Bên cạnh đó, mặn cũng đang xâm nhập sâu vào nội đồng, gây thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô.
Phóng to |
Anh Thạch Khel (41 tuổi, ấp Thanh Liêm, xã Đại Ân, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đứng ngồi không yên vì ruộng khô hạn, trong khi đàn vịt hơn 200 con cũng không còn nơi sống - Ảnh: Tấn Đức |
Tại Hậu Giang, ngành nông nghiệp địa phương cho biết mặn đã bắt đầu xâm nhập ở một số xã tiếp giáp với sông Cái Lớn từ biển Tây đổ vào TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ với nồng độ mặn 3‰. Theo ông Lê Phước Đại - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, nước mặn xâm nhập sâu vào các tuyến kênh ở các xã Lương Tâm, Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ); cống Kênh Lầu, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), độ mặn đo được từ 2,2-3,1‰, gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa của nông dân. Theo dự báo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, đến trung tuần tháng 3 nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng, có 6.000ha đất sản xuất của một số xã thuộc huyện Long Mỹ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, khô hạn cũng đe dọa nhiều cánh đồng lúa vụ hè thu ở huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang. Ông Nguyễn Thế Tự, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết hệ thống thủy lợi và máy bơm không đủ cung cấp nước cho vụ hè thu. Vụ hè thu năm nay toàn huyện có khoảng 6.000ha lúa bị thiếu nước tưới thuộc xã Tân Bình, Hòa An, Thạnh Hòa và Bình Thành.
Còn tại Sóc Trăng, theo ông Tạ Văn Chánh - phó chủ tịch UBND huyện Trần Đề, dù được khuyến cáo mùa khô năm nay mặn đến sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng, nhưng nông dân các xã Tài Văn, Đại Ân 2, Liêu Tú và Viên Bình vẫn xuống giống trồng lúa xuân hè khoảng 1.900ha. Khi lúa được 50-60 ngày tuổi, hầu hết nguồn nước kênh ở các địa phương này bị nhiễm mặn, không thể bơm tưới nên có 532ha lúa chết khô. “Đối với diện tích lúa đang bị ảnh hưởng, có nguy cơ không còn khả năng cứu, chúng tôi khuyến cáo bà con nên ngưng chăm sóc để giảm thiệt hại” - ông Chánh cho biết.
Theo ông Quách Văn Nam - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, dự báo mặn cao nhất năm 2013 diễn ra cuối tháng 3 tại Đại Ngãi (Long Phú) là 13%o, cao hơn gần 4,6%o so với năm 2012. Tỉnh đã phải đề ra nhiều biện pháp cấp bách cứu khoảng 56.000ha lúa xuân hè.
Theo ông Thái Đức Thông - phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Sóc Trăng), hệ thống thủy lợi nhiều tỉnh ở ĐBSCL chưa hoàn chỉnh, gây khó khăn cho việc trồng lúa và sản xuất các loại rau màu khác. Một nghịch lý lâu nay là nhiều địa phương khuyến cáo hoặc cấm sản xuất lúa vụ 3 do lo ngại nhiễm mặn, nhưng nếu không trồng lúa thì nông dân sẽ trồng cây gì trong ba tháng nông nhàn. Giải pháp chính ở đây là giải quyết tận gốc hệ thống thủy lợi, có nước ngọt quanh năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận