Về mặt lý thuyết, cho đến khi được Mỹ chấp thuận, ông Lee Soo Hyuck mới chính thức trở thành đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ - Ảnh chụp màn hình
Hôm 9-8, ông Lee Soo Hyuck được Tổng thống Moon Jae In chỉ định làm đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ. Hai tuần sau đó, Seoul tuyên bố sẽ không gia hạn Thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự chung với Nhật Bản (GSOMIA).
Quyết định của Hàn Quốc đã khiến Mỹ thất vọng và lên tiếng không hài lòng. Dù là một thỏa thuận song phương giữa Seoul và Tokyo, GSOMIA lại là thành tựu vận động ngoại giao nhiều năm của Washington.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood hồi tuần trước đã thúc giục Hàn Quốc thay đổi lập trường, nhấn mạnh việc gia hạn GSOMIA là hành động không thể thiếu để chống lại các ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.
Trong bối cảnh đó, sự chậm chạp của Mỹ trong việc chấp thuận tân đại sứ Hàn Quốc đã khiến giới chức Seoul lo lắng. Cho Yoon Je, người tiền nhiệm của ông Lee, chỉ mất 43 ngày để nhận được cái gật đầu của Washington.
Báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn các nguồn thạo tin ẩn danh tiết lộ các quan chức ngoại giao ở Seoul đang nghĩ rằng việc chậm chấp thuận ông Lee là cách Mỹ trừng phạt Hàn Quốc vì đã rút khỏi GSOMIA.
Hồi tuần trước, nghị sĩ Oh Shin Hwan đã yêu cầu chính phủ Hàn Quốc giải thích tại sao tiến trình chấp thuận đại sứ Lee lại vô cùng chậm chạp. Ông Oh cũng cho rằng quyết định không gia hạn GSOMIA của Hàn Quốc đã làm tổn thương quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về sự chậm trễ này. Theo Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961, Mỹ có quyền không nêu lý do nếu không chấp nhận đại sứ đề cử.
Một số nhà phân tích không tin Mỹ trừng phạt Hàn Quốc bằng cách trì hoãn chấp thuận đại sứ được đề cử.
Ông Harry Kazianis thuộc Trung tâm An ninh quốc gia Mỹ - một cơ sở nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho rằng nội bộ Mỹ đang có một chút xáo trộn vì cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump. Do đó việc chậm trễ là điều nên được thông cảm.
Trong khi đó, ông Kristine Lee thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới thì suy đoán có lẽ Mỹ đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị cần thiết trước khi chấp thuận đại sứ Hàn Quốc.
"Sẽ có rất nhiều việc quan trọng mà tân đại sứ phải làm, từ vai trò làm trung gian liên lạc cho các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đến các vấn đề liên minh rộng lớn khác. GSOMIA chắc chắn không phải là một lý do để khiến tiến trình chậm chạp", chuyên gia Lee lập luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận