Một khách hàng mua trà đào, thanh toán thông qua ứng dụng ví điện tử tại quầy số 6 trên đường Nguyễn Văn Chiêm, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Mức giao dịch qua của một cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng là một trong những nội dung được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi thông tư 39 về dịch vụ trung gian thanh toán.
Đây là thông tin được ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng (NH) Nhà nước - cho biết tại hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 10-5.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp trung gian thanh toán cho rằng việc đưa ra hạn mức này sẽ kiềm chế sự phát triển của thanh toán điện tử, đồng thời kiến nghị bỏ quy định hạn mức tối đa theo ngày đối với cá nhân.
Sau 5 năm nữa, nếu hạn mức này không phù hợp, chúng ta lại sửa. Hơn nữa, nếu có nhu cầu thanh toán cao hơn số tiền này, người dân có thể sử dụng những phương thức thanh toán khác như thẻ...
Ông Phạm Tiến Dũng (vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước)
Không phù hợp sẽ sửa
Theo bà Trương Cẩm Thanh - chủ tịch HĐQT ZaloPay, việc đặt hạn mức thanh toán theo ngày sẽ khó khăn cho khách hàng. Bởi để thanh toán vé máy bay, mua các dịch vụ khi đi du lịch nước ngoài... số tiền phải thanh toán sẽ lớn hơn con số 20 triệu đồng.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt cũng cho rằng người đứng ra mua vé tàu cho một nhóm sẽ gặp khó khăn. Do đó, chỉ nên giới hạn mức thanh toán cho tháng và mức 100 triệu đồng là phù hợp.
Còn ông Nguyễn Thanh Hưng, chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử, cho rằng thay vì áp hạn mức, phải yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ thông tin của khách hàng.
Chuyên gia NH Cấn Văn Lực cũng cho rằng thu nhập bình quân của người dân có xu hướng tăng. Nếu đưa ra hạn mức giao dịch không quá 100 triệu đồng/tháng sẽ kìm hãm sự phát triển của thanh toán điện tử.
Dù vậy, theo ông Phạm Tiến Dũng, hạn mức thanh toán tối đa 100 triệu/ tháng là rất cần thiết và phù hợp, bởi rất ít cá nhân tiêu hết 100 triệu đồng trong 1 tháng qua ví điện tử. Thống kê của NH Nhà nước cho thấy giá trị giao dịch bình quân thực tế của một ví điện tử là 58.870 đồng/ngày và 1,7 triệu đồng/tháng, số lượng giao dịch cũng rất khiêm tốn.
"Nếu áp dụng mức 100 triệu đồng/tháng, có nghĩa đã tăng hơn 500% so với mức thực tế hiện nay. Nên hạn mức này là phù hợp. Sau 5 năm nữa, nếu hạn mức này không phù hợp, chúng ta lại sửa. Hơn nữa, nếu có nhu cầu thanh toán cao hơn số tiền này, người dân có thể sử dụng những phương thức thanh toán khác như thẻ..." - ông Dũng nói.
Ví điện tử, không thể lơ là an toàn
Cũng theo NH Nhà nước, tới đây sẽ có các quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát hoạt động thanh toán qua ví điện tử. Theo đó, ngoài cơ chế xác thực thông tin khách hàng được siết chặt, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử cũng chỉ được phép phát hành một ví điện tử cho một khách hàng.
Đặc biệt, các đơn vị trung gian thanh toán phải áp dụng nhiều biện pháp xác thực cần thiết như gặp mặt trực tiếp khách hàng hoặc các biện pháp gián tiếp nếu nghi ngờ khách hàng sử dụng các số điện thoại, tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ khác nhau để đăng ký mở quá một ví tại tổ chức của mình.
"Với việc áp dụng cơ chế xác thực này, về lý thuyết, những món tiền được lấy cắp do chiếm đoạt tài khoản, mã OTP, lừa đảo người sử dụng qua website rồi chuyển tiền từ NH vào ví điện tử sẽ dễ dàng bị phát hiện và thu hồi, bởi ví điện tử đã được định danh bằng tài khoản NH" - ông Dũng khẳng định.
Cũng theo ông Dũng, một nguyên tắc mà NH Nhà nước quán triệt là số dư của ví phải luôn đảm bảo ở NH, đồng thời đề nghị các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử nên rà soát kiểm tra các đơn vị chấp nhận thanh toán. Không thể để các đơn vị chấp nhận thanh toán không có hàng hóa dịch vụ nhưng vẫn nhận tiền, hoặc các đơn vị chấp nhận thanh toán có bán hàng hóa dịch vụ mà không xuất hóa đơn.
Riêng với Mobile Money, ví điện tử dựa trên nền tảng xác thực của các đơn vị viễn thông, thay vì dựa trên tài khoản NH, theo ông Dũng, NH Nhà nước dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng cho phép làm thí điểm, trong đó đòi hỏi phải có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là quy định về xác thực thông tin.
Một ngày không tiền mặt, bạn đã thử chưa?
Mời bạn đọc tham gia viết bài diễn đàn Không xài tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Mỗi bài viết giới hạn tầm 800 đến 1.000 từ, gửi về email [email protected].
Một người có thể tham gia nhiều bài khác nhau, trên tiêu đề xin ghi rõ: Bài tham dự diễn đàn Không xài tiền mặt.
Độc giả vui lòng cho biết các thông tin: email, điện thoại liên hệ, số tài khoản ngân hàng để ban tổ chức tiện liên hệ.
Thời gian nhận bài từ ngày 8-5 đến hết ngày 8-6-2019.
Tác giả bài viết hay nhất (do ban tổ chức chọn) sẽ nhận được quà tặng hấp dẫn là một chiếc điện thoại Huawei P30 Pro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận