Đây là những vấn đề được đặt ra tại "Hội thảo nhiên liệu hàng không bền vững và giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không" chiều 23-4 tại TP.HCM.
Hội thảo do Công ty Cổ phần Thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (Tapetco) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức.
Thế giới đã bay nhiên liệu sạch, Việt Nam không thể ngoài xu thế
Tại hội thảo, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), có thể giúp cắt giảm tới 80% lượng khí thải carbon so với sử dụng nhiên liệu truyền thống. Thế nhưng, chi phí sản xuất loại nhiên liệu này khá cao nên sẽ là thách thức không nhỏ.
Các hãng bay trên thế giới đã chuyển đổi. Cuối năm ngoái hãng hàng không Virgin Atlantic của Anh đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% SAF.
Trong năm 2024, AirFrance (Pháp) sẽ sử dụng 50% nhiên liệu trộn giữa hóa thạch với SAF cho hãng bay của mình. Ở Đông Nam Á, Singapore đã sử dụng SAF từ năm 2017 và đang tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ.
"Nhìn vào bức tranh quốc tế, chúng ta có thể thấy ngành hàng không thế giới đã, đang chuyển động hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero 2050. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó", ông Thành nói.
Vậy SAF là gì, Việt Nam đối diện những thách thức nào khi chuyển đổi? Ông Trần Trọng Khôi Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Tapetco, giải thích SAF là nhóm các loại nhiên liệu hàng không có thể giảm phát thải carbon, không phải gốc hóa thạch.
SAF thân thiện với môi trường và có khả năng kinh tế, được sản xuất từ các nguồn tài nguyên bền vững như dầu thải (bao gồm dầu ăn đã sử dụng), phụ phẩm nông nghiệp, sinh khối gỗ, rác thải đô thị... Những sinh khối này giúp hấp thụ carbon, qua đó chiết xuất các chuỗi carbon tương ứng, phối trộn với nguyên liệu hàng không hiện tại.
Ông Kelvin Lee, Phó giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) cho biết có 320 hãng bay thuộc IATA , chiếm 83% lưu lượng vận chuyển hàng không toàn cầu đều hướng đến mục tiêu giảm phát thải bằng 0. Tại Việt Nam Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo Airlines cũng đang theo đuổi mục tiêu này.
"Chúng tôi kỳ vọng sản lượng hành khách của ngành hàng không Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi lại bằng giai đoạn trước dịch. Mặc dù dự báo phục hồi ngành hàng không khá tích cực nhưng mục tiêu Net Zero đang có nhiều thách thức", ông Kelvin Lee nhận định.
Chuyển đổi xanh, lo tăng chi phí vé máy bay
Vấn đề hiện nay mức giá SAF hiện khá là cao nên ảnh hưởng vào giá vé bay. Tại phiên thảo luận, ông Maxim Breugelmans, Giám đốc điều hành Betterfuels cho rằng, do giá SAF khá cao nên các bên lập chính sách cần phải có khuyến khích về cơ chế giá vé.
Theo ước tính, nếu một chuyến bay sử dụng 100% nhiên liệu SAF thì giá vé máy bay tăng gần 50% so với giá vé máy bay sử dụng nhiên liệu truyền thống. Do vậy, cần tăng dần tỷ lệ chuyển đổi SAF để hành khách có thể chấp nhận.
Ông Kevin Lee, phó giám đốc IATA, cho rằng Chính phủ mỗi quốc gia và các hãng hàng không cần nỗ lực nâng cao nhận thức cho hành khách để khách hàng của ngành hàng không có sự thấu hiểu và chia sẻ về ý nghĩa của SAF. Đây là phương pháp mà Singapore đã thực hiện trước khi bắt buộc tỷ lệ nhiên liệu SAF.
Ngoài giá cả SAF, hội thảo đã bàn nhiều về xu hướng cũng như các quy định, chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng nhiên liệu đảm bảo hoạt động hàng không. Xu hướng đang thúc đẩy hãng bay xài nhiên liệu sạch, chuyện nhập nhiên liệu SAF, vận hành lưu trữ, tra nạp... tại Việt Nam vẫn còn nhiều quy định chưa cụ thể.
Hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có cơ sở nào sản xuất nguyên liệu SAF 100%.Và để bảo đảm chất lượng SAF, trước hết "các đơn vị thu mua phải mua các nguyên liệu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và khi pha chế cũng phải làm theo tỷ lệ rõ ràng".
Cần một lộ trình tổng thể quốc gia
Ông Nguyễn Phước Thắng - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay các hãng hàng không Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để xin tham gia vào quá trình giảm và bù đắp carbon.
Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với hàng không đã có mốc rõ ràng, đến năm 2050 chuyển đổi 100% nhiên liệu xanh. Ông cũng nhìn nhận thời gian đầu giá thành SAF sẽ cao do nguồn cung hạn chế, khi đại trà giá sẽ rẻ dần. Lộ trình nhiên liệu hàng không bền vững cũng cần được quan tâm, dù rất khó khăn, đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức quốc tế nào hỗ trợ.
"Phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài, không thể ngắn hạn vì cần rất nhiều kinh phí. Thông qua hội thảo, tôi mong các chuyên gia, các tổ chức quốc tế quan tâm đến vấn đề này để phát triển hàng không bền vững, trong đó có hàng không Việt Nam", ông Thắng nêu quan điểm.
Theo ông Kelvin Lee, chính sách về SAF tại các quốc gia trên thế giới có nhiều khác biệt về xu hướng hoạch định chính sách. "Chúng tôi cho rằng cần có sự linh hoạt hơn trong việc đặt ra các mục tiêu SAF quốc gia, tùy thuộc vào năng lực sản xuất SAF của từng nước và khu vực", đại diện IATA nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận