Một máy bay WC-135W Constant Phoenix của Mỹ. Không quân Mỹ cho biết sẽ dùng máy bay này dò phóng xạ để xác định CHDCND Triều Tiên thử bom hydro hay bom nguyên tử - Ảnh: Reuters |
Tài liệu về quyết định thử hạt nhân lần thứ tư của CHDCND Triều Tiên do Hãng thông tấn KCNA công bố - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, trong cuộc họp báo ở Seoul hôm nay 7-1, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo cảnh báo CHDCND Triều Tiên “sẽ phải trả giá đắt” vì thử hạt nhân.
Ông tiết lộ trong cuộc thảo luận qua điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, hai bên đồng ý xây dựng chiến lược chung ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nguồn tin quân sự tiết lộ Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ triển khai các loại vũ khí chiến lược ở bán đảo Triều Tiên.
Năm 2013, khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, Mỹ đã triển khai máy bay ném bom B-52 tới bán đảo Triều Tiên để cảnh cáo.
Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường xúc tiến các cuộc tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên từng bị CHDCND Triều Tiên lên án dữ dội.
Vẫn chưa rõ Washington đặt lực lượng quân sự ở Hàn Quốc vào tình trạng báo động cao sau vụ thử hạt nhân hay không. Hiện Mỹ đang triển khai gần 24.900 binh sĩ ở Hàn Quốc.
Trừng phạt như thế nào?
Trước mắt, phía Seoul sẽ thực hiện một số biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, ban đầu sẽ bao gồm việc nối lại chiến dịch tuyên truyền chống chế độ CHDCND Triều Tiên qua hệ thống loa phóng thanh ở biên giới. Hàn Quốc ngừng hoạt động này hồi tháng 8-2015 trong thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai nước.
Thông tin từ Liên Hiệp Quốc mới đây cho biết Hội đồng Bảo an LHQ đã đồng ý đưa ra các biện pháp cấm vận mới đối với CHDCND Triều Tiên.
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc, thành viên thường trực HĐBA và là đồng minh duy nhất của CHDCND Triều Tiên, sẽ chấp nhận việc tăng cường cấm vận Bình Nhưỡng đến mức độ nào.
Reuters dẫn lời nhà phân tích Joseph DeThomas, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nhận định Bắc Kinh sẽ ủng hộ trừng phạt CHDCND Triều Tiên nhưng sẽ phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế quá ngặt nghèo. Bởi Bắc Kinh lo ngại nguy cơ chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, vùng đệm giữa nước này với lực lượng quân sự Mỹ ở Hàn Quốc sẽ tan biến.
Bản thân Washington cũng sẽ ngần ngại. Bởi trừng phạt kinh tế quy mô lớn Bình Nhưỡng đồng nghĩa với việc cấm vận hàng loạt công ty và ngân hàng Trung Quốc làm ăn tại CHDCND Triều Tiên. Do quan hệ kinh tế Mỹ - Trung liên kết chặt chẽ, nền kinh tế Mỹ cũng bị sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Hiện chính quyền BÌnh Nhưỡng vẫn chưa có phản ứng chính thức đối với lời đe dọa tăng cường cấm vận của LHQ. Tuy nhiên Hãng thông tấn nhà nước KCNA cảnh cáo: “Lực lượng thù địch càng tìm cách cô lập và cản trở CHDCND Triều Tiên thì sức mạnh phòng vệ hạt nhân của chúng ta sẽ càng mở rộng”.
Sáu lý do
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đánh giá có sáu nguyên nhân thúc đẩy CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân trong thời điểm này.
Thứ nhất, các nhà khoa học CHDCND Triều Tiên phải liên tục thử vũ khí hạt nhân để có thể sản xuất đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lắp vào tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng đã đạt đến trình độ kỹ thuật cần thiết để thực hiện vụ thử hạt nhân này.
Thứ hai, chính quyền CHDCND Triều Tiên luôn cực khó dự đoán. Khi cảm thấy CHDCND Triều Tiên bị cộng đồng quốc tế phớt lờ, họ sẽ có động thái khiêu khích.
Đây là chiêu Bình Nhưỡng vẫn làm để buộc các cường quốc phải quay lại vấn đề CHDCND Triều Tiên, thậm chí đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế để thuyết phục nước này dừng chương trình hạt nhân.
Thứ ba, vụ thử hạt nhân sẽ tăng cường vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trước ngày sinh nhậtt 8-1 của ông và trước đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 5 tới.
Thứ tư, vụ thử hạt nhân là cách Bình Nhưỡng gây sức ép lên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh giảm nhiệt đòi hỏi CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Thứ năm, CHDCND Triều Tiên muốn chứng minh rằng chính sách cô lập và trừng phạt của Mỹ đối với nước này là vô tác dụng.
Và thứ sáu là Bình Nhưỡng muốn tiếp tục phát triển năng lực phòng vệ hạt nhân để ngăn chặn nguy cơ Mỹ tấn công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận