Ảnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS
"Hoạt động khôi phục một phần đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri bị phá hủy ngày 24-5-2018 đã được phát hiện", quân đội Hàn Quốc cho biết vào ngày 11-3.
Hàn Quốc đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giám sát các hoạt động nói trên.
Theo Hãng tin Reuters, Triều Tiên đã không thử bom hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa kể từ năm 2017, nhưng bỏ ngỏ khả năng tiếp tục thử nghiệm khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ bị đình trệ.
Năm 2018, Triều Tiên sử dụng chất nổ để phá hủy lối vào một số đường hầm dưới lòng đất tại Punggye-ri, bãi thử hạt nhân duy nhất được biết đến của nước này.
Ngày 6-3, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói họ đặc biệt chú ý đến Punggye-ri và lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon của Triều Tiên.
Các hình ảnh do vệ tinh thương mại chụp một tuần trước cho thấy dấu hiệu hoạt động tại khu vực này, bao gồm xây dựng công trình mới và sửa chữa một công trình khác.
Các nhà giám sát quốc tế cũng báo cáo rằng lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon dường như đang hoạt động, có khả năng tạo ra nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân.
Ngày 10-3, Lầu Năm Góc cho biết hai vụ phóng gần đây mà Triều Tiên tuyên bố là để thử nghiệm vệ tinh do thám thực chất là những đợt phóng thử mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng có thể sẽ sớm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (đắc cử ngày 10-3) khẳng định sẽ kiên quyết với "hành động vô lý, bất hợp pháp" của Bình Nhưỡng nhưng vẫn để ngỏ đối thoại. Trong quá trình tranh cử, ông Yoon tuyên bố sẽ “dạy cho ông Kim Jong Un một bài học”, đồng thời dọa tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu cần thiết.
Triều Tiên đã tiến hành 9 vụ phóng tên lửa các loại tính từ đầu năm 2022 đến nay, bao gồm tên lửa siêu âm và tên lửa đạn đạo tầm trung. Vụ phóng gần đây nhất diễn ra vào ngày 5-3 để kiểm tra hệ thống thiết bị cho vệ tinh do thám.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận