụ khoảng 100 tấn/ngày nhưng giờ đây đã tăng lên 200 tấn/ngày", bà Hà cho biết.

Theo Sở Công thương TP.HCM, tổng số doanh nghiệp tham gia 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2019 là 89 doanh nghiệp, gồm 38 doanh nghiệp tham gia chương trình lương thực, thực phẩm; 11 doanh nghiệp tham gia "Mùa khai giảng"; 4 doanh nghiệp sữa, 14 doanh nghiệp dược, 12 tổ chức tín dụng.

Theo quy định, thời gian triển khai các chương trình bình ổn thị trường năm 2019 cùng Tết Canh Tý 2020 bắt đầu từ ngày 1-4-2019, kết thúc vào ngày 31-3-2020. 

Các doanh nghiệp tham gia phải đảm bảo lượng hàng các tháng cận tết chiếm từ 30% - 40% nhu cầu thị trường. Ngoài ra, đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% - 10% và giữ ổn định giá bán trong thời gian 2 tháng trước, trong, sau Tết Canh Tý 2020, tức 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên