Han kang, một sự tầm tầm đoạt Nobel Văn chương

ZÉT NGUYỄN 24/10/2024 09:49 GMT+7

TTCT - Sẽ luôn luôn có những lựa chọn tốt hơn Han Kang của năm nay, cũng như luôn có thể có lựa chọn tốt hơn cho mọi năm...

"Với tôi, sự cạnh tranh, ganh đua và đối đầu là những khái niệm xa lạ với việc viết lách và sáng tạo" - khi được trao giải Goncourt cho tiểu thuyết đầu tay (Prix Goncourt du premier roman) vào năm 2016 (cho cuốn De nos frères blessés - Về những anh em bị thương tổn của tôi), nhà văn Pháp Joseph Andras đã viết thư cho Viện hàn lâm Goncourt để từ chối, bởi: "Văn chương như tôi hiểu với tư cách là một độc giả và giờ đây là một tác giả, luôn cẩn thận giám sát sự độc lập của nó và bước xa những bục trao giải, những vinh quang và đèn sân khấu".

Han kang, một sự tầm tầm đoạt Nobel Văn chương - Ảnh 1.

Han Kang

Nhiều người đọc thư xong chắc cũng rúng động tâm can, ngưỡng mộ hướng về một lý tưởng văn chương tránh xa những thứ giải thưởng - bả vinh hoa phù phiếm có tác dụng đẩy tên tuổi tác giả hơn bất cứ thành tựu nào. Nhưng cũng trong chính những độc giả say mê lý tưởng ấy hằng năm cứ vào cuối thu khi Viện hàn lâm Thụy Điển livestream kết quả Nobel văn chương lại vẫn có người ngóng xem ai sẽ được xướng tên.

Cũng không có gì quá mâu thuẫn trong hai cách hành xử này: giữa một thời đại sách vở tràn ngập trên thị trường không khác gì thời trang nhanh, các loại giải mọc lên như nấm, các bài phê bình sách tử tế bị biến mất dần, thay vào đó là những dòng tóm tắt dớ dẩn, khiến độc giả thời nay phải loay hoay trong một mê cung sản phẩm sách vở, thì giải Nobel văn chương vẫn là thứ giúp ta bám víu vào chút đỉnh: một nhà văn xứng đáng được Nobel hẳn phải là một nhà văn tầm cỡ, bất chấp lời hướng dẫn vô cùng mông lung trong di chúc Alfred Nobel để lại mà các thế hệ sau vẫn chật vật tìm cách giải mã: giải thưởng dành cho tác giả trong lĩnh vực văn chương đã tạo ra "tác phẩm xuất sắc nhất theo hướng lý tưởng".

Chiều tối 10-10 vừa qua, cả Hàn Quốc đê mê khi sau bao năm quần quật đem chuông tác giả Hàn đi đánh xứ người, một nhà văn nữ Hàn Quốc đã được gọi tên: Han Kang.

Hành trình đoạt Nobel của nữ nhà văn châu Á đầu tiên này cũng khá chóng vánh: năm 2015, cuốn tiểu thuyết Người ăn chay của bà mới lần đầu được dịch sang tiếng Anh ở một thương hiệu sách độc lập giờ đây đã không còn tồn tại. 

Chỉ trong vòng chưa đến chục năm, Han Kang đã lần lượt giành được nhiều giải thưởng danh tiếng, từ Man Booker quốc tế đến giải Malaparte, rồi Prix Médicis étranger. Các cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất và gần đây nhất của bà được dịch sang các ngôn ngữ phổ dụng: Human Acts (Bản chất của người), The White Book (Trắng), Greek Lessons (Bài học tiếng Hy Lạp), We Do Not Part (Không nói lời tạm biệt).

Viện dịch thuật Hàn Quốc (LTI) thành lập từ năm 1996 để thúc đẩy và quảng bá văn học Hàn Quốc ra nước ngoài và gần 30 năm sau đất nước này mới ăn quả ngọt, một thành quả có được nhờ vào công sức từ rất nhiều phía khác nhau, mà trong đó công to nhất là của Deborah Smith, một dịch giả đã đưa Han Kang vào thị trường văn chương lớn nhất thế giới: Anh ngữ. 

Nữ dịch giả của Người ăn chay, Bài học tiếng Hy Lạp, Bản chất của người, Trắng đã chứng tỏ rằng người dịch không chỉ là kẻ làm thuê dịch mướn, mà còn có thể trở thành người thay đổi số phận của một tác giả, người định vị xu hướng văn hóa, nhờ sự trợ giúp của những nhà xuất bản độc lập nhỏ.

Hai ngày sau Nobel, riêng ở Hàn Quốc, sách của Han Kang bán được nửa triệu bản. Phải sau khi Người ăn chay được Man Booker quốc tế vào năm 2016, Han Kang mới biết đến khái niệm "danh tiếng", và mới biết thế nào là chạy trốn đèn sân khấu, ngay tại đất nước của bà. Bà từng nằm trong danh sách đen những nghệ sĩ công kích chính quyền trong giai đoạn Park Geun-hye làm tổng thống. 

Trao Nobel cho Han Kang, chứ không phải cho Ko Un, một nhà thơ nam lão thành từ lâu đã thành tượng đài được tôn sùng của văn chương Hàn nhưng cũng là một nhân vật đầy vết ố với những cáo buộc quấy rối tình dục, là một động thái được rất nhiều người diễn giải như một lời tuyên bố ủng hộ nhiệt thành dành cho nhà văn nữ coi việc viết lách như "một hình thức bất đồng chính kiến và kháng cự".

Liệu có nên đặt Han Kang vào giữa bối cảnh bạo lực về giới và bất bình đẳng về giới đang diễn ra tràn lan ở Hàn Quốc, với những phòng chat khét tiếng trên Telegram lưu truyền hình ảnh và clip của phụ nữ, hay những cuộc tấn công vào phong trào nữ quyền và những tác phẩm nữ quyền như cuốn Kim Ji Young, sinh năm 1982 chăng? Hay nên đọc Han Kang như một người viết muốn dựng lại những trang lịch sử đen tối mà Chính phủ Hàn Quốc ngần ngại không muốn công nhận?

Han kang, một sự tầm tầm đoạt Nobel Văn chương - Ảnh 2.

Tác phẩm nổi tiếng nhất làm nên tên tuổi của Han Kang trên văn đàn thế giới là Người ăn chay, cách đây không lâu được lọt vào danh sách 100 tác phẩm xuất sắc nhất thế kỷ 21 do tờ The New York Times công bố. 

Người ăn chay được chia làm ba phần gồm ba truyện vừa là "Người ăn chay", "Vết chàm Mongolia" và "Cây pháo hoa", có thể đọc một cách độc lập mà cũng có thể đọc trong kết nối với nhau nhờ nhân vật phụ nữ khá đặc biệt có tên Yeong-hye đột nhiên một ngày từ chối ăn thịt.

Đề tài vốn được Han Kang đặc biệt quan tâm được thể hiện rất rõ trong tác phẩm này: bạo lực và nhân loại. Han Kang xây dựng một thế giới có những nét quái dị mà không phải độc giả nào cũng hiểu hết được: nhân vật nữ, nằm dưới sự áp chế của xã hội gia trưởng với hạt nhân gia đình là những người đàn ông độc đoán, dần bộc lộ nhiều dấu hiệu bất ổn và cuối cùng bị đưa vào bệnh viện tâm thần, từ chối ăn uống và nghĩ mình là một cái cây.

Qua ba câu chuyện kể từ ba góc nhìn khác nhau: người chồng của Yeong-hye, người chồng của chị gái Yeong-hye, và chị gái Yeong-hye, với truyện đầu có cả những đoạn in nghiêng là lời độc thoại nội tâm của chính Yeong-hye, độc giả có đủ thông tin để lắp ghép lại cuộc đời của người phụ nữ gặp phải những chấn thương từ bé và "cái nỗ lực cực đoan quay lưng lại với bạo lực bằng cách từ bỏ cơ thể con người của chính mình và biến thành một cái cây cho thấy một nỗi tuyệt vọng sâu sắc và sự nghi ngờ với nhân loại", như chính lời tác giả trong một cuộc phỏng vấn.

Tuy vậy, lẩn khuất trong cách xây dựng dòng tự sự và cả ngôn ngữ của Người ăn chay là ít nhiều yếu tố kịch mê lô làm suy giảm tương đối sự độc đáo của tác phẩm. Ẩn dụ về một xã hội với người chồng, người cha liên tục gây ra bạo lực với người nữ và những xâm hại, những tấn công, những chà đạp lên thân thể người nữ ở rất nhiều trường đoạn được viết một cách đầy lên gân và lộ liễu, khiến người đọc không khỏi cảm thấy thiếu vắng một sự quyết liệt từ người viết để triệt để chối bỏ sự làm quá.

Ẩn dụ lộ liễu áp lên một cấu trúc gá tạm lại được Han Kang dùng tiếp cho cuốn tiểu thuyết Những bài học Hy Lạp nơi một thầy giáo dần mất đi thị lực tìm thấy sự đồng cảm và đồng điệu với một phụ nữ trải qua những bi kịch cá nhân khi mất mẹ và mất quyền nuôi con, mất đi tiếng nói của mình: sự cô độc và mất mát của họ được kể rành rẽ trong những chương độc lập dưới góc nhìn của hai nhân vật nam nữ. Cuốn tiểu thuyết ngắn ngủi mà đầy mục đích tượng trưng này khó lòng có thể được coi là một thành công của Han Kang.

Đề tài bạo lực và chấn thương lịch sử tiếp tục được khai thác trong cuốn tiểu thuyết có thể coi thành tựu lớn nhất Han Kang, Bản chất của người. Thế kỷ 20, quả như lời Han Kang nói, "để lại những vết thương sâu hoắm không chỉ cho Hàn Quốc mà cho cả nhân loại". 

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn hòa bình, Han Kang có được tự do để đi sâu khám phá cái thế giới bên trong của con người: bạo lực và phẩm giá của con người khi bị chà đạp. Bản chất của người kể về phong trào dân chủ Gwangju, một cuộc nổi dậy bị quân đội đàn áp dã man dẫn đến cuộc thảm sát lên tới cả nghìn người vào ngày 18-5-1980. 

Vẫn chọn kỹ thuật trần thuật tương tự như Người ăn chay, tức nhân vật chính là cậu bé Kang Dong-ho được nhìn qua lăng kính của một loạt nhân vật khác, Han Kang muốn độc giả buộc phải "gom các mảnh trong những giờ phút cuối cùng trong đời của Dong-ho lại" mà nhìn thấy một sự thật không hoàn hảo.

Sự độc đáo và thành công nhất của Han Kang ở tác phẩm này chính là việc dùng ngôi trần thuật thứ hai "bạn" mà Han Kang giải thích: "Ngôi thứ hai 'bạn' là cá nhân duy nhất được một 'tôi' hướng tới, người khác với người kể chuyện ngôi thứ ba. 

Thông qua hành động gọi này, 'bạn' xuất hiện trong thời gian và không gian mà 'tôi' đang tồn tại". Không chỉ nhân vật Dong-ho được dựng mồ cho sống lại mà cả những người đã từng đi qua những trải nghiệm kinh hoàng thời điểm ấy cũng được tái hiện: một cái lăng kính bạo lực lia quanh và ta nhìn thấy rất nhiều lát cắt mà nó gây ra.

Bản chất của người là một đỉnh cao và từ đó, các tác phẩm khác bắt đầu lao xuống dốc: cả Trắng lẫn Không nói lời tạm biệt của Han Kang đều để lại khá nhiều nuối tiếc. "Văn xuôi đậm chất thơ đương đầu với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mỏng manh của đời người" như lời tụng ca của Viện hàn lâm Thụy Điển dành cho Han Kang gần như không thể tìm thấy được ở Trắng, dù có lẽ nó được viết với mục đích để khiến cho độc giả phải thốt lên "tôi rất thơ". 

Một cuộc sách chiêm nghiệm các sắc thái của màu trắng, mà nguồn gốc là từ cái chết của người chị gái, qua rất nhiều đoạn văn ngắn, chỉ khiến độc giả ngẩn ngơ vì mải đi tìm thơ mà chẳng thấy thơ, và bị một câu hỏi làm phiền: hẳn tác giả đang rất muốn nói gì đó với những nỗi đau ở đây, mà ngôn ngữ của bà hoàn toàn bị trôi tuột đi trong quá trình đó.


Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Han Kang, mất 7 năm để viết, Không nói lời tạm biệt, là sự tiếp nối đề tài bạo lực ở Bản chất của người, nhưng phong độ đã suy giảm: nhà văn Kyungha bị sang chấn sau khi viết một tác phẩm về vụ thảm sát ở G. nhận tin nhắn của người bạn gái Inseon từng thân thiết sống ở Jeju và nhờ cô đến Jeju để chăm sóc con chim của mình trong khi chính người bạn này phải nhập viện cấp cứu ở Seoul. 

Cuốn tiểu thuyết chia làm 3 phần, với phần 1 cơ hồ là một sự xuống tay đến mức khó hiểu của Han Kang với một loạt kể lể thừa thãi, sang phần thứ 2 khi thế giới nửa hư nửa thực không cách nào phân biệt được: con chim chết ở đoạn trước sống lại, người bạn nhập viện ở Seoul giờ lại hiện diện tại Jeju, và những lời kể của các chứng nhân lịch sử còn sống sót trong vụ khởi nghĩa Jeju vào tháng 4-1949 với khoảng 30.000 người bị tàn sát, lần lượt xuất hiện, thì ta nhận ra điểm mạnh của Han Kang đúng là nằm ở việc tái hiện những vết sẹo sâu hoắm trong lịch sử, hơn là tự mình thiết kế những câu chuyện hư cấu hoàn toàn. 

Những nhân vật với những câu chuyện như nằm trong những thế giới song song với thế giới của Svetlana Alexievich được Inseon tái hiện qua những cuốn sách trong sách: những hố chôn tập thể, những tiếng súng xả vào người trên bãi biển, những binh lính ném xác người xuống đại dương trông như quần áo nổi lềnh bềnh trên những ngọn sóng, tuyết rơi trên hàng loạt những xác người không phân biệt được ai với ai, chỉ có một lớp băng mỏng dính đầy máu trên mặt người… Viết để thanh tẩy, Han Kang quả đã chọn cho mình lối đi rất riêng, dẫu không phải lúc nào cũng thành công.

Hẳn nhiên không thể đòi hỏi nhà văn nào cứ hạ bút là ra kiệt tác. Tên Han Kang xướng lên, một cái tên mà qua chục năm nay với độc giả ngoài Hàn Quốc đã thấy ít nhiều mang tính mainstream, nhiều độc giả và nhà phê bình đã lập tức rên siết khi cho rằng bà chưa xứng đáng được Nobel. 

Trao giải cho bà cứ như là một cú trao giải cho thì tương lai: để mong những tác phẩm bà viết sau khi đoạt giải sẽ xứng tầm với giải, bởi tuổi đời bà còn hơi trẻ, bởi số lượng tác phẩm của bà còn hơi non. Thậm chí có người còn lo ngại giải Nobel sẽ chôn vùi nghiệp viết của bà từ đây. 

Điểm lại văn nghiệp của Han Kang, người bước vào văn đàn Hàn Quốc từ những năm đầu thập kỷ 1990, đã lần lượt có tên ở các giải quan trọng của Hàn Quốc như giải Yi Sang năm 2005, đã có 5 truyện vừa, 8 tiểu thuyết, các tập thơ và tản văn, thì bà đang ở giai đoạn chín muồi của sự nghiệp - một sự nghiệp với những tác phẩm tầm tầm.

Nhưng có vô số những nhà văn kiểu thế đã được trao Nobel: đừng quên một Annie Ernaux còn dưới cả tầm tầm, một Abdulrazak Gurnah chán đến mức dẫu có Nobel cũng không cứu nổi sự nghiệp mỗi đầu sách không bán nổi 2.000 cuốn. Và chớ mà quên Bob Dylan, hãy nghĩ đến mà thấy vui sướng hơn với lựa chọn của Viện hàn lâm với bất kỳ người nào. 

Sẽ luôn luôn có những lựa chọn tốt hơn Han Kang của năm nay, cũng như luôn có thể có lựa chọn tốt hơn cho mọi năm (trừ Nobel năm 1949 cho William Faulkner, 1969 cho Samuel Beckett và 1982 cho Gabriel García Márquez), bởi lịch sử đã cho thấy vô số nhà văn không được trao Nobel nhưng tên tuổi tài năng của họ là minh chứng rằng cái giải này cũng không có gì phải rộn: Lev Tolstoy, Anton Chekhov, Henrik Ibsen, James Joyce, Franz Kafka, Marcel Proust, Vladimir Nabokov, Jorge Louis Borges. 

Trong Hội thảo văn học Thụy Điển do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức ở Hà Nội ngay trước thềm Nobel văn chương năm nay, Tổng thư ký Viện hàn lâm Mats Malm trình bày với độc giả Việt Nam về việc mỗi năm Viện hàn lâm nhận hơn cả trăm đề cử và phần lớn các tác phẩm mà họ đọc đều phải dựa qua các bản dịch.

Nhà phê bình Tim Parks trong bài "Giải Nobel bị làm sao thế?" đã đưa ra quan điểm vô cùng hữu ích: sự ngớ ngẩn của cái giải này và sự ngu ngốc của chính chúng ta khi lại nhìn nhận nó một cách nghiêm túc, bởi "Mười tám (hoặc mười sáu) người Thụy Điển có thể có uy tín nhất định khi đánh giá các tác phẩm văn học Thụy Điển, nhưng nhóm nào có thể thực sự hiểu hết được những tác phẩm vô cùng đa dạng từ hàng chục truyền thống văn chương khác nhau?". Nhưng có lẽ Tim Parks quên mất một điều khi than phiền về những thứ đã trở thành định chế: ta không thể ngừng chửi bới nó, và ta cũng không thể thoát khỏi nó.

Phấn chấn trước việc Han Kang đoạt Nobel văn chương 2024 và gọi đó là "một vinh dự vô song đối với cả cá nhân nhà văn và quốc gia", Bộ trưởng Văn hóa Yu In-chon trong lễ trao giải Ngày sách thường niên lần thứ 38 vào cuối tuần qua đã tuyên bố tăng ngân sách cho ngành xuất bản khoảng 3 tỉ won (2,2 triệu đô la). Ông cũng yêu cầu mở rộng việc tổ chức các sự kiện toàn cầu thúc đẩy quảng bá văn học Hàn Quốc, tập trung vào Viện Sejong tại 88 quốc gia và các trung tâm văn hóa ở nước ngoài. Ông Yu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch thuật, giúp văn học Hàn Quốc tiếp cận được nhiều độc giả hơn ở nước ngoài. Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc, tổ chức trực thuộc Bộ Văn hóa, đã hỗ trợ dịch các tác phẩm của Han Kang qua 28 ngôn ngữ.

Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường nỗ lực lập pháp để phục hồi thị trường xuất bản trong nước đang trì trệ, trong đó có các chính sách ưu đãi thuế cho xuất bản sách, bồi dưỡng các tài năng văn học mới và giúp các tác giả này ra sách mới thuận lợi. Lợi ích thuế dành cho ngành công nghiệp phim ảnh của Hàn Quốc rất lớn song nước này thiếu hỗ trợ cho lĩnh vực xuất bản - một lĩnh vực thật ra đang đóng vai trò là nền tảng cho các ngành công nghiệp giải trí.

Ông Jung hy vọng việc giúp xuất bản các tác phẩm văn học chất lượng cao sẽ giúp tăng tỉ lệ đọc sách ở nước này. Tháng 5 vừa qua, khảo sát của Bộ Văn hóa cho thấy khoảng 6 trong số 10 người lớn Hàn Quốc không đọc một cuốn sách nào trong năm qua. Chỉ có 43% người lớn Hàn Quốc đọc ít nhất một cuốn sách vào năm 2023, giảm 4,5% so với năm 2021 và là tỉ lệ đọc thấp nhất được ghi nhận kể từ khi các cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1994.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận