Hàn Quốc: Tham vọng thành trung tâm sản xuất vắc xin châu Á

HỒNG VÂN 07/06/2021 23:00 GMT+7

TTCT - Một trong những chủ đề chính được bàn bạc tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn vừa diễn ra ngày 21-5 ngoài vấn đề Triều Tiên là chuyện quan hệ đối tác vắc xin với Mỹ.

Một công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ống tiêm syringe ở Gunsan, Hàn Quốc.- Ảnh: Reuters

 

Bên lề chuyến công du, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã chứng kiến lễ ký kết của Công ty sinh phẩm dược Samsung Biologics (gọi tắt là Samsung Biologics) và Công ty dược và công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) về việc sản xuất vắc xin COVID-19 của Moderna ngay tại xứ kim chi.

Theo báo Straits Times (Singapore), việc ký kết hợp đồng với Moderna đã bị chính quyền ông Moon “nổ quá lố”. Thực chất, Samsung Biologics, một trong những nhà cung ứng thuốc, sinh phẩm lớn nhất thế giới và là công ty con của Tập đoàn Samsung Group, chỉ ký được hợp đồng “đóng lọ và hoàn thành” sản phẩm với Moderna. 

Nghĩa là vắc xin công nghệ mRNA của Moderna không thực sự sản xuất ở Hàn Quốc mà sẽ được vận chuyển từ Mỹ đến Hàn Quốc để thực hiện khâu cuối cùng là chiết xuất vào lọ, dán nhãn, bỏ hộp để phân phối cho các thị trường ngoài nước Mỹ từ quý 3-2021. 

Tức Samsung Biologics đang gia công vắc xin cho Mỹ mà không được chuyển giao công nghệ ban đầu để sản xuất vắc xin, không có quyền kiểm soát là vắc xin sẽ đi đến đâu.

Dù vậy, nhận định của báo JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) lại cho rằng Chính phủ Hàn Quốc đang từng bước thực hiện tham vọng trở thành trung tâm vắc xin của châu Á bằng một kế hoạch dài hơi, nhắm đến con gà thay vì quả trứng. 

Hiếm có nước châu Á nào đủ năng lực để 3 nhà phát triển vắc xin COVID-19 là AstraZeneca (Anh), Novavax (Mỹ) và Sputnik V (Nga) lựa chọn để sản xuất vắc xin cho mình tại châu Á từ rất sớm. Hàn Quốc cũng mong muốn được cấp phép sản xuất vắc xin với nhiều nhà phát triển vắc xin hơn nữa trên toàn cầu.

Từ tháng 5-2020, Jerome Kim, lãnh đạo Viện Vaccine quốc tế, trụ sở chính ở Hàn Quốc, tự tin dự báo về khả năng trở thành lò sản xuất vắc xin COVID-19 ở châu Á của Hàn Quốc. 

Dự báo này sớm được khẳng định là dựa trên sự sẵn sàng về cơ sở vật chất của các công ty sinh phẩm hàng đầu trong nước như SK Bioscience, Huons Global, Samsung Biologics... 

“Quốc gia của chúng ta tự hào với năng lực sản xuất thuốc y sinh lớn thứ hai trên thế giới, đang được chú ý trở lại như một trung tâm toàn cầu tiềm năng về sản xuất vắc xin”, báo Korea Herald đưa tin ông Moon tự hào phát biểu trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ.

Không những mang về công ăn việc làm, việc tham gia sản xuất vắc xin còn giúp tăng nguồn cung ứng vắc xin trong nước và quốc tế, giúp cái tên Hàn Quốc, với tư cách là một trung tâm sản xuất vắc xin tại châu Á của thế giới, được nhắc đi nhắc lại trên báo chí toàn cầu. Hàn Quốc cũng học hỏi được công nghệ qua các hợp đồng này nếu khéo thương lượng. 

Chẳng hạn, theo Korea Herald, hợp đồng sản xuất với Công ty công nghệ sinh học Novavax bao gồm việc chuyển giao công nghệ, cho phép quản lý các mục tiêu sản xuất hiệu quả và linh hoạt hơn.

Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách thúc đẩy các hợp đồng cấp phép tương tự với nhiều nhà sản xuất vắc xin hơn, nhiều đơn vị trong số đó có trụ sở tại Mỹ. 

Ngoài ra, có 5 công ty Hàn Quốc sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với các loại vắc xin COVID-19 phát triển trong nước vào nửa cuối năm nay.

Đến nay, Hàn Quốc đã đảm bảo được 192 triệu liều vắc xin, đủ tiêm cho gần 100 triệu người, gần gấp đôi dân số của nước này. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu sẽ tiêm cho 70% dân số vào tháng 11-2021.■

Các công ty Việt Nam chưa đáp ứng

Ông Nitin Kapoor, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty AstraZeneca Việt Nam, cho biết trong tương lai, nếu có đơn vị tại Việt Nam có đủ khả năng tham gia sản xuất, cung ứng, AstraZeneca sẽ cân nhắc hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất dược phẩm và có thể cả vắc xin COVID-19.

Theo ông Nitin Kapoor, đầu năm 2020, khi dịch vừa bắt đầu, AstraZeneca đã tìm hiểu các cơ hội triển khai sản xuất vắc xin tại Việt Nam và liên hệ với rất nhiều công ty tại Việt Nam để tìm hiểu khả năng cung ứng của họ. Một trong các tiêu chí cần tìm hiểu kỹ lúc đó là công ty có hệ thống phản ứng sinh học đủ để sản xuất vắc xin cho hàng triệu người trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, thời điểm đó, các công ty được khảo sát tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu này. Vì tình hình cấp bách, công ty quyết định cần ưu tiên tập trung cho việc sản xuất vắc xin tại những nhà máy đã có đầy đủ năng lực và sẵn sàng về mọi tiêu chí...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận