TTCT - Một quốc gia liệu có thể xây dựng chính sách nguồn nước bền vững đồng thời với tiến trình phát triển kinh tế hay không? Có hay không một quốc gia bắt đầu từ chỗ không có một mét cống rãnh nào "trong tay", nhưng chỉ sau nửa thế kỷ đã có thể xử lý được 90% lượng nước thải? Câu trả lời là "có" và đó là Hàn Quốc.Xứ sở kim chi đã có một chiến lược quy mô với tầm nhìn lâu dài cùng quyết tâm và ý chí chính trị nhất quán trong xây dựng hệ thống quản lý nguồn nước. Song song với nỗ lực phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã củng cố và phát triển hệ thống cấp nước lẫn xử lý nước thải, không chỉ đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu của dân chúng mà còn đạt được mục tiêu bền vững về tài chính.Suối Cheonggyecheon (âm Hán Việt: Thanh Khê Xuyên) dài 5,8km chảy qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh: Mark PegrumTừ con số 0 đúng nghĩa, Hàn Quốc đã trở thành mô hình chuẩn được công nhận toàn cầu về hiệu quả hoạt động cũng như năng lực quản lý nước. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2019 cho rằng kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quản lý nước cho thấy nước cần được nhìn nhận là yếu tố thiết yếu không chỉ với đời sống hằng ngày của người dân, mà cả với các hoạt động công nghiệp.Đầu tư từ đâu?Nhìn tổng thể, chính sách nước của Hàn Quốc bắt nguồn từ các dự án phát triển tài nguyên nước toàn diện, khởi đầu với dự án xem xét, đánh giá các lưu vực sông chính từ những năm 1960. Các dự án phát triển toàn diện này bao gồm những đập nước quy mô lớn và dự án kiểm soát nước sông xây dựng từ những năm 1970 và 1980. Khái niệm quản lý tài nguyên nước thân thiện với môi trường ra đời vào những năm 1990 và kể từ năm 2010, chính sách nước của Hàn Quốc đã vượt hẳn khỏi nhu cầu cung cấp và xử lý nước cơ bản để bước lên tầm cao mới: tập trung vào ứng phó biến đổi khí hậu và nâng chất hệ thống quản lý.Báo cáo năm 2016 của Hiệp hội Nước và nước thải Hàn Quốc (KWWA) chỉ rõ cách nước này đã phát triển ngành nước trong giai đoạn nền tảng ban đầu 1960-1980. Với sự hỗ trợ quốc tế từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Hàn Quốc đầu tư quy mô vào hạ tầng nước thải. Họ thành lập các công ty quản lý nước và nước thải đô thị, đào tạo kỹ sư và chuyên gia để tiếp tục vận hành lĩnh vực rất thiết yếu này.Năm 1962, chỉ 18% người dân Hàn Quốc được dùng nước máy (năm 2019, tỉ lệ này ở Việt Nam đang là 52%, số liệu của Tổng cục Thống kê). Khi đó Hàn Quốc thậm chí chưa có một hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước, chứ đừng nói hoạt động thu gom hay xử lý nước thải - tất cả chỉ xuất hiện từ giữa những năm 1970.Tạp chí Ký sinh trùng học Hàn Quốc năm 2006 cho biết vào năm 1971, do chất lượng dịch vụ cấp nước kém và thói quen không rửa tay, hơn 84% mẫu phân kiểm tra đều có trứng giun sán, những loại dễ lây lan, gây các bệnh như suy dinh dưỡng, thiếu máu và bất thường miễn dịch. Đầu những năm 1960, chính quyền Seoul quyết định đưa vấn đề quản lý nước vào chiến lược phát triển kinh tế tổng thể của quốc gia, gắn lĩnh vực này với các vấn đề liên quan như vệ sinh, giáo dục, phát triển nhà ở và chuyển đổi công nghiệp.Chính sách quản lý nước sau đó được điều chỉnh liên tục nhiều lần cả về khuôn khổ pháp lý lẫn phân bổ nguồn tài chính. Chẳng hạn, năm 1965, để giải quyết tình trạng thiếu nước và gián đoạn cấp nước, chính phủ xây dựng Kế hoạch tài nguyên nước quốc gia 20 năm. Kế hoạch này không phải "bất di bất dịch", mà được định kỳ đánh giá để cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thực tiễn. Sau đó lại có thêm những giải pháp về chính sách cũng như tổ chức được thiết lập để giải quyết các vấn đề chất lượng nước, từ đó giúp Hàn Quốc trở thành nước đi đầu thế giới trong việc quản lý nước và nước thải.Cần nhấn mạnh, tất cả những nỗ lực này chủ yếu do khu vực công thực hiện, chứ không hề đòi hỏi tư nhân hóa cấp nước, và trên thực tế tới nay ở Hàn Quốc, cấp nước sạch vẫn là lĩnh vực do nhà nước quản lý là chủ yếu. Vấn đề ở đây là tính độc lập và năng lực của cơ quan thực thi chính sách chứ không phải bản chất công hay tư. Một cơ quan cung cấp và quản lý nước phi lợi nhuận, độc lập và công lập hoàn toàn có thể hoạt động hiệu quả không kém, và thật ra là hơn rất nhiều các cơ sở cấp nước tư nhân hóa vì lợi nhuận.Một nhà máy cấp nước ở Hàn Quốc. Ảnh: KwaterTrái ngọt sau nửa thế kỷHàn Quốc giờ đã có một mạng lưới dịch vụ cấp nước và xử lý nước thải toàn quốc, tình trạng ô nhiễm nguồn nước được kiểm soát, các bệnh tật có nguyên nhân từ nguồn nước ô nhiễm gần như không còn.Dù vậy, có thể thấy quá trình phát triển của ngành nước ở Hàn Quốc không hề dễ dàng. Cuối thập niên 1980, tốc độ đô thị hóa tăng mạnh đã khiến nhiều vùng nước bề mặt và nước ngầm bị ô nhiễm. Phần lớn các con sông đều bị ô nhiễm nước nghiêm trọng. Dịch bệnh phát sinh vì ô nhiễm nguồn nước trở nên phổ biến tới mức chính phủ buộc phải thay đổi tiêu chuẩn chất lượng nước. Từ đầu những năm 1990, một trong những cải cách trọng yếu nhất là chính phủ yêu cầu các công ty phải công bố báo cáo chất lượng nước máy định kỳ hằng năm.Điều này được quy định trong Đạo luật lắp đặt công trình cấp nước và cấp nước Hàn Quốc thời điểm đó. Báo cáo thường niên này phải bao gồm thông tin về nguồn nước, tình trạng ô nhiễm, kết quả kiểm định tiêu chuẩn nước uống, và thông tin liên lạc cụ thể của người chịu trách nhiệm. Kể từ khi thành lập năm 2002, KWWA cũng công bố báo cáo tình hình hoạt động hằng năm của từng đơn vị ngành nước và các kế hoạch liên quan trong thời gian tới.Chính phủ Hàn Quốc đã tiếp tục hỗ trợ tài chính lớn cho ngành nước. Ngoài mức thuế dịch vụ cơ bản duy trì ở mức dưới 2% tổng thu nhập hộ gia đình với những người thuộc nhóm thu nhập thấp nhất, chính phủ tài trợ cho các đơn vị cung cấp nước khoản kinh phí vận hành bằng từ 10-13% tổng chi phí, tùy vào hình thức đầu tư và quy mô của chính quyền sở tại.Ở chiều ngược lại, thông tin về kỹ thuật và tài chính của đơn vị cấp nước được công khai giúp cơ quan quản lý giám sát và xây dựng quy định để đáp ứng các mục tiêu thực tế của ngành.Ảnh: The South Korean HeraldTư nhân đảm nhiệm xử lý nước thảiTrong khi với việc cung cấp nước, trách nhiệm chính là của nhà nước, thì ở lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải, chính phủ giao một phần đáng kể trách nhiệm cho khối tư nhân.Giai đoạn 1998-2008, tổng cộng hơn 800 triệu USD đã được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng 100 nhà máy xử lý nước thải. Xu thế này tiếp diễn tới nay và khoảng 58% các nhà máy xử lý nước thải tại Hàn Quốc hiện do tư nhân sở hữu và vận hành.Theo báo cáo công bố tháng 7-2020 của Đại sứ quán Hà Lan tại Hàn Quốc về "Những giải pháp mới trong quản lý tài nguyên nước ở Hàn Quốc", từ năm 2010 luật về khuyến khích tái sử dụng nước thải như một nguồn tài nguyên nước đã đi vào hiệu lực. Nhờ công nghệ và các giải pháp mới, nước thải giờ được xử lý và cung cấp cho các mục đích sản xuất, cả nông nghiệp lẫn công nghiệp, nhất là trong những mùa hạn nặng.Hiện nay nhiệm vụ đặt ra với Hàn Quốc là duy trì các hệ thống xử lý nước thải đã có, giảm tình trạng thiếu hiệu quả do vượt quá năng lực xử lý và thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực này. Kế hoạch mục tiêu bao gồm giảm tiêu thụ điện trong cấp và xử lý nước ít nhất 50%. Chính phủ cũng muốn hợp nhất các đơn vị quản lý nước theo các lưu vực sông cho tới năm 2030 để tiết kiệm và giảm nhu cầu hỗ trợ tài chính từ ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư.Cũng theo báo cáo của ADB, từ năm 2000 trở đi, chính sách nước của Hàn Quốc không còn tập trung vào phát triển hay mở rộng nữa, mà nhắm tới tăng cường tính hiệu quả và thân thiện với môi trường.■ Lượng mưa phong phú nhưng vẫn thiếu nướcLà quốc gia có lượng mưa phong phú, cao hơn 1,6 lần so với lượng mưa trung bình thế giới, nhưng do dân số đông (hơn 51 triệu người) cư trú trên một diện tích nhỏ (100.363km2), trong đó khoảng 65% là đồi núi, nên thực tế Hàn Quốc vẫn thiếu nước. Hầu hết lượng mưa tập trung trong các tháng mùa hè và hơn 60% lượng mưa hằng năm rơi xuống biển. Người dân Hàn Quốc vẫn có thể sử dụng nước hằng ngày mà không thấy thiếu hụt chính là nhờ chính sách quản trị tài nguyên nước hiệu quả đã tạo được nguồn cung nước ổn định và giá rẻ. Tháng 12-2020, Chính phủ Hàn Quốc thiết lập kế hoạch cơ bản quốc gia thứ hai về tái sử dụng nước để khuyến khích và mở rộng hoạt động này. Kế hoạch bao gồm nhiều dự án, trong đó có các dự án cung cấp nước thải đã xử lý cho các tổ hợp công nghiệp vốn tiêu thụ rất nhiều nước. Chính quyền các địa phương của Hàn Quốc cũng nỗ lực tăng cường tái sử dụng nước. Điển hình như thành phố Suwon đặt ra lộ trình tham vọng với trung tâm xử lý nước thải của họ là tới năm 2025 có thể làm sạch được 325.000m3 nước thải mỗi ngày và cung cấp nước công nghiệp cho các công ty tại Suwon và vùng lân cận. Tags: Phát triển Kinh tếXứ sở kim chiHệ thống cấp nướcXử lý nước thảiThủ đô SeoulTài nguyên nướcPhát triển toàn diệnBiến đổi khí hậuTình trạng thiếu nướcChính phủ Hàn QuốcSử dụng nước
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Thời tiết hôm nay 25-1: Đêm nay không khí lạnh mạnh về Bắc Bộ, Nam Bộ vẫn nắng nóng LÊ PHAN 25/01/2025 Từ đêm nay, Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh rất mạnh, trời chuyển mưa rét. Nam Bộ thời tiết ngày nắng, Trung Bộ nhiều mây.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.